Lai lịch “thầy ông nội” Lê Tùng Vân của “Tịnh thất Bồng Lai”

Chính quyền và Công an tỉnh Long An đã xác định, chủ hộ gia đình tự gắn tên gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” hay tên mới “Thiền am bên bờ vũ trụ” tại ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, là bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Năm 2014, bà Cúc mua lại khu đất 2.000m2 tại đây và sửa thành điểm tu tại gia. Một thời gian sau, nơi này tự gắn cái tên “Tịnh thất Bồng Lai”.

{keywords}
Ông Lê Tùng Vân, người chủ trì những hoạt động của "Tịnh thất Bồng Lai" và đầu năm nay đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ"

Thực tế chủ trì mọi hoạt động của “Tịnh thất Bồng Lai” nói trên là ông Lê Tùng Vân (SN 1932, quê An Giang, ngụ quận 6), tự phong là Hoà thượng Thích Tâm Đức hay “thầy ông nội”. Về nhân thân của ông Lê Tùng Vân đến nay cũng được làm rõ.

Giai đoạn sau năm 1975, ông Vân rời An Giang lên sinh sống ở đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6. Đến năm 1990, ông Vân tự lập ra trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức ở ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, tự phong là giám đốc. Nơi này có hàng chục người lưu trú, được giới thiệu là trẻ mồ côi, người già cơ nhỡ.

Giai đoạn đó báo chí có những điều tra về cơ sở Thánh Đức có những sai phạm về hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Cụ thể, không đăng ký tạm trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định, có dấu hiệu trục lợi từ hoạt động từ thiện…

Đáng nói, cơ sở Thánh Đức được thành lập, vai trò Giám đốc trại của ông Lê Tùng Vân có được là từ 2 quyết định của bà Nguyễn Thị Huỳnh H, nhận là Giám đốc Trung tâm từ thiện hỗ trợ người cao tuổi trực thuộc Hội dân tộc TP.HCM, ký đầu tháng 1/2004.

{keywords}
 Trong thời gian qua, "Tịnh thất Bồng Lai" gây nhiều ồn ào

Nhưng thực tế, từ nhiều năm trước, bà H đã bị Hội dân tộc TP.HCM khai trừ khỏi hội vì những sai phạm cá nhân. Nhưng bà vẫn tự nhận là Giám đốc một trung tâm “ma”, tức Trung tâm từ thiện hỗ trợ người cao tuổi của hội và tự khắc con dấu để có những quyết định tiếp tay cho ông Vân mở cơ sở Thánh Đức.

Cơ sở Thánh Đức lúc đó chưa được phép của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hay chính quyền huyện Bình Chánh.

Từ những cơ sở đó, cuối tháng 7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động của Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức.

Mãi đến năm 2015, ông Vân về ở hộ bà Cúc tại ấp Lập Thành như đề cập và từ đó gắn liền với cái tên “Tịnh Thất Bồng Lai”. Có thể nói hình thức “Tịnh thất Bồng Lai” này không khác gì so với Trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức trước đây.

Lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi

Công an tỉnh Long An phối hợp với các ban ngành chức năng liên quan khác đã xác minh, đủ cơ sở khẳng định, “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ” là tụ điểm lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi từ hoạt động từ thiện. Những ồn ào, đồn đoán xung quanh “Tịnh thất Bồng Lai” dần được làm rõ.

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An một số lần có văn bản chính thức và có đại diện khẳng định, "Tịnh thất Bồng Lai" không phải là tự viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý.

Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ Phật giáo. Sự việc diễn ra trong thời gian gần đây mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để lừa gạt lòng tin, trục lợi.

{keywords}
 Tại "Tịnh thất Bồng Lai" có tổ chức sinh hoạt như một tự viện Phật giáo

Cụ thể, ông Lê Tùng Vân tự nhận là Hoà thượng Thích Tâm Đức hay “thầy ông nội”. Tại hộ bà Cao Thị Cúc có căn thờ Phật như một chánh điện của tự viện Phật giáo. Phần lớn người sinh sống ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hoà thượng, chú tiểu… Họ tổ chức sinh hoạt như một tự viện Phật giáo; làm nhiều clip đăng tải trên mạng tự nhận là chùa, tịnh thất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo ngành chức năng, mới đây khi kiểm tra tại hộ bà Cao Thị Cúc thì có 18 người cư trú. Trong đó có 6 đứa trẻ có mẹ ruột theo giấy tờ hợp pháp, đang cùng sinh sống. Những cá nhân sinh sống ở đây, sinh hoạt như hình thức đại gia đình gồm cả trai lẫn gái.

{keywords}
Những đứa trẻ nổi tiếng ở "Tịnh thất Bồng Lai" được giới thiệu là mồ côi nhưng thực tế là đang ở cùng những người mẹ ruột

 

Chính vì “Tịnh thất Bồng Lai” tự nhận và được nhiều kênh mạng xã hội, các games show truyền hình quảng bá là nuôi dưỡng trẻ mồ côi nên tạo ra sự nhầm lẫn của rất nhiều người trong cộng đồng. Suốt nhiều năm qua, những vật chất, tài chính từ hoạt động từ thiện của những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đổ về “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ” là không ít.

Đến nay, cơ quan chức năng Long An đủ cơ sở xác định, những người sinh sống trong gia đình bà Cúc, phần lớn có quan hệ huyết thống, là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân, chứ không phải là mồ côi, không nơi nương tựa.

Chính quyền tỉnh Long An và huyện Đức Hoà đang tiếp tục xác minh, làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Kiểm tra tụ điểm 'tịnh thất Bồng Lai', nơi có 5 chú tiểu thi 'Thách thức danh hài'

Kiểm tra tụ điểm 'tịnh thất Bồng Lai', nơi có 5 chú tiểu thi 'Thách thức danh hài'

 Cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra tụ điểm nổi tiếng “tịnh thất Bồng Lai”, mới đổi tên là “thiền am bên bờ vũ trụ”.

Phước An