Đầu tiên phải kể đến chính là vợ của Nguyễn Thái Luyện, là bà Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, quê Quảng Bình). Trong vụ án này, bà Mai bị cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.
Theo kết luận của Công an TP.HCM, trong tập đoàn lừa đảo địa ốc Alibaba, Nguyễn Thái Luyện là kẻ chủ mưu, đạo diễn toàn bộ khiến cho 2.671 người sập bẫy. Đáng nói, Luyện tin tưởng, giao cho những người thân trọng trách trong tập đoàn. Chính vì thế nên khi bị bắt giữ, Luyện kéo theo nhiều người thân, trong đó phải kể đến là người vợ.
Bà Võ Thị Thanh Mai là "tay hòm chìa khoá" của tập đoàn Alibaba và là người phụ nữ đứng sau CEO "nổ" Nguyễn Thái Luyện |
Bà Mai được Luyện giao cho làm Giám đốc tài chính, phụ trách pháp lý của Công ty CP địa ốc Alibaba, tức “tay hòm chìa khoá” của cả "tập đoàn lừa đảo”. Ngoài ra, Luyện còn giao cho vợ đảm nhiệm giám đốc của một số công ty con được lập ra để phục vụ cho mục đích lừa đảo, như: Công ty Alibaba Law Firm, Công ty Xây dựng Maluna… Trong giai đoạn ban đầu khi thành lập địa ốc Alibaba, bà Mai còn giữ 10% cổ phần công ty.
Công an cho rằng, trong toàn bộ kế hoạch lừa đảo nghìn người của Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn thì bà Mai có vai trò giúp sức tích cực. Tất cả các hoạt động giao dịch, bà Mai chính là người được ông Luyện tin tưởng giao nắm toàn bộ các tài khoản.
Ngoài ra, có một tình tiết đã được làm rõ, đó là bà Mai bị đề nghị truy tố vì cùng hai người khác dùng thủ đoạn rửa tiền.
Cụ thể, trong những khoản tiền chiếm đoạt được từ việc lừa khách hàng, bà Mai chỉ đạo, cùng một số người khác như: Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng), Nguyễn Thái Lực (là em út của Luyện)… đã tổ chức "rửa tiền", che giấu nguồn gốc bất hợp pháp.
Công an làm rõ, trong ngày 19 và 20/9/2019, ba người nói trên đã có hành vi chuyển 13 tỷ đồng, là tiền chiếm đoạt của khách hàng, vào các tài khoản cá nhân của họ mở tài khoản ngân hàng ACB nhằm mục đích che giấu nguồn gốc.
Nguyễn Thái Luyện đã kéo nhiều người nhà vào "tập đoàn" Alibaba và khi... sụp đổ thì họ đều dính vào vòng pháp luật |
Sau đó, nhanh chóng rút hết số tiền. Bà Võ Thị Thanh Mai nhận toàn bộ, dùng để tiêu xài cá nhân và trả các khoản vay bên ngoài.
Ngoài ra, có nhiều khoản đã chuyển, rút liên quan đến các tài khoản của địa ốc Alibaba, các công ty con và tài khoản cá nhân của nhiều người có liên quan đến tiền chiếm đoạt của khách hàng đều có sự tham gia của bà Mai. Tuy nhiên, hành vi của Mai và một số bị can tiến hành một cách tinh vi nên cơ quan CSĐT khó làm rõ.
Khi “tập đoàn lừa đảo” Alibaba… sụp đổ, bà Mai cũng bị khởi tố cùng chồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra giải quyết cho bà Mai tại ngoại hầu tra vì đang diện nuôi con nhỏ.
Hai em trai của Nguyễn Thái Luyện có vai trò gì?
Người thân cận kế tiếp của Nguyễn Thái Luyện phải kể đến là Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), người em ruột thứ hai. Khi mới thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba, Lĩnh được giao là Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật cho công ty này.
Do đó, trong toàn bộ quá trình lừa đảo hàng nghìn người, vai trò chủ mưu của Lĩnh rõ ràng. Và chính là người đại diện pháp luật nên dễ dàng lý giải khi địa ốc Alibaba bị “sờ gáy” thì Lĩnh là một trong những người bị công an khởi tố, bắt tạm giam trước anh ruột của mình và bị đề nghị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Thái Lĩnh, là em ruột của Nguyễn Thái Luyện và là Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba |
Luyện vẽ ra toàn bộ kế hoạch nhưng người chỉ đạo thực hiện trực tiếp là một số người thân tín, trong đó có Lĩnh. Bị can Lĩnh chỉ đạo nhân viên thân tín dùng pháp nhân cá nhân để thu mua những khu đất nông nghiệp nhằm lập dự án ma. Bản thân Lĩnh cùng một số giám đốc công ty con sẽ ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Một người em ruột khác của Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh, chính là Nguyễn Thái Lực (SN 1991) cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong vụ án. Trong vụ án, Lực cũng cùng lúc bị đề nghị truy tố hai tội danh như người chị dâu Võ Thị Thanh Mai.
Nguyễn Thái Lực, em út của Nguyễn Thái Luyện và người có nhiều vai trò quan trọng |
Phi vụ “rửa tiền” 13 tỷ đồng cùng chị dâu và kế toán trưởng Huỳnh Thị Kim Thắng đã được làm rõ như nói trên. Lực còn có nhiều vai trò khác.
Lực là giám đốc hai công ty con gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh (trụ sở tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) và địa ốc Long Thành Ali (trụ sở xã Phước Thái, huyện Long Thành, cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cả hai doanh nghiệp trên có vốn điều lệ 20 tỷ và 100 tỷ đồng. Trong 22 công ty con của tập đoàn lừa đảo Alibaba thì Lực có cổ phần trong 8 công ty. Có công ty, Lực nắm đến 75%. Nhưng công an xác định, đều là vốn ảo.
Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Lực khai chi tiết hành vi. Lực thừa nhận được anh ruột giao cho nhiệm vụ quan trọng là, đi tìm thu mua đất nông nghiệp và đứng tên chủ sở hữu, để dùng đó làm mồi nhử lừa đảo người khác.
Nhiều lô đất nông nghiệp được Nguyễn Thái Lực mua, đứng tên chủ sở hữu để vẽ ra dự án ma |
Điển hình lô đất gần 32.000m2 tại ấp 5, xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Lực mua của một người ở Đồng Nai và lô đất có 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ khu đất này, anh em của Luyện - Lĩnh - Lực lập ra dự án ma Alibaba Tân Thành Center 5 và đã lừa bán được 291 nền đất.
Hay như dự án ma có tên Alibaba Tân Thành Center 3 tại ấp Sông Xoài 1, P.Sông Xoài, TX.Phú Mỹ có tổng diện tích hơn 58.000m2 cũng do Lực đứng tên chủ sở hữu.
Vì sao ông trùm Nguyễn Thái Luyện và Công ty Alibaba dễ dàng lừa nghìn tỷ?
Nguyễn Thái Luyện là nhân viên môi giới bất động sản nhỏ lẻ ở vùng ven, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã vận hành một tập đoàn lừa đảo hàng ngàn người với số tiền ngàn tỷ một cách khá dễ dàng.
Linh An