Bị "bỏ rơi" suốt 3 thập kỷ

Sinh ra và lớn lên tại huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ), ông Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1953) tham gia quân ngũ và thuộc diện cán bộ đi B (đoàn cán bộ đang miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu). 

Sau giải phóng miền Nam, ông Lợi được Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú năm 1976 và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hoá lớp 10.

Sau khi tốt nghiệp cấp hai, năm 1977, ông Lợi tiếp tục được phê duyệt đi học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyền thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên).

Năm 1988, ông Lợi được công nhận tốt nghiệp và câu chuyện khiếu kiện bắt đầu nảy sinh với người lính đi B khi nhà trường và các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm khiến ông rơi vào cảnh không được phân công công tác, không xin được việc làm chính thức. 

{keywords}
Chân dung người lính đi B Nguyễn Ngọc Lợi. Ảnh: XĐ


Suốt 29 năm từ 1990 đến 2019, ông Lợi ròng rã gửi đơn đến Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên và nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Sở Y tế Vĩnh Phú, Sở Y tế Phú Thọ, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.Câu chuyện khởi nguồn bắt đầu từ khi ông Lợi tốt nghiệp, tuy nhiên do việc bàn giao hồ sơ của Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng dẫn đến ông Lợi không được hưởng các chế độ theo quy định.

Đơn của ông đã "thấu" và nhận được ý kiến chỉ đạo của ba nhiệm kỳ Thủ tướng gồm các ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc, tuy nhiên, các cơ quan có trách nhiệm không giải quyết thỏa đáng.

Trong các đơn gửi đi, ông Nguyễn Ngọc Lợi khiếu nại và kiến nghị về việc các cơ quan có liên quan phải phục hồi 100% tiền lương bị mất theo diễn biến tiền lương và các phụ cấp nếu có. Hai là, sau khi phục hồi tiền lương, nhà trường đóng BHXH kể từ khi có luật BHXH (1995) đến nay, sau đó giải quyết nghỉ hưu theo luật. Ba là, ông Lợi yêu cầu giải quyết một số quyền lợi khác như công nhận năm tốt nghiệp, bồi thường tổn thất, vật chất, tinh thần, chế độ kháng chiến.

"Gõ cửa" Thanh tra Chính phủ 

Khi những lá đơn gửi nhà trường, các đơn vị địa phương và thậm chí là Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT không đưa sự thật trở về đúng giá trị.  Cuối năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Lợi "gõ cửa" Thanh tra Chính phủ. Đơn vị giải quyết trực tiếp vụ việc của ông Lợi là Vụ 3 với các cán bộ có trình độ chuyên môn cao và làm việc trách nhiệm.

Sau một thời gian vào cuộc xác minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ngày 23/2/2021 đã kí ban hành thông báo kết quả kiểm tra số 262 về việc rà soát lại vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi. Bản thông báo kết luận thanh tra này mang tính bước ngoặt cho hành trình khiếu nại kiên trì của người lính đi B Nguyễn Ngọc Lợi, giúp ông dần đưa sự thật ra ánh sáng và buộc các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm về những hành vi đẩy ông vào cuộc khiếu kiện ròng rã. 

Cụ thể, bản thông báo kết luận kiểm tra khẳng định, ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi B, được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ cử đi học. Đồng thời, TTCP cho biết, qua kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc cho thấy các nội dung khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi là có cơ sở giải quyết.

Đáng chú ý, TTCP chỉ rõ nguyên nhân khiến việc khiếu kiện kéo dài là do một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan từ năm 1990 đến năm 2020. 

Nổi bật trong số đó là các đơn vị gồm: Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và các cá nhân, tổ chức có liên quan. 

Trong đó, TTCP xác định, trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đã ban hành quyết định điều động ông Lợi về Sở Y tế Vĩnh Phú là chưa đúng với các quy định pháp luật, trái với nguyên tắc bố trí công việc đã được nêu rõ trong công văn của Thủ tướng về việc tiếp nhận cán bộ ở miền Nam ra.

Trường đã bàn giao không đầy đủ cho Sở Y tế Vĩnh Phú các tài liệu là bản gốc, bản chính, sao y bản chính liên quan đến quá trình học tập của ông Lợi. Đặc biệt, nhà trường chỉ bàn giao những tài liệu gây bất lợi cho ông Lợi về nhân thân và không có giá trị để ông Lợi nối tiếp biên chế nhà nước từ Ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Sau quá trình làm việc, TTCP phát hiện, nhiều tài liệu, hồ sơ có giá trị pháp lý để giải quyết chế độ cho ông Lợi vẫn đang lưu giữ tại trường. 

Việc làm của lãnh đạo nhà trường qua các thời kì đã gây ra hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như BHXH, BHYT, nhà đất, chế độ người có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, TTCP còn chỉ rõ trách nhiệm của Sở Y tế Vĩnh Phú khi làm thất lạc bộ hồ sơ mà trường đã bàn giao năm 1991 mặc dù hồ sơ này không đầy đủ để tiếp nhận và nối tiếp biên chế cho ông Lợi.

Từ tháng 9/1991 đến cuối năm 2018, mặc dù đã biết ông Lợi nguyên là cán bộ đi B, được cử đi học nhưng Sở Y tế Phú Thọ đã không giải quyết triệt để, không thông báo cụ thể để ông Lợi biết về danh mục các loại tài liệu đã nhận từ trường để ông Lợi có cơ sở sớm phục hồi hồ sơ để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, TTCP khẳng định, Bộ Y tế chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết vụ việc và kết luận thanh tra năm 1991 đối với các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi.

Cụ thể, Bộ Y tế áp dụng pháp luật không đúng, kết luận vụ việc không đủ căn cứ dẫn đến việc trường và Bộ GD&ĐT đã không giải quyết hoặc giải quyết chưa chính xác, chưa khách quan các khiếu nại, kiến nghị tiếp sau đó của ông Lợi.

{keywords}
Trụ sở Thanh tra Chính phủ

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT với trách nhiệm của mình đã giải quyết vụ việc khiếu nại, kiến nghị chưa chính xác, chưa khách quan. Theo đó, năm 2018, Bộ GD&ĐT chủ yếu căn cứ vào báo cáo không đúng thực tế của trường để giải quyết đơn. 

Từ những kết quả rà soát của TTCP về vụ việc ông Nguyễn Ngọc Lợi, tháng 1/2021, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với kiến nghị của TTCP khi yêu cầu các đơn vị liên quan khôi phục và bàn giao cho ông Lợi các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ có liên quan để ông Lợi thực hiện các thủ tục hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

Để vụ việc kéo dài suốt 32 năm, TTCP xác định việc thiếu trách nhiệm trong giải quyết, giải quyết chưa chính xác, chưa khách quan của các bộ, ngành, địa phương làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, danh dự, việc làm trong suốt thời gian dài của công dân.

Ngày 14/11 vừa qua, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên thống nhất bồi thường gần 3,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Ngọc Lợi. Đây là động thái bước đầu, tuy nhiên ông Lợi cho biết vẫn đang chờ duyệt bồi thường thêm gần 7 tỷ đồng nữa. 

Việc bồi thường được thực hiện theo hình thức biên bản ghi nhớ giữa ông Lợi và nhà trường, chi trả số tiền theo kiến nghị của TTCP. 

Trong đó, Trường Đại học Y-Dược sẽ đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Lợi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội với số tiền trên 607 triệu đồng để ông Lợi được hưởng lương hưu.

Đoàn Bổng

Đại học Y-Dược Thái Nguyên bồi thường 3,2 tỷ cho người khiếu kiện 32 năm

Đại học Y-Dược Thái Nguyên bồi thường 3,2 tỷ cho người khiếu kiện 32 năm

Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên thống nhất bồi thường gần 3,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Ngọc Lợi - người khiếu kiện suốt 32 năm. Ông Lợi cho biết vẫn đang chờ duyệt bồi thường thêm 6,7 tỷ đồng nữa.