Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc về việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra sáng nay (21/8), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có 9 bộ ngành, 9 địa phương có văn bản xin chuyển trả lại kế hoạch vốn đầu tư công cho các bộ, ngành và địa phương khác.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sáng nay

9 bộ ngành gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

9 địa phương có: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Cần Thơ.

Tổng số vốn các bộ ngành, địa phương xin trả lại là 6.338,054 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 341,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996,454 tỷ đồng.

Điều chuyển vốn ngay cho các dự án thiếu tiền

Là một trong các địa phương xin chuyển trả lại tiền, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2020, Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư cho Hà Nội hơn 40.671 tỷ đồng. Đến nay, TP đã giải ngân được 49,6% và đặt mục tiêu giải ngân 100% đến cuối năm.

Trong các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công Hà Nội đưa ra, TP xây dựng phương án điều hòa vốn, kiên quyết chuyển nguồn vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn. Cuối tháng 8, thành phố sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2020.

{keywords}
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Trong số các bộ, ngành xin chuyển trả lại vốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 1.800 tỷ đồng với lý do "không có nhu cầu sử dụng". Cụ thể, năm 2020 Thủ tướng giao Bộ 3.638 tỷ đồng vốn nước ngoài, nhưng nhu cầu sử dụng thực tế các dự án chỉ 1.830 tỷ đồng. Vì thế, bộ đã có 3 văn bản đề nghị xin được điều chuyển số vốn không dùng tới.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ được giao hơn 2.990 tỷ vốn đầu tư công, tỉ lệ giao vốn đến thời điểm này đạt 95,1%. Việc giải ngân vốn ODA khó khăn vì từ quá trình ký kết hiệp định đến khi triển khai có nhiều thay đổi khiến việc giải ngân vốn chậm so với kế hoạch. Vì vậy, Bộ chủ động rà soát, tái cơ cấu lại một số dự án, dự án nào xã hội hóa được thì giao tư nhân làm.

Từ đó, giảm 62,6 triệu đô tương đương 1.462 tỷ đồng. Bộ cũng đã chủ động trả lại 147 tỉ đồng vốn đầu tư công và cam kết với Thủ tướng đến cuối năm sẽ giải ngân 100%.

Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc các dự án ODA giải ngân chậm là do công tác chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải điều chỉnh lại, nhiều dự án có nhu cầu trả lại vốn. Điều này là hơi ngược.

Ông lưu ý, từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng mà tỷ lệ giải ngân còn hơn 53% đòi hỏi phải làm rất quyết liệt. Do đó, các dự án giải ngân chậm cần điều chuyển ngay cho các dự án thiếu vốn hoặc khó khăn vốn. Đối các dự án chậm giải ngân do thủ tục thì tập hợp lại báo cáo Thủ tướng xem xét giải quyết.

Nút thắt lớn từ giải phóng mặt bằng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công đoạn thi công…

“Đây là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

{keywords}
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ngoài ra còn có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu. Các đơn vị chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm.

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Trong đó, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch. Bởi, hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ.

Đối với vốn nước ngoài, công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí...

Nhiều dự án lớn phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư) và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. 

Thu Hằng

Đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công

Đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công

Sáng 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc về việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.