Dịch Covid-19 ập tới, anh Phạm Hữu Tình (37 tuổi, ngụ đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM) đành phải đóng cửa chuỗi shop thời trang.
Rồi dịch bệnh càng ngày càng gia tăng, những khu vực bị phong tỏa, cách ly cũng nhiều thêm, hàng ngàn lao động ở thành phố lâm vào cảnh khó khăn.
Đóng của hàng vì dịch, anh Tình trăn trở với suy nghĩ, "phải làm điều gì đó để giúp đỡ cho những người khốn khó".
Ban ngày anh Tình là bếp chính, nấu hàng ngàn phần ăn cho gian bếp từ thiện Suối mát Từ Tâm |
Đóng shop vào bếp cùng nấu cơm thiện nguyện
Biết tin gian bếp của CLB Suối mát Từ Tâm do Hội doanh nhân trẻ Sài Gòn sáng lập đang cần người, anh Tình lập tức đăng ký tham gia. Quyết định tham gia công việc thiện nguyện cũng đồng nghĩa với việc anh phải gửi 2 con cho vợ cũ, rồi bắt đầu tháng ngày thiện nguyện của mình.
Dù chỉ là “tay ngang”, nhưng anh Tình nấu ăn khá ngon. Là 1 trong 2 đầu bếp chính của gian bếp Suối mát Từ Tâm, anh trực tiếp đứng bếp nấu gần 4.000 suất ăn mỗi ngày để chuyển cho các Y, Bác sĩ, cán bộ khu cách ly và những khu phong tỏa, cách ly của công nhân nghèo.
Ngày nào cũng vậy, khoảng 5h sáng, anh Tình và nhóm tình nguyện viên gần 50 người có mặt tại gian bếp. Mỗi người 1 việc, gọt của quả, rửa rau, rửa thịt, cá, vo gạo… đến 9h30 sáng, công việc nấu nướng hoàn thành để đóng hộp chuyển đi. Nghỉ ngơi chốc lát, các anh lại tiếp tục chuẩn bị bữa chiều.
Anh Tình và nhóm thiện nguyện của CLB Suối mát Từ Tâm nấu cơm cho tuyến đầu chống dịch và bà con ở điểm cách ly |
“Tôi hy vọng đồ ăn mình nấu hợp khẩu vị của nhiều người. Mỗi một phần cơm là tất cả tình cảm, tâm trí của anh chị em trong bếp muốn gửi, gắm đến mọi người”, anh Tình chia sẻ.
Rời bếp lại mang gạo, thực phẩm, thuốc cho người nghèo
Không chỉ dừng lại ở việc nấu cơm cho gian bếp của Suối mát Từ Tâm, anh cùng với CLB Nghĩa Tình Đất Việt do chính anh sáng lập, đi khắp ngõ hẻm ở Sài Gòn để phát lương thực, thực phẩm cho các hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, khi lo nấu xong hàng ngàn suất cơm chiều, anh Tình cùng nhóm Nghĩa tình Đất Việt chuẩn bị các phần quà gồm các nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, rau củ, các loại thuốc như thuốc hạ sốt, vitamin…rồi đi trao tặng cho người nghèo.
Hoàn thành công việc nấu cơm, anh Tình tiếp tục mang lương thực, thực phẩm len lỏi vào các hẻm tặng người nghèo |
Trên trang Facebook cá nhân của anh có hàng chục lời nhắn gửi của bà con khắp Sài Gòn cảm ơn anh đã kịp thời mang lương thực, thực phẩm tới giúp họ trong những lúc cần kíp nhất.
“Em xin đại diện cho xóm trọ có 40 phòng nằm trong hẻm 14, đường 10, khu phố 3, Linh Xuân,Thủ Đức, xin gởi lời biết ơn sâu sắc đến anh Phạm Hữu Tình và mọi người trong hội từ thiện.
Anh và mọi người đã không quản mệt nhọc và khó khăn, nguy hiểm giữa đại dịch lao mình đi từng con hẻm nhỏ, từng ngóc ngách của thành phố để lo từng bữa ăn mang tới cho bà con.
Anh Tình bên xe hàng chuẩn bị đi phát cho người nghèo |
Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên má anh, em cảm nhận được tình người trong anh bao la như đại dương. Mặc dù, lần đầu anh đến với bà con nhưng ánh mắt, sự quan tâm của anh toát lên vẻ thân thiện và ấm áp tình yêu thương của anh dành cho bà con nơi đây. Yêu thương anh trao đi là những yêu thương còn mãi mãi trong lòng bà con nơi đây. Chào anh người có tấm lòng Bồ Tát”, một người dân xúc động viết trên trang cá nhân của anh Tình.
Không chỉ nấu cơm từ thiện, đi trao quà cho bà con nghèo, bà con khu phong tỏa, cách ly, gần đây anh Tình còn đi tìm kiếm những người vô gia cư rồi đưa họ đi test Covid, rồi lo chỗ ăn chỗ ở cho họ.
“Tôi sẽ cố lo cho họ trong vài tháng hoặc tới khi nào hết dịch”, anh Tình khẳng định.
Anh Tình cho biết, anh đã làm thiện nguyện từ 10 năm nay rồi chứ không phải tới khi có dịch Covid-19 anh mới làm. “Thiện nguyện là công việc tâm huyết của tôi nhiều năm nay. Việc làm của tôi nhận được sự ủng hộ của gia đình nên tôi càng có có động lực hơn nữa”.
Anh Tình và các thành viên trong nhóm thiện nguyện của mình |
Điều đặc biệt, trong gia đình, không chỉ mình anh làm thiện nguyện, một người chị của anh Tình cũng thường xuyên đi làm từ thiện và người em gái của anh thì xung phong vào tuyến đầu, chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 tại Bệnh viện TP. Thủ Đức.
Công việc thiện nguyện chỉ kết thúc vào lúc 22-23h đêm. Lúc này, anh mới có thời gian cho mình và các con, 3 tháng nay 2 con gửi cho vợ cũ nên anh chỉ có thể gặp chúng qua màn hình điện thoại.
“Nghe các con ríu rít hỏi thăm tôi thấy mình vui vẻ và khỏe hơn sau một ngày vất vả. Hiện các con ở với mẹ nên tôi yên tâm, có thể thoải mái đi làm thiện nguyện mà không phải lo lắng”, anh Tình chia sẻ.
Thanh Phương
Gửi con 7 tuổi, người mẹ trốn gia đình từ Hà Nội vào TP.HCM làm thiện nguyện
Biết được khó khăn của bà con nơi vùng dịch, chị Giang gác lại mọi lời dèm pha là điên, là dở, là làm màu... quyết định trốn gia đình vào TP.HCM với mong muốn góp một phần nhỏ bé giúp đỡ bà con lao động nghèo lúc dịch bệnh.