- Bình thường, khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét. Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể cạnh tranh.

Thời gian qua, việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp... ít nhiều đã có kết quả tích cực, tạo ra một cách làm mới trong lựa chọn lãnh đạo so với cách làm truyền thống và quan trọng hơn là được dư luận đồng tình, ủng hộ.


TS Nguyễn Xuân Thu (Phó trưởng ban thư ký, Văn phòng Bộ Tư pháp) và TS Nguyễn Văn Điệp (Trưởng khoa đào tạo luật sư, Học viện Tư pháp) thi tuyển chức danh Phó giám đốc Học viện Tư pháp tháng 3/2014

Những mặt được của thi tuyển lãnh đạo là: mở rộng được đối tượng tham gia, người trong quy hoạch, người ngoài quy hoạch, công chức trẻ, có số năm làm việc ít cũng có thể tham gia thi, quy trình, thủ tục rõ ràng hơn, người dân quan tâm có thể theo dõi, giám sát và qua đó hạn chế được chuyện tiêu cực, nhất là chuyện chạy chức, chạy quyền được nói đến từ lâu nay. Nói một cách ngắn gọn là dân chủ hơn, thực tài, minh bạch và góp phần chống tham nhũng.

Ngay từ năm 2007, nghị quyết TƯ 5 khóa X về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước“ đã xác định: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp”. Chủ trương đã có, nhưng thể chế thì chưa, nên làm phải gọi là thí điểm.

Mà thí điểm thì đương nhiên mỗi nơi làm theo cách mà mình cho là tốt và phù hợp nhất, dẫn đến đối tượng dự thi, quy trình, thủ tục, bài thi, đề thi, hội đồng chấm thi... có thể cũng rất khác nhau.

Việc chưa có thể chế có nguyên nhân sâu xa ở những lấn bấn trong đổi mới, cải cách quá trình bổ nhiệm lãnh đạo theo cách làm truyền thống lâu nay. Và đây chính là câu chuyện không đơn giản trong triển khai rộng thi tuyển lãnh đạo vốn được đánh giá là hay, có ý nghĩa thiết thực, động viên được những người thực tài phấn đấu vươn lên trong công vụ.

Không nhất thiết “phấn đấu” vào quy hoạch

Có thể thấy mấy khó khăn khi triển khai rộng cơ chế thi lãnh đạo như sau:

Thứ nhất là đụng chạm đến vấn đề quy hoạch cán bộ lãnh đạo. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện bài bản từ rất lâu, có thể chế rõ ràng. Không có thi tuyển thì khi có nhu cầu chỉ cần lấy người trong quy hoạch ra xem xét. Nay có thi tuyển, người ngoài quy hoạch cũng có thể tham gia. Tính “thiêng liêng” của quy hoạch bị đụng chạm, không nhất thiết phải “phấn đấu” vào quy hoạch mà qua thi tuyển vẫn có cơ trở thành lãnh đạo.

Thứ hai là làm ở phạm vi nào? Triển khai đại trà, trong tất cả cơ quan hành chính cả nước hay có giới hạn?

Giả sử có thể chế nhưng lại quy định tùy bộ, tỉnh xem xét quyết định áp dụng. Như vậy sẽ có bộ, tỉnh làm, nhưng cũng sẽ có bộ, tỉnh không làm. Thậm chí có thể trong một bộ, tỉnh chỉ thi lãnh đạo vụ, cục, sở này, vụ, cục, sở kia thì không. Hoặc nếu bắt buộc làm thì lãnh đạo ví dụ Vụ Tổ chức, cán bộ, Thanh tra bộ, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh có qua thi tuyển không?

Khập khiễng chuyện tiêu chuẩn

Thứ ba là vấn đề tiêu chuẩn. Thi tuyển lãnh đạo buộc phải xem xét lại các tiêu chuẩn đã được ban hành về công chức lãnh đạo. Qua thi, hy vọng có được công chức trẻ, có năng lực xứng đáng với trọng trách lãnh đạo. Đây là một động lực hết sức quan trọng cho đội ngũ công chức trẻ phấn đấu và làm việc, học hành. Tuy nhiên lại đụng ngay tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn vụ trưởng, giám đốc sở cơ bản phải là chuyên viên chính, có lý luận chính trị cao cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, có 5 năm công tác trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.

Tiêu chuẩn phó vụ trưởng, phó giám đốc sở phải là chuyên viên bậc 6, có lý luận chính trị trung cấp, có quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

Những tiêu chuẩn này không sửa thì không thể có công chức trẻ tham gia thi lãnh đạo, không thể có lãnh đạo cấp vụ, cấp sở trong độ tuổi 30 đến 40 được. Mà trong khi đó, theo cơ chế luân chuyển lại có được lãnh đạo cấp thứ trưởng và tương đương ở độ tuổi 40. Rõ ràng có chuyện khập khiễng ở đây.

Thực tế thời gian qua việc thí điểm thi lãnh đạo đã vấp phải vấn đề này và phải “sáng tạo” bằng cách cho nợ tiêu chuẩn, nếu công chức thi đỗ, được bổ nhiệm lãnh đạo thì phải trả nợ sau. Sửa tiêu chuẩn phải bằng thể chế chứ không thể để tùy bộ, tỉnh, thậm chí tùy cấp ủy cứ đồng ý thì ai cũng có thể tham gia thi được.

Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo qua thi tuyển là vấn đề tốt, hợp lòng dân, được đội ngũ công chức cơ bản ủng hộ. Khó khăn để triển khai không ít, nhưng nếu quyết tâm chắc có thể làm được.

Đinh Duy Hòa