Trò chuyện với VietNamNet, anh Nguyễn Sỹ Quốc (SN 1986), cán bộ Phòng Khoa học ở Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, 7 cá thể hổ con được đưa về từ ngày 1/8/2021, tiếp nhận từ Công an tỉnh Nghệ An. Đây là tang vật thu giữ trong vụ án buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm thuộc nhóm 1B.
Chăm đàn hổ như 'chăm con mọn'
Khi mới tiếp nhận, 7 cá thể hổ chỉ nặng 30,2kg (mỗi con hơn 4kg), đã trải qua quá trình vận chuyển từ nơi này đến nơi khác nên nhiều con bị kiệt sức. Thế nên, trong đoàn cứu hộ luôn có bác sỹ thú y chuẩn bị đầy đủ thuốc, sữa dành riêng cho các loài mèo.
"Tuần đầu tiên đưa đàn hổ về trung tâm con nào cũng rất yếu, khiến những người chăm sóc phải mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền. Mỗi con hổ đều có một bình sữa riêng, đánh dấu thứ tự 1 - 7 chẳng khác gì nuôi trẻ con. Trong khi đó, hổ con ăn vào bị tiêu chảy, cả đàn đứng trước nguy cơ bị chết là rất cao” – anh Quốc tâm sự.
Đàn hổ được cho uống sữa từ những ngày đầu về với trung tâm |
Trong tháng đầu, hổ con chỉ uống sữa nhập khẩu dành riêng cho các loài mèo. Bước sang tháng thứ 2, hổ uống sữa được pha từ nước luộc thịt. Dần dần, khi hổ quen mùi thì chuyển sang tập ăn thịt thái miếng nhỏ.
“Có những ngày mỗi con hổ tăng cân từ 2 đến 3 lượng. Thi thoảng, hổ được cho ăn bổ sung thêm can xi để phát triển xương. Đến nay khẩu phần ăn của hổ chủ yếu là thịt bò, thỏ, gà luân phiên thay đổi” – anh Quốc kể.
Còn anh anh Đặng Thanh Tuấn (SN 1991), trưởng nhóm chăm sóc 7 cá thể hổ ở Trung tâm cứu hộ ĐVHD Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, có những cá thể hổ lúc đầu cho uống sữa mất nhiều thời gian, thậm chí phải ngồi xuyên đêm túc trực để chăm sóc, cứu những con hổ kiệt sức.
“Đàn hổ lúc mới đưa về con nào cũng mệt mỏi, ủ rũ và liên tục bị tiêu chảy. Con này vừa bú xong thì con kia lại bị tiêu chảy. Hơn 1 tuần đầu thật sự anh em chăm sóc hết sức mệt mỏi với đàn hổ. Bởi, quá trình vận chuyển kéo dài khiến hổ khát sữa, thời tiết thay đổi làm cho đàn hổ bị stress. Một khi hổ mất nước do tiêu chảy liên tục thì rất khó chữa trị.
Có thời điểm chúng tôi rơi vào trạng thái căng thẳng, đàn hổ nhiều con liên tục bị tiêu chảy làm cho bộ lông bê bết, nhìn vào ai cũng ngán. Thế nhưng, bằng mọi cách chúng tôi đã cân bằng được, lấy lại sức khoẻ cho các cá thể hổ”– anh Tuấn chia sẻ thời điểm mới tiếp nhận.
Anh Đặng Thanh Tuấn là cán bộ tại Trung tâm cứu hộ ĐVHD đang cho hổ uống sữa khi sức khoẻ đã ổn định |
Với 7 cá thể hổ, thường xuyên có 4 người ở trung tâm cứu hộ luân phiên chăm sóc. Đến nay, mỗi con hổ nặng gần 40kg, khẩu phần ăn của cả đàn hổ mỗi ngày hết khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra chưa tính các chi phí chăm sóc, thuốc thang cho từng cá thể hổ.
“Riêng động vật khi còn non chỉ một vài con thì dễ chăm sóc. Tuy nhiên, với số lượng nhiều cá thể thì công việc ngày càng nhiều và khá áp lực. Bằng tình yêu động vật, chúng tôi luôn nỗ lực để giữ bằng được các cá thể hổ phát triển bình thường từ khi giải cứu cho đến nay” – lời anh Tuấn.
Trăn trở khi không thể thả hổ về tự nhiên
Anh Nguyễn Sỹ Quốc tâm sự, các cá thể hổ đang nuôi nhốt ở Vườn Quốc gia Pù Mát từ nay sẽ không thể trả về với môi trường rừng tự nhiên. Bởi, các con hổ này đã mất khả năng tự kiếm mồi, không xác định được hổ có còn thuần chủng hay không.
“Hổ trên toàn thế giới có 7 loài khác nhau. Còn những con hổ này khi xác định ADN không thể biết xuất phát từ loài nào. Chỉ biết cá thể hổ này được lai tạo từ nhiều loài. Đàn hổ 7 con này không xuất phát từ tự nhiên mà do các trang trại nuôi nhốt ở bên kia biên giới nhân giống ra” – anh Quốc cho biết.
Anh Nguyễn Sỹ Quốc đứng bên ngoài cổng vào chuồng hổ |
Hai con hổ được nhốt vào một chuồng |
Anh Quốc thẳng thắn nói thêm, những cá thể hổ ở trong rừng Việt Nam nếu còn thì số phận còn “bi đát” hơn những cá thể nuôi này. Nếu bây giờ phát hiện hổ sống trong rừng thì Kiểm lâm cũng không thể kịp bảo vệ. Đó là những nỗi buồn cho những cá thể hổ nếu sinh ra ở trong rừng hiện nay.
“Nhìn vào cá thể hổ đang được cứu hộ mình thấy buồn lắm, vậy nhưng những con hổ này còn may mắn hơn những con hổ đang bị nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp để phục vụ làm thịt nấu cao. Đàn hổ này sẽ là đại sứ để giáo dục cho thế hệ mai sau, có thể quan sát trực tiếp”– giọng anh Quốc chùng xuống.
Anh Quốc đặt vấn đề, tại sao người dân trên khắp thế giới lại đến Châu Phi hay Thái Lan chỉ để ngắm các cá thể hổ, voi và từ đó thúc đẩy phát triển du lịch. Thế nhưng, ở Việt Nam đến nay chưa có điểm nào để người dân đến ngắm các động vật hoang dã ở rừng tự nhiên như các nước khác.
“Loài hổ được xem động vật đứng đầu trong rừng tự nhiên. Nếu loài này bị mất đi thì các loài khác sẽ trỗi dậy và phát triển không thể kiểm soát. Từ đó, mất loài hổ là mất cân bằng hệ sinh thái trong tự nhiên, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và trồng trọt…Tuy nhiên, ở nước ta thì loài nào cũng bị săn bắn, tận diệt nên hoàn toàn đi ngược lại với tự nhiên vốn có” – anh Quốc nói về tầm quan trọng về loài hổ cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Anh Trần Tuấn Dũng đang làm vệ sinh chuồng hổ... |
... và tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt trong khi cho hổ ăn và chuyển chuồng |
Đang phun nước làm vệ sinh ở chuồng hổ, anh Trần Tuấn Dũng chia sẻ, đàn hổ ngày càng lớn, công việc của anh hàng ngày là dọn dẹp, bơm nước làm sạch chuồng và đưa thức ăn cho từng cá thể hổ.
“Hổ ngày càng lớn, trong khi làm thì tiếng gầm gừ của loài hổ mới nghe cũng thấy sợ. Vào buổi sáng hổ đói nên mình phải luôn cẩn thận, tuân thủ mọi nguyên tắc nhử hổ từ chuồng này sang chuồng khác để làm vệ sinh. Trong 7 con hổ đang nuôi tại chuồng, có con rất hiền nhưng có những con rất hung dữ. Đối với loài hổ mình không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra nên luôn phải cẩn thận khi tiếp xúc", anh Dũng chia sẻ.
Sắp tới, do không đáp ứng được về yêu cầu chuồng nuôi nhốt, 7 cá thể hổ này sẽ được bàn giao cho trung tâm cứu hộ có đầy đủ cơ sở vật chất để được chăm sóc suốt đời.
Chín con hổ ở Nghệ An sau giải cứu được bảo vệ nghiêm ngặt
Có 9 cá thể hổ được giải cứu tại hộ dân nuôi nhốt ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đang được bảo vệ, chăm sóc nghiêm ngặt ở Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm.
Quốc Huy