Tối 19/10, ông Ngô Đức Hợi cho hay, tỉnh và ngành chức năng luôn theo dõi sát sườn diễn biến mưa, lượng nước đến hồ Kẻ Gỗ để chỉ đạo điều tiết xả tràn phù hợp.
“Từ đầu giờ chiều nay, ở Hà Tĩnh mưa bắt đầu ngớt dần, lượng nước về hồ Kẻ Gỗ đã giảm. Tối nay đang xả lũ với lượng 830m3/2, lượng nước về hồ Kẻ Gỗ đang giảm. Trong tối nay với lượng mưa này, chỉ có giảm lưu lượng xả, chứ không tăng thêm”, ông Hợi nói.
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, hai ngày qua mưa lớn, cùng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ, khiến khu vực TP Hà Tĩnh và các vùng hạ huyện ngập nặng.
Hồ Kẻ Gỗ xả lũ gây ngập |
Ở huyện Cẩm Xuyên có 6 xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ như Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Quang, Cẩm Thạch, Cẩm Quan bị cô lập hoàn toàn.
“Bây giờ mưa nhỏ, khả năng mưa to nhất cũng dự đoán 200mm trở lại, vì vậy, mực nước hồ Kẻ Gỗ sẽ giảm xuống chứ không dâng lên. Hiện đã giảm lưu lượng xả ở hồ. Từ chiều qua đến hôm nay, UBND huyện Cẩm Xuyên phối hợp với cơ quan chức năng sơ tán 32.000 người dân ở vùng trọng yếu”, ông Hoàng Anh nói.
Trước đó, Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn, hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng lớn 900m3/s khiến nhiều vùng ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ và các vùng lân cận như TP Hà Tĩnh ngập sâu trong biển nước.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh do ông Trần Tiến Hưng làm trưởng ban đã đã ra lệnh sơ tán hàng nghìn hộ dân. Trong đó, sơ tán hơn 43.000 người, với hơn 13.000 hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên; sơ tán hơn 2.600 người ở huyện Thạch Hà và 701 người ở TP.
Tính đến 15h chiều qua, mực nước hồ Kẻ Gỗ đạt 33,79m (giảm 1cm) trên mực nước thiết kế là 32,5m, lưu lượng xả qua tràn là 930m3/s.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó GĐ phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, tín hiệu tích cực là hiện lượng mưa khu vực Kẻ Gỗ đã nhỏ dần, song, theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 23 - 24/10 tới, lại có đợt áp thấp mới nên vẫn chưa hết nguy cơ.
Hiện có 30 người đang túc trực trên Trạm Thủy nông Kẻ Gỗ để ứng phó với tình hình thời tiết.
Nỗi lo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình mưa lũ miền Trung ngày 19/10, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết từ ngày 6-12/10 trong một tuần liên tục từ cơn bão số 6, cơn bão số 7, áp thấp hoành hành miền Trung nước ta.
Mưa lũ làm 127 người chết và mất tích,“thiệt hại về các thiết chế hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Do đó, cần tập trung công tác chỉ đạo, nhất là hồ chứa đã vượt ngưỡng bình thường, không để xảy ra sự cố, phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.
Theo Bộ trưởng mưa lớn vẫn tiếp tục ở Hà Tĩnh, Nghệ An và một phần của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt ông Cường cho rằng phải chú trọng tỉnh Hà Tĩnh, vì trong 24h qua đã có nơi mưa trên 1.200 mm.
“Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống thành phố...”, ông Cường nói và đề nghị cần tập trung chỉ đạo tại đây. Ông cho biết nước ở các hồ chứa và thảm rừng cũng đã đầy nước nên bất kỳ tổn thương nào cũng dễ gây ra ảnh hưởng.
Bộ đã cử các chuyên gia của tổng cục thủy lợi vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế hỗ trợ công tác điều hành hồ chứa. “Không để xảy ra rủi ro với hệ thống hồ. Vì nếu xảy ra sẽ là thảm họa”, ông Cường nói thêm.
Bộ trưởng cho biết thêm dự báo tới đây ngày 24-25/10 xuất hiện ATNĐ và có thể hình thành bão, nên cần có tinh thần rà soát chuẩn bị để đón trước để không xảy ra "thảm họa".
Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung.
Thiện Lương- Trần Thường- Thu Hằng
Mưa lạnh tê tái, giàn giụa nước mắt tiễn các liệt sỹ ở Rào Trăng 3 về đất mẹ
Hài cốt của 13 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh lúc làm nhiệm vụ cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (TT-Huế) lần lượt được đưa về quê mẹ.