Cao điểm phòng chống dịch Covid-19 tại Cẩm Giàng, công an huyện thành lập 3 tổ tuần tra lưu động kết hợp với công an xã, dân quân tự vệ… để tuần tra, nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Những người vi phạm như không đeo khẩu trang, vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, ra đường không có lý do chính đáng… sẽ bị xử phạt hành chính số tiền từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng.

{keywords}
Tinh thần cảnh giác, tập trung cao độ của người dân huyện Cẩm Giàng trong việc kiểm tra, kiểm soát người dân ra/vào huyện để chống dịch Covid-19

Nhiều người dân vi phạm quy chế, khi phát hiện tổ tuần tra đã có nhiều cách để trốn nộp phạt bi hài chưa từng có.

Trung tá Nguyễn Thịnh Cường (tổ tuần tra xử phạt vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19, Công an huyện Cẩm Giàng) chia sẻ rất nhiều câu chuyện bi hài trong gần một tháng qua. 

Tại xã Ngọc Liên, khi phát hiện tổ tuần tra từ xa, một người đàn ông trung niên đang đạp xe đạp tập thể dục trên đường nông thôn mới vội vàng xuống xe, vác xe đạp lên vai rồi lội băng qua ruộng bỏ trốn.

“Bác ấy nghĩ anh em tuần tra bằng xe nên lội ruộng bỏ chạy thì đi tắt được. Băng qua thửa ruộng chuẩn bị cấy lúa vụ xuân, bác này chạy trốn vào khu vực đất trống đang quy hoạch khu dân cư rồi mất hút. Nhưng, chắc chắn sau lần ấy, bác ta sẽ không dám đạp xe đạp ra ngoài nữa”.

{keywords}
Các điểm chốt được dựng ở đường thôn ngõ xóm, đường liên thôn, liên huyện, liên xã
{keywords}
Điểm chốt chặn lối ra vào KCN Tân Trường (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng)

Trung tá Cường giải thích thêm, quy chế phòng chống dịch đưa ra là nếu ai không có lý do chính đáng mà vẫn đi ra đường, nếu tổ tuần tra phát hiện sẽ lập biên bản, xử phạt hành chính mức cao nhất tới 3 triệu đồng.

“3 triệu đồng ở quê tương đương gần nửa tấn thóc. Nhiều người đã bị xử phạt, phải nộp tiền nên người dân rất hốt. Đề ra quy chế cũng là nhiệm vụ chung, bà con phải tuân thủ, chấp hành nghiêm”.

Một câu chuyện khác cũng hài hước không kém mà những người đi làm nhiệm vụ gặp phải. Tại xã Thạch Lỗi, tổ tuần tra phát hiện người dân đang đi kích điện đánh bắt cá trên mương. Người này không đeo khẩu trang, theo quy định sẽ bị xử phạt từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng.

Thế là họ bỏ cả kích điện, bình ắc-quy, đồ nghề đánh bắt cá rồi ù té chạy. Nhưng anh em vẫn bắt giữ được, tiến hành lập biên bản rồi chuyển về xã xử lý.

“Đạp xe đạp thể dục, đánh bắt cá… là những việc bình thường, nhưng cao điểm chống dịch, tỉnh đã ra chỉ thị giãn cách toàn xã hội, phong tỏa, cách ly các ổ dịch, người dân ai ở đâu thì ở nguyên đó để hạn chế lây lan. Nếu người dân không tuân thủ, công tác phòng chống dịch sẽ càng khó khăn” - trung tá Cường cho hay.

Phạt bà bán thịt 17,5tr đồng do vi phạm quy chế

Trong công tác phân công nhiệm vụ chống dịch, Công an huyện Cẩm Giàng thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ 5 người gồm thành phần: 2 cán bộ công an, một cán bộ y tế xã, một đại diện UBND huyện, một đại diện UBND xã.

{keywords}
Chốt kiểm soát tại khu dân cư Việt Mỹ - một trong những ổ dịch tại Cẩm Giàng

Phân công nhiệm vụ, lực lượng công an yêu cầu dừng/giữ người vi phạm, cán bộ y tế lập biên bản, sau đó chuyển về cho chủ tịch xã ra quyết định xử phạt hành chính ở mức dưới 5 triệu đồng theo quy định.

Hành vi vi phạm bị xử phạt ở mức 5 triệu đồng trở lên, thẩm quyền xử phạt do chủ tịch UBND huyện ra quyết định.

Tính đến ngày 1/3, Cẩm Giàng đã xử phạt trên toàn huyện hơn 400 trường hợp người dân vi phạm quy chế phòng chống dịch. Tổng số tiền nộp phạt vào ngân sách lên tới gần 600 triệu đồng.

“Nhiều xã, thôn, thành phần của tổ công tác là các bác cựu chiến binh, các bác về hưu, người lớn tuổi. Các bác này tính “thẳng mực tàu”, không xuê xoa, cả nể người làng, người xóm, ai vi phạm là làm thẳng tay.

{keywords}
Người dân căng dây kiểm soát xe qua lại tại một điểm chốt ở thị trấn Cẩm Giàng

Chưa hết, người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền, còn bị bêu tên lên loa phát thanh để cả xã, cả huyện đều biết. Biện pháp răn đe rất quyết liệt ấy để người dân biết sợ, và chấp hành nghiêm chỉnh”.

Cẩm Giàng là địa bàn rất rộng với 17 xã, thị trấn, dân cư mỗi xã lên tới hơn 1 vạn dân. Thêm vào đó, hơn 6 vạn công nhân thuê trọ, phần lớn không về quê, thực hiện cách ly tại chỗ nên số trường hợp vi phạm quy chế phòng chống dịch rất lớn.

Có thời điểm, tổ công tác xử phạt một ngày lên tới vài chục trường hợp. Có những xã, một ngày xử lý 15 trường hợp vi phạm (như tại xã Tân Trường).

Không chỉ người dân, một số công nhân thuê trọ cũng vi phạm do nhận thức sai lệch, đưa thông tin không chính xác lên mạng xã hội về mục tiêu, nhiệm vụ chống dịch của huyện.

{keywords}
Chốt kiểm soát đặt tại cổng làng văn hóa Lẻ Doi (thị trấn Lai Cách) vững chắc như một pháo đài

Ngày 19/2, Công an huyện Cẩm Giàng phát hiện trên tài khoản Facebook "Thiện Duy" đăng nội dung: Công an Cẩm Giàng thu 250k (tức 250.000 đồng) để cấp giấy ra vào thị trấn Lai Cách.

Xác minh sự việc, công an huyện đã mời chị N.T.N (công nhân thuê trọ tại thôn Hoàng Đường, thị trấn Lai Cách) lên làm việc.

Chị H. khai nhận, do bức xúc vì nhiều lần bị Tổ công tác kiểm soát Covid-19 của thị trấn và khu dân cư nhắc nhở chấp hành quy định về cư trú và phòng dịch nên sáng 19/2 đã đăng tin sai sự thật, nói xấu lực lượng chức năng.

Hành vi của chị H. thuộc thẩm quyền xử lý của  giám đốc công an tỉnh. Chị H. phải nộp phạt số tiền 7,5 triệu đồng; tự giác gỡ bỏ bài viết và viết bài đính chính, xin lỗi lực lượng công an huyện căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020 về hành vi đăng tải thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

{keywords}
Một người dân trực tại chốt kiểm soát khu dân cư Việt Mỹ (thị trấn Lai Cách)

 

Chiều ngày 25/2, bà Lê Thị Ng. (SN 1964, ở khu 3, thị trấn Cẩm Giang) là đối tượng cách ly tại nhà nhưng vẫn mở sạp bán thịt lợn ngay tại chợ Cẩm Giàng. UBND thị trấn đề nghị xử phạt vi phạm của bà Ng. số tiền 17,5 triệu đồng.

“Đó là một số tiền rất lớn đối với người dân, nhất là ở giai đoạn dịch dã, đóng cửa cách ly toàn tỉnh, người dân không được buôn bán, mở của hàng trừ những mặt hàng thiết yếu. Ở trường hợp này, Chủ tịch UBND huyện là người sẽ ra quyết định theo thẩm quyền”.

 “Hải Dương là vùng dịch có diễn biến phức tạp, khó lường với rất nhiều ca F0. Tỉnh đã phong tỏa, cách ly toàn để không lây lan ra cộng đồng. Nếu người dân không tuân thủ thì kế hoạch dập dịch sẽ không thể đạt hiệu quả ” - trung tá Nguyễn Thịnh Cường cho hay.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng: “Muốn hết bị kỳ thị, phải sớm dập được dịch”

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng: “Muốn hết bị kỳ thị, phải sớm dập được dịch”

“Muốn hết những cái nhìn kỳ thị về vùng dịch Hải Dương, chúng tôi quyết tâm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch”, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trần Văn Quyết chia sẻ với VietNamNet.

Kiên Trung