- Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của hơn 1.500  người và hơn 2.000 người khác phải mang thương tật suốt đời. Chiến tranh đã qua đi đã lâu nhưng “cỗ máy hủy diệt này” vẫn âm thầm giết người.

Trước yêu cầu cấp thiết của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, sáng nay 5/12, cuộc Tọa đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” đã được tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Nỗi đau không của riêng ai

Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân, là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia.

Theo thống kê, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam có tại tất cả các tỉnh, thành phố với hàng trăm chủng loại khác nhau.

Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của hơn 1.500  người và hơn 2.000 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Gần một thế kỷ, đất nước và con người Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và phải hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Hình ảnh ít biết đến về rà phá bom mìn
Những hình ảnh chưa từng công bố về rà phá bom mìn ở Việt Nam do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cung cấp.

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại, chiếm tới trên 20% diện tích cả nước và ở rất nhiều nơi.

Không chỉ gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, bom mìn sót lại sau chiến tranh còn gây ra nhiều thương vong và tổn thất cho người dân và gánh nặng cho xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ: Cả nước đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại tọa đàm nhấn mạnh: “Chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, nhưng vẫn còn để lại những tàn tích đau thương, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại, hàng ngày vẫn gây ra những thương vong thương tâm, tổn thất, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội Việt Nam.

Diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn còn rất lớn, chiếm hơn 20% diện tích cả nước, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn thông qua việc ban hành nhiều cơ chế chính sách và chi hàng nghìn tỷ đồng, để khắc phục hậu quả bom mìn.

Nhờ sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom mìn vật nổ các loại; giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh; tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của người dân; giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn.

Dốc toàn lực

Từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 nhằm huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại tọa đàm

 
Thủ tướng nêu rõ: “Nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh".

Công tác rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn thách thức, như các khu vực bị ô nhiễm bom mìn phần lớn có địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp; bom mìn, vật nổ nằm ở các độ sâu khác nhau với nhiều dị vật nhiễm từ.

Hoạt động rà, phát hiện bom mìn tại Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị cá nhân vì địa hình không phù hợp với phương pháp dò tìm bằng cơ giới nên hiệu suất chưa cao; trang thiết bị xử lý bom mìn, vật nổ sau khi phát hiện còn thiếu và hiệu quả chưa cao.

Từ yêu cầu cấp thiết của thực tế, chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ tạo điều kiện huy động mạnh mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn, hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bom mìn.

Các nhiệm vụ cụ thể cũng được đề ra trong 2 giai đoạn là 2010 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2025: Hoàn thành việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn  quốc; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tập trung tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn theo kết quả điều tra sơ bộ được thực hiện năm 2002.

Tiếp tục thực hiện công tác rà phá bom mìn  phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân, đạt khối lượng diện tích khoảng 800.000 ha; tiếp thục thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng.

Theo kế hoạch, chương trình hành động sẽ được chia là 6 dự án cụ thể phân chia cho các Bộ ngành liên quan cùng thực hiện. Trong đó Dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặc biệt được quan tâm với tổng kinh phí dự trù lên đến 1028 tỷ đồng.


La Hoàn