Ngày 24/8, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận nhiều nội dung quan trọng.

Tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân

Tổng Bí thư thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. 

Các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, ngăn chặn không để dịch lan rộng, nhất là những khu vực trọng yếu như Thủ đô Hà Nội, các khu đô thị lớn tập trung đông dân cư, khu công nghiệp...

{keywords}
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp

Tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, giảm thiểu số ca tử vong.

Cùng với đó, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu và các hỗ trợ cần thiết cho người dân khi thực hiện cách ly, giãn cách, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tổ chức tốt việc bảo quản, mai táng các trường hợp tử vong phù hợp với phong tục tập quán. 

Tổng Bí thư cũng lưu ý, khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; không để các thế lực thù địch, phản động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở công tác phòng, chống dịch.

Ngoài việc làm tốt hơn công tác tuyên truyền, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là, thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Tổng Bí thư thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.  

Ngoại giao vắc xin mang lại những kết quả thực chất

Trong ngày 24/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có thư gửi ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong thư, Thủ tướng vui mừng nhận thấy các sáng kiến hợp tác được thống nhất tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng và ngài Tổng Giám đốc WHO vào ngày 24/6 vừa qua đã và đang được tích cực triển khai, trân trọng cảm ơn WHO về điều này.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot ngày 19/8

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của WHO và nhiều đối tác quốc tế, Việt Nam đã nhận được nhiều triệu liều vắc xin thông qua Chương trình COVAX.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch trên diện rộng do biến chủng Delta gây nên, vì vậy, Thủ tướng đề nghị WHO ưu tiên cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong đợt phân bổ vắc xin sắp tới của COVAX nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vật tư y tế, chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đặc biệt, Việt Nam mong sớm được đón đoàn chuyên gia của WHO sang trao đổi, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ vai trò của WHO trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống đại dịch và tiếp cận công bằng chẩn đoán, điều trị và vắc xin ngừa Covid-19.

Trước tình trạng khan hiếm vắc xin toàn cầu ngày càng gay gắt, trong tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hai cuộc điện đàm quan trọng với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca và Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer.

Lãnh đạo các tập đoàn đều cho biết, sự xuất hiện của chủng virus Delta đã và đang làm tăng mạnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu, gây rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới về vắc xin hiện nay, thậm chí một số nước phát triển đang muốn triển khai tiêm vắc xin mũi thứ 3.

Tuy nhiên, lãnh đạo AstraZeneca và Pfizer đều khẳng định cam kết sẽ nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vắc xin và tiến độ giao vắc xin cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể.

{keywords}
Người dân ở TP.HCM đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 những ngày gần đây. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Cũng trong ngày 24/8, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp với Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo, ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định thành lập, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành nhanh chóng đưa Tổ công tác đi vào hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bộ trưởng nhấn mạnh, với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vắc xin từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết. 

Bên cạnh vắc xin, nhiều nước, tổ chức quốc tế cũng như kiều bào ta tại nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị y tế phục vụ kịp thời và thiết thực công tác phòng chống dịch trong nước. 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thay mặt Tổ công tác kiến nghị các biện pháp thúc đẩy vận động vắc xin, trang thiết bị phòng chống dịch và thuốc điều trị trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã biểu dương tinh thần và sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả của Tổ công tác; đánh giá cao các kết quả tích cực của công tác ngoại giao vắc xin thời gian qua, góp phần thiết thực vào nỗ lực phòng chống dịch trong nước.

Ông khẳng định ngoại giao vắc xin vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công của chiến lược vắc xin của Chính phủ. 

TP.HCM đặt mục tiêu tới 15/9 sẽ kiểm soát được dịch

Sáng 24/8, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp TP phải tận dụng thời gian vàng giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 86, Công điện của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của UBND TP.

Theo ông, đây là quãng thời gian vô cùng thử thách. Cả TP đã đối phó với chủng Delta biến thể khó lường, đã nỗ lực hết sức để ngăn chặn lây lan, củng cố hệ thống điều trị để cứu chữa người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

“Qua 2 ngày TP khẩn trương quyết liệt các biện pháp đề ra, lần này có sự tăng cường tích cực đầy đủ của Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế… thì chúng ta tin tưởng TP sẽ chiến thắng dịch bệnh”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Ông Nên cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; cần phải thần tốc xét nghiệm, bởi đây là khâu then chốt, cần phát hiện sớm, cách ly nhanh F0; điều trị giảm tử vong, đảm bảo đủ oxy y tế tại các cơ sở y tế, các khu vực đang cách ly phải có các trạm y tế lưu động…

{keywords}
Quân đội triển khai trạm oxy lưu động để chăm sóc F0

Cùng ngày, tân Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sẽ cùng tập thể UBND huy động mọi nguồn lực, thực hiện có kết quả các biện pháp phòng, chống dịch nhằm cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch bệnh; tập trung cao cho công tác điều trị, giảm tử vong.

“Tôi sẽ chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng của TP khẩn trương hoàn thiện một kế hoạch thật cụ thể để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh và khôi phục phát triển trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn kéo dài”, ông Mãi chia sẻ.

Thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tiêm vắc xin, dùng thuốc trị bệnh, can thiệp cấp cứu bệnh nhân…

Ông Mãi cho biết, TP đặt mục tiêu tới 15/9 sẽ kiểm soát được dịch dựa trên các tiêu chí như: số ca nhiễm giảm dần, số ca cần điều trị sẽ bằng và nhỏ hơn năng lực điều trị của TP, số ca tử vong giảm rõ rệt, vùng xanh được mở rộng, vùng đỏ, cam, vàng giảm đi.

Khi đó, TP sẽ lên kế hoạch, định hướng mở cửa lại TP. Sẽ sớm thành lập bộ phận xây dựng kế hoạch cụ thể để bổ sung các biện pháp từ đây đến 15/9 và sau đó, tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Chăm lo cho dân là trọng tâm, chủ trọ miễn giảm tiền thuê tới 158 tỷ đồng

Về an sinh xã hội, ông Mãi chia sẻ, khi thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó”, tức là ở nhà trong 14 ngày thì nhu cầu về sinh hoạt cơ bản, tối thiểu nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu cầu khác, phải được đáp ứng. Thành phố xác định đây là vấn đề rất quan trọng.

Thành phố sẽ rà soát lại các chính sách, các việc đã có chủ trương thì triển khai tới đâu. Việc gì đã có chủ trương, chính sách thì phải đảm bảo thực hiện ngay.

{keywords}
Lực lượng quân đội tham gia phát lương thực cho người dân

Cùng với đó, rà soát lại các đối tượng, chính sách còn thiếu để tiếp tục bổ sung theo tinh thần trong lúc khó khăn phải nhanh nhất có thể để hỗ trợ nhu cầu của bà con.

“Tinh thần là khẩn trương tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách, sự hỗ trợ của cả nước, các tỉnh thành và sự vận động trong bà con để đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất”, tân Chủ tịch TP.HCM khẳng định.

Ngay trong ngày 24/8, phóng viên VietNamNet ghi nhận, các lực lượng quân đội, công an, đoàn thể đều triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân. Lực lượng Quân khu 7 đã phối hợp với địa phương trao nhu yếu phẩm đến cho người dân trong những ngày giãn cách.

Trong ngày 24/8, TP đã tiếp nhận nhiều mặt hàng như nhu yếu phẩm, rau củ, gạo, dầu ăn, đường, nước tương… của các doanh nghiệp và các mạnh thường quân trị giá hơn 594 tỷ đồng.

{keywords}
Bộ đội chuyển thực phẩm hỗ trợ đến người dân

TP đã phân phối 100 phần quà, thông qua phản ánh Tổng đài là 55 phần quà; qua Tổng đài Mặt trận 45 phần.

Trung tâm an sinh phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ 2 triệu túi an sinh (300.000 đồng/phần) cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong ngày 23/8, đã chuyển về quận, huyện để phân bổ đến hộ khó khăn trên 347.000 phần quà.

Đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với số tiền 158 tỷ đồng.

Tính đến nay đã có 178 các mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng.

Thành phố cũng đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế bảo hộ… và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, lực lượng công an thành phố. Ngoài ra, tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh để đảm bảo không để hộ nào bị thiếu đói.

Nhiều tỉnh miền Tây kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16
Ngày 24/8, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đến 0h ngày 8/9.
Cùng ngày, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương tăng cường các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid- 19, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đề nghị kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 ngày từ 26/8 đến ngày 4/9.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng quyết định tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đối với 7 huyện, thành phố đến hết ngày 5/9; các huyện thị còn lại thực hiện Chỉ thị 15.
Đồng Tháp, ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ký quyết định, tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, thời gian thực hiện đến hết ngày 5/9. 
Kiên Giang, kéo dài thời gian cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 7 ngày, thời gian thực hiện từ 0h ngày 26/8 đến hết ngày 1/9.

Nhóm PV 

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch

Tổng Bí thư thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.