- Sau hơn mười phút vượt qua hàng hàng ngàn cây cao su, phía trước hiện ra những căn nhà xiêu vẹo, chúng tôi tới "xóm Việt Kiều" nơi tá túc của hàng chục con người không quốc tịch ở Bình Dương. 

Cuộc mưu sinh của 2 mẹ con

Tôi gặp chị Trần Thị Châu (34 tuổi) cùng đứa con trai đang cắm cúi mót mủ trong lô cao su ở ấp Bà Phái (xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, Bình Dương).

{keywords}
Chị Châu đang mót mủ dưới gốc cao su

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống. Chị buồn bã nói: "Con sinh ra và lớn lên trên mặt nước Biển Hồ (Campuchia). Thật sự ra đến giờ con vẫn chưa biết gốc gác con ở tỉnh nào. Chỉ biết mình là người Việt sống nhiều đời trên đất Campuchia. Lớn lên theo con nước lớn nước ròng, con trở thành thiếu nữ rồi lấy chồng sinh con như bao người con gái khác. Chồng con không tốt. Sống với nhau 4 mặt con nhưng tất cả đều do một bàn tay con lo liệu. Thế mà vẫn không yên.

Năm 2011, đứa con trai lớn bị cha nó đánh một trận thập tử nhất sinh. Xương sườn bị gãy bây giờ còn lộ ra đó. Con buồn quá bỏ Biển Hồ vượt biên hồi hương. Tá túc ở Tây Ninh một thời gian ngắn rồi theo người dì về đây cất nhà trong lô cao su này sinh sống.

Cũng may dì con quen với ông chủ lô cao su này nên được ông cho cất tạm cái chòi để ở…Hàng ngày, con và thằng con lớn xách bao đi đến từng gốc cao su để lượm những giọt mủ rơi rớt. Làm quần quật suốt ngày như thế may ra kiếm được hơn trăm ngàn cho 5 miệng ăn”.

Nói đến đây, chị Châu chỉ về đứa bé đi theo. Thằng bé bị bệnh về máu. Hết điều trị ở Bình Dương rồi lên Sài Gòn, chị phải vay nóng 10 triệu đồng chữa bệnh cho con, mỗi tháng trả lãi 1 triệu. May sao, đến nay có một đơn vị từ thiện đã đứng ra lo cho cháu…

{keywords}
Xóm Việt kiều

Chị Châu nói, ở đây hàng chục người không ai có hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Họ đều là những Việt kiều trở về. Mỗi người một lý do nhưng tất cả không ngoài những khó khăn về kinh tế nên đã bỏ về đây. Thế nhưng có một thực tế, họ là người Việt không quốc tịch ngay trên chính quê hương mình.

Xóm Việt kiều giữa rừng cao su

Chúng tôi tới nhà chị Châu, thực ra đó chỉ cái chòi được phủ lên tấm bạt. Bên trong, không một vật dụng nào đáng giá. Quần áo, mùng mền vương vãi khắp nơi…

Cạnh căn nhà của chị còn 3 căn khác. Căn nào cũng giống nhau cũng ọp ẹp, ẩm thấp. Chúng tôi vào căn nhà kế bên. Chị Phạm Thị Hà (30 tuổi) đang dỗ đứa con mới đầy tháng. Chị đong đưa chiếc võng, buông một câu hò miền Rạch Giá…

{keywords}
Căn nhà xiêu vẹo

{keywords}
Xe hàng rong vào xóm

Tôi hỏi chị ở Campuchia lâu ngày sao còn nhớ những câu hò miền Nam? Chị bẽn lẽn: Lúc trước, toàn là ở trên ghe. Ghe này ghe nọ cạnh nhau ru con nghe lảnh lót riết rồi nhập tâm. Cả nhà cháu mấy đời ở Biển Hồ số bằng nghề chài lưới. Khoảng 10 năm trước cha cháu qua đời. Mẹ cháu dẫn đàn con về Tây Ninh rồi bước thêm bước nữa. Cháu cũng có chồng. Đứa con đầu ở với ngoại may mắn được làm giấy khai sinh. Nó là đứa trẻ duy nhất ở xóm Việt kiều này được đi học. Nhưng rồi được cũng như không. Sau 2 năm cố gắng cho cháu đến trường, năm nay cháu lên lớp 3 thì đuối mất. Tiền học bán trú quá cao, tiền nhập học cả triệu bạc vợ chồng cháu lo không nổi. Chắc rồi cũng cho cháu nghỉ quá..”

Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Hà bị đứt quãng. Bên ngoài, một xe gắn máy chở theo phía sau nhiều thực phẩm. Cá, thịt, rau và bánh. Chị bán hàng dường như quen mặt hết mọi người ở đây. Chị Châu đến đưa cuốn sổ và nói: “cho em mua thiếu ký cá nghe”. Người bán lấy sổ nơi chị Châu ghi vào rồi cân hàng. Những người khác cũng thế. Hàng trên xe cạn dần. Chỉ còn bánh ngọt.

{keywords}
Những cư dân của "xóm Việt Kiều"

Thấy chúng tôi là người lạ, chị bán hàng phân trần: "anh thấy không, toàn bán thiếu ?". Rồi chị nói tiếp: “Nghĩ cũng tội anh à. Bà con mình cả nhưng những người này từ bên Campuchia trở về không một mảnh giấy tùy thân nên điạ phương không thể cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Trẻ con sinh ra không có khai sinh nên không thể đến trường. Thế hệ cha mẹ chúng ở Campuchia không học đến đời chúng tiếp tục mù chữ. Nhưng thôi, quan trọng là nhiều thanh niên thiếu nữ ở độ tuổi lao động có thể vào các khu công nghiệp quanh đây làm việc cũng có thể sống được nhưng giấy tờ đâu để đi làm ?”

Cần lắm sự cảm thông, chia sẻ. 

Cuộc sống của những người mang danh là Việt kiều này rất thiếu thốn khổ sở. Cái ăn hàng ngày còn lo toan vất vả. Đàn ông thì chỉ còn cách đi phụ hồ hoặc bốc vác. Phụ nữ thì đi mót mủ đất. Trẻ con có đứa bán vé số, đứa nhặt phế liệu...

{keywords}
Cảnh sinh hoạt của nhóm trẻ trong rừng cao su

Trên đường về, chúng tôi ghé vào UBND xã Long Nguyên. Ông Phạm Minh Vương, phó chủ tịch UBND xã cho biết: vấn đề bà con Việt kiều sinh sống tại xã đã lâu. Hiện có tất cả 32 hộ với hơn 80 nhân khẩu. Tất cả những người này đều không có giấy tờ tùy thân nên không thể xác minh nguồn gốc của họ. Tuy nhiên, xã cũng đã có báo cáo về huyện và công an tỉnh cũng đang củng cố hồ sơ. Hi vọng bà con sẽ sớm có giấy tờ để giải quyết những hệ lụy.

Bà con Việt kiều họ là những người Việt. Cuộc sống đẩy đưa họ về đây với hai bàn tay trắng. Tay trắng từ giấy tờ đến tài sản. Được trở về sống trên quê hương mình với đầy đủ giấy tờ vẫn là khát vọng của bà con. Mong khát vọng đó sớm thành hiện thực.

Trần Chánh Nghĩa