Ngày 4/3, tàu cá ông Nguyễn Đình Chiến cập cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang sau chuyến đánh bắt kéo dài hơn hai tuần. Người đàn ông 67 tuổi thở dài khi số cá trong hầm chứa ở khoang tàu gần 3 tấn, bán thương lái chừng 100 triệu đồng.
Tàu gỗ của ông 460 CV, mỗi lần đi đánh bắt có 10 thuyền viên. Trước khi xuất bến, gia đình chuẩn bị 4.000 lít dầu, 600 cây đá trữ đông, thức ăn, thuốc men y tế. Toàn bộ chi phí ban đầu cho chuyến biển dài ngày gần 200 triệu đồng.
Họ làm nghề lưới vây tại ngư trường Trường Sa. Khoảng 16h, thuyền viên thay nhau thả giàn lưới dài 1.500 m2 xuống biển. Tới nửa đêm, họ thu lưới. Tuy nhiên, lần biển này của tàu ông gặp bất lợi, thời tiết xấu, biển động, sóng lớn. Cá không ấp lộng, sản lượng cá đánh được không nhiều. Chuyến này ông lỗ vài chục triệu đồng.
“Giá nhiên liệu lại tăng trong khi giá hải sản thì thấp, càng đi càng lỗ”, người đàn ông có gần 50 năm bám biển chia sẻ khi hỏi về chuyến biển kế tiếp.
Nhiều tàu cá xa bờ neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang, ngày 4/3. |
Cảng Hòn Rớ ở xã Phước Đồng, là một trong những cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ vốn nhộn nhịp, nhưng những ngày này trầm lắng. Hàng trăm tàu xa bờ xếp hàng dài dọc theo các ụ tàu. Trong đó, ông Võ Ngọc Tùng (50 tuổi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) neo tàu composite 820 CV lại nằm bờ sau chuyến đi thua lỗ hồi đầu năm. Bởi với ông, càng đi càng lỗ, và giá dầu diesel tăng lên 20.000 đồng một lít, trong khi cuối năm rồi chỉ 18.000 đồng một lít.
Ngư dân chuyển những cây đá lạnh xuống tàu cho chuyến biển. |
Tàu ông thường đánh bắt xa bờ, chủ yếu cá ngừ sọc dưa, cá cờ, và các loại hải sản khác, mỗi chuyến kéo dài 20 ngày. Trước khi đi, ông chuẩn bị 7.000 lít dầu, 90 cây đá trữ đông, thức ăn cho khoảng 12 người. Đánh được cá hay không, ông cũng phải trả tiền cho nhân công, mỗi người vài triệu. Mỗi chuyến biển như thế, chủ tàu phải chi ra trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu hiện đang bị đội lên. Còn hải sản thì cạn kiệt.
“Mỗi chuyến biển về chỉ hòa vốn, hoặc lỗ khiến ngư dân như chúng tôi gặp khó. Chẳng hạn, một lần đi đánh bắt thu dưới 250 triệu đồng, chủ tàu cầm chắc lỗ vốn", ông Tùng chia sẻ.
Chủ tàu Trần Thanh Long kiểm tra lại tàu, cùng các nhu yếu phẩm để ra khơi. |
Theo ông Tùng, tàu composite 820 CV của ông đóng mới theo chủ trương nâng cấp tàu cá để vươn khơi bám biển theo Nghị định 67 với giá hơn 8 tỷ đồng. Ông được ngân hàng cho vay trên 7 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, và mỗi năm chia ra thành bốn quý để trả lãi và gốc. Những năm trước, tình hình đánh bắt hải sản khá, ông đủ khả năng chi trả, nhưng đến nay thì thấy “đuối sức dần”, đang ý định làm đơn để trả lại tàu.
Giá dầu liên tục tăng, ngư dân khó lòng bám biển
Khác với hai ngư dân trên, anh Trần Thanh Long (42 tuổi), đang tất bật chuẩn bị 600 cây đá lạnh, 6.000 lít dầu, cùng các nhu yếu phẩm khác cho 11 người trong chuyến biển xa bờ dài ngày (hơn 20 ngày).
Tại cảng cá rất ít ngư dân chuẩn bị ra khơi, mà neo tàu vào bờ vì giá dầu tăng. |
Số tiền nhiên liệu và chi phí cho chuyến đi này gần 170 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng lên trên 20.000 đồng đã khiến chi phí bị đội lên thêm mấy chục triệu.
Lúc đầu, khi anh Long có ý định ra khơi, mọi người trong nhà đều ngăn lại, vì khả năng thua lỗ rất cao. Tuy vậy, công việc đánh bắt đã theo anh hơn 25 năm, phần vì mưu sinh nên đành liều chuyến nữa.
“Nếu lần này đánh bắt không trúng, thua lỗ tôi sẽ ở nhà một thời gian”, anh Long nói.
Trong một ngày chỉ vài tàu xa bờ cập cảng Hòn Rớ để bán hải sản. |
Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.400 tàu đánh bắt xa bờ (tàu trên 15m), trong đó có hơn 700 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang, cho biết giá dầu liên tục tăng khiến ngư dân bị ảnh hưởng, chủ tàu và các thuyền viên đều khó khăn khi tàu thuyền nằm bờ.
Tình trạng này kéo dài, người dân khó lòng bám biển, bởi chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều. Chẳng hạn, tàu công suất 400 CV thì chi phí đi biển trước đây khoảng 90 triệu đồng, nhưng giờ có thể tăng lên 130-140 triệu đồng, và kéo theo các chi phí khác.
Cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang là một trong cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ nhưng nay trầm lắng, sáng 4/3. |
Với vai trò Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, ông Phúc kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp bình ổn giá xăng dầu để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển. Đồng thời, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp giữ giá hoặc tăng giá hải sản để cân bằng được với giá dầu để ngư dân có động lực đi ra khơi.
Từ ngày 1/3, giá dầu diesel tăng lên 20.800 đồng một lít. Mức giá này cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 10% so với giá 18.000 đồng một lít cuối năm 2021 và tăng 70% so với giá 12.420 đồng một lít vào cuối năm 2020. Điều này khiến nhiều tàu cá của ngư dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ cũng nằm bờ.
Xuân Ngọc
Cảnh chưa từng thấy nơi sầm uất, đông vui nhất phố biển Hạ Long
Mặc dù Quảng Ninh tạo mọi điều kiện để ngành du lịch phục hồi trở lại, nhưng các địa điểm vui chơi, bến tàu du lịch vắng người từ cả khách du lịch và người dân địa phương.