Sáng nay (1/12), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai họp ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đợt mưa lớn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chấm dứt ngày 30/11.
Trong đợt mưa này, một số sông lên mức báo động (BĐ) 3, trong đó lũ trên sông Kôn (Bình Định), sông Ba (Phú Yên) xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013.
Người dân thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định) chống thuyền đi lại giữa mênh mông biển nước |
Hiện tại, lũ trên sông Kôn trên BĐ3 1m, sông Ba trên BĐ3 0,9m. Dự báo chiều tối 1/12 các sông này sẽ xuống mức BĐ3, BĐ2. Đến sáng 2/12, chỉ còn sông Kôn ở mức dưới BĐ3 0,2m, các sông khác xuống mức BĐ1.
“Theo tính toán dự báo, ở miền Trung không xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, ít có khả năng xảy ra đợt mưa lớn như vừa qua”, ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cũng lưu ý về đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài trong 4 đến 6 ngày tới. Dự báo ở Bắc Bộ xuống 11-14 độ, vùng núi cao 7-10 độ, khả năng xuất hiện sương muối ở khu vực vùng núi cao.
Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện nay nước bắt đầu rút nhưng tình hình ngập vẫn còn trên diện rộng, do đó cần chủ động rà soát, người dân cần phải đi bệnh viện thì phải bố trí phương tiện đưa đón, tránh để xảy ra việc bà con đi tự phát dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Ông Hoài đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai ngay lực lượng để khi nước rút sẽ khôi phục hệ thống lưới điện.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tập trung khắc phục hậu quả để bà con sớm trở lại hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.
"Đề nghị các tỉnh thống kê thiệt hại, việc gì cần Trung ương, Bộ Nông nghiệp hỗ trợ (giống rau màu) thì báo cáo kịp thời để bà con sản xuất. Đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa hư hỏng”, ông Hoan nói.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đến 8h30 sáng nay, mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã làm 10 người chết và mất tích. Tại Bình Định và Phú Yên có gần 60.000 nhà bị ngập lụt, hơn 6.000 hộ phải sơ tán.
Về giao thông, ngập và sạt lở gây ách ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
Hương Quỳnh
Mưa lũ ở Phú Yên làm 4 người chết, TP Tuy Hòa bị nước bủa vây
Mưa lũ ở Phú Yên làm 4 người chết, trong đó có 2 người ở huyện Phú Hòa, 2 người thuộc huyện Sơn Hòa. Thành phố Tuy Hòa chìm trong biển nước, hàng ngàn nhà dân bị ngập, trắng đêm vật lộn với trận lũ lịch sử.