Sáng nay (30/9), Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 3 và bàn về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý 3, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của TP đạt được rất tích cực so với bình quân chung của cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ |
Bí thư Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản về tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh.
Lãnh đạo Thành uỷ nhấn mạnh, tất cả phải nỗ lực để TP bước vào Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ TP với tâm thế làm việc hết mình, không vì đại hội mà xao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững và để sau Đại hội TP tiếp đà tăng trưởng vượt lên.
Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu các cấp, ngành TP phải giảm bớt thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ; siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật.
Đồng thời phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ, không để tồn tại hiện tượng “tròn vo không làm gì cả” hoặc chậm trễ, trì trệ trong thực thi công vụ.
Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP phải phân tích kỹ hơn vì sao nhập khẩu giảm mạnh, có phải do giảm nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất không; 14 trung tâm bán hàng ở các quận, huyện, thị xã đã mở ra chưa; việc tổ chức tuần lễ bán hàng ban đêm giảm giá, kích cầu tiêu dùng đến đâu rồi?…
“Hà Nội không thể bằng lòng với mức tăng trưởng GRDP năm 2020 là 3,5% như dự báo của Tổng cục Thống kê. Trong quý 4/2020, TP phải phấn đấu và quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao nhất để cả năm 2020, GRDP thành phố đạt mức tăng trưởng 4-5%”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh việc kiện toàn nhân sự các cấp địa phương; vì tiến độ kiện toàn nhân sự như hiện nay là còn chậm. Ban Tổ chức Thành ủy phải rà soát, kiểm tra, tập trung đôn đốc việc này.
Các cơ quan chức năng TP phải rà soát các dự án chậm triển khai, Thường trực HĐND TP phải vào cuộc, xem xét chuyển cho nhà đầu tư khác thực hiện; không để tình trạng nhận đất rồi để dự án chậm tiến độ quá thời hạn quy định.
Về những vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Hà Nội cho biết, ông đã gửi thư cho Thủ tướng, Thủ tướng nói đã nhận được và hứa sẽ có cuộc họp với Bộ GTVT và các bộ ngành.
Liên quan đến công tác quy hoạch, theo ông Vương Đình Huệ, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Do đó, TP cần hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho các huyện và hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của TP Hà Nội.
Đồng thời, cần phủ kín quy hoạch phân khu, trước hết là đối với 4 quận nội đô, các đô thị vệ tinh; chủ động triển khai xây dựng quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy; sớm hoàn thiện quy hoạch cung cấp nước sạch để nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân…
Đề nghị sớm triển khai mô hình kinh tế đêm ở Hoàn Kiếm
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã nêu 3 kiến nghị với TP như sau: Xem xét cho quận sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm; cho phép quận triển khai mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; cho phép triển khai thi công “cột mốc km số 0” vì hiện cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 đã hoàn thành.
Phó GĐ Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đang phối hợp với quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất với TP nhân rộng mô hình này ra các quận, huyện khác một cách phù hợp.
Phân tích rõ hơn về mô hình kinh tế ban đêm sẽ triển khai thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, bà Ngô Minh Hoàng - Phó GĐ Sở Du lịch cho biết, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung gắn với kinh tế đêm.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất và dự kiến hoạt động kinh tế đêm tại Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, vận chuyển, tài chính ngân hàng…
Đặc biệt, không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24h tối chủ nhật hàng tuần. Còn các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22h hàng ngày”, bà Hoàng nói.
Chuyên gia Pháp chưa sang, đường sắt Cát Linh – Hà Đông không thể chạy thử
Do dịch Covid -19, đến nay chuyên gia tư vấn Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Hương Quỳnh