Gần chục ngày nay, người dân 2 xã Cổ Dũng, Tuấn Việt (huyện Kim Thành) phát hiện những đống tro xỉ rác thải của nhà máy xử lý rác thải Việt Hồng được đơn vị chủ quản là công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương “tập kết” bên ngoài khuôn viên nhà máy, để san lấp mặt bằng.

{keywords}
Xỉ tro của nhà máy xử lý rác thải Việt Hồng được làm vật liệu san lấp mặt bằng

Theo người dân, vị trí đổ xỉ thải trước đây là đất ruộng, sau khi nhà máy xử lý rác đưa vào hoạt động, khu ruộng thành vùng sình lầy, nước luôn đen kịt.

Trong xỉ thải đổ ra môi trường có lẫn nhiều tạp chất, thậm chí là rác thải như vải, nilon, nhựa, sắt vụn… chưa cháy hết trộn lẫn với nhau.

Lúc mới đổ ra, “vật liệu san lấp” này bốc mùi xú uế nồng nặc, người hít nhiều bị nhức đầu, chóng mặt.

{keywords}
Người dân xã Cổ Dũng đi mót phế liệu từ bãi xỉ tro 

Bà Nguyễn Thị Tâm, 53 tuổi, người dân xã Tuấn Việt cho biết, từ giữa tháng 5, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở xỉ thải từ nhà máy đốt rác của công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương ra đổ xuống khu vực trũng gần đường giao thông.

“Ô tô đổ xong là máy xúc ra san gạt phẳng. Nhanh lắm, họ đổ liên tục trong vài ba ngày gần đây mà đã san lấp được cả trăm m2, khối lượng như vậy có lẽ đã đến cả vài chục tấn", bà Tâm cho hay.

Anh Nguyễn Văn Thanh (xã Cổ Dũng) nhận định: “Tro xỉ thải từ lò đốt rác lẫn nhiều tạp chất, không thể sử dụng làm vật liệu san lấp được. Họ đổ trực tiếp xuống đất, mưa xuống chất độc hại ngấm xuống sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm”.

Trước đó, VietNamNet đã đưa tin, người dân xã Cổ Dũng, Tuấn Việt khốn khổ vì ô nhiễm khói bụi, mùi hôi thối từ nhà máy xử lý rác này theo gió đưa về. Hàng chục người dân bị mắc bệnh ung thư, nhiều người đã tử vong trong thời gian ngắn khiến bà con thêm hoang mang.

Thanh tra tỉnh vào cuộc

Thông tin với VietNamNet, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hải Dương) Vũ Đình Hiền cho biết, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở TN&MT đang chuẩn bị thanh tra khu xử lý rác thải tại xã Việt Hồng.

{keywords}
Đống xỉ thải bên trong nhà máy...
{keywords}
...được đưa ra bên ngoài làm vật liệu san lấp trái quy định

Dự án xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh Hải Dương vận hành từ tháng 7/2012, công suất thiết kế xử lý 64.000 tấn rác thô/năm, 175 tấn rác thải/ngày.

Nhà máy được kỳ vọng là nơi biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ (khoảng 12.390 tấn phân hữu cơ/năm). Tuy nhiên khi hoạt động, nhà máy chỉ xử lý được 45% rác, còn lại phải đốt.

Sau thời gian vận hành không hiệu quả, nhà máy được “chuyển giao” cho một đơn vị tư nhân.

Sản phẩm phân hữu cơ sản xuất ra không tiêu thụ được nên nhà máy phải ngừng dây chuyền sản xuất phân, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phải chuyển xử lý bằng công nghệ đốt, đơn vị vận hành nhà máy có văn bản xin trả lại nhà máy rác cho UBND tỉnh Hải Dương.

{keywords}
Cận cảnh đống tạp chất
{keywords}
Cảnh tượng san lấp nhìn từ trên cao

Tháng 11/2016, UBND tỉnh giao nhà máy cho công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương - đơn vị chuyên về lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, xây dựng... 

Tháng 1/2018, nhà máy này bị bắt quả tang xả thải ra kênh tưới tiêu thoát nước cho cả một lưu vực rộng lớn thuộc TP Hải Dương.

Phó chủ tịch xã Việt Hồng Bùi Đức Phóng xác nhận, ngày 4/5, đoàn công tác của do Phó chủ tịch tỉnh Lưu Văn Bản trực tiếp xuống kiểm tra thực trạng hoạt động của khu liên hiệp xử lý rác thải. Sau khi đoàn công tác rời đi thì xảy ra sự việc trên.

Ông Trần Văn Hanh (cán bộ địa chính xã Việt Hồng) khẳng định: “Việc đổ tro xỉ sau khi đốt rác ra môi trường của công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương là trái quy định. Chúng tôi sẽ kiểm tra để báo cáo cơ quan chuyên môn có hướng xử lý”.

Chủ tịch xã Việt Hồng Nguyễn Đình Sỹ phân trần, nhà máy xử lý rác thải này nằm trên địa bàn. Xã có cái khó là chỉ quản lý về mặt hành chính, còn về chuyên môn thì không biết và không có thẩm quyền.

“Nhà máy rác nằm ở xã Việt Hồng nhưng lại giáp ranh với các xã khác (gồm Cổ Dũng, Tuấn Việt của huyện Kim Thành). Các xã Cổ Dũng, Tuấn Việt thường xuyên hứng khói bụi và mùi hôi thối từ nhà máy xử lý rác theo gió đông nam đưa về”, ông Sỹ nói.

Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) Nguyễn Kim Tuyển cho biết, theo quy định, tro xỉ đốt rác sau khi xử lý phải được chôn lấp.

Việc chôn lấp cũng phải theo quy định như: Bãi chôn được quy hoạch, phải được lót vải địa kỹ thuật… để không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

Ngoài ra, nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường của đơn vị này không được sử dụng tro xỉ (theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng) để làm vật liệu tái chế, san lấp thì không được phép làm nguyên liệu san ủi mặt bằng.

Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc sẽ kiểm tra, xác minh thông tin, từ đó có hướng xử lý cụ thể.

Trăm người ung thư lần lượt chết, hoang mang cột khói phun ngùn ngụt

Trăm người ung thư lần lượt chết, hoang mang cột khói phun ngùn ngụt

 Mỗi năm xã Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương) có hàng chục người mắc bệnh ung thư qua đời. Người dân hoang mang với ô nhiễm, hôi thối từ nhà máy xử lý rác thải liền kề.  

Thái Bình