- Nhân vụ cháy Carina ở TP.HCM gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, cùng nhìn sang Nhật Bản xem họ phòng cháy như thế nào.

Hồi đi học bên Nhật, mình được đi thực tế ở tỉnh Gunma, sau đó đến TP Maebashi và diễn tập PCCC ở đây.

Nếu ai tìm hiểu về Nhật sẽ biết người Nhật cực kỳ tự hào về hoạt động PCCC. Có thể vì đất nước gắn liền với động đất nên người Nhật phải đảm bảo hoạt động cứu hộ cứu nạn luôn cực kỳ hiệu quả chăng?

{keywords}
Ở Nhật Bản, người dân được trực tiếp sử dụng các thiết bị chữa cháy của PCCC. Ảnh do tác giả cung cấp

Trên mạng có rất nhiều video quay cảnh tập luyện của các chiến sĩ PCCC, trong đó thời gian cho từng hành động cứu hộ luôn được bấm theo giây. Mà họ cứ thế tập đi tập lại không ngơi nghỉ. Nó đi sâu vào cuộc sống đời thường đến nỗi đã đi học ở Nhật, sớm muộn bạn cũng được họ cho thực tập món này.

Mình vốn không xa lạ gì với kiến thức và thực tế PCCC. Ít nhất trong 5-6 năm liền, năm nào mình cũng phải diễn cảnh xịt bình cứu hoả và cả chữa cháy người. Mà các anh kỹ thuật ở Trung tâm huấn luyện bay cho ra lửa thật từ dầu cơ. Nó cháy đùng đùng, táp nóng rát mặt và khói khét lẹt.

Còn khi đi bay, ngày nào chả bị tiếp viên trưởng hỏi về chữa cháy, cách dùng bình cứu hoả hay xử trí khi có khói trong máy bay. Kiểu học nhiều nói nhiều đến mức nghỉ bay mười mấy năm rồi vẫn thuộc câu trả lời như cháo chảy.

Gì chứ cầm cái bình thẳng đứng, mở van, xịt vào gốc ngọn lửa, xịt theo hình răng cưa.... Nửa đêm bị gọi dậy mình cũng nói được đủ hết các ý như thế.

{keywords}
Tác giả bài viết (đứng giữa)

Vì thế lúc được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy ở Meabashi xong, các chú cứu hoả hỏi ai làm thử trước nào? Trong lúc bọn lớp mình rúm ró lùi xuống đằng sau, túm tụm lại đùn đẩy nhau thì mình giơ tay ngay. Xong các chú cho lửa phụt ra, mình cầm cái bình xịt ra dập tắt hết, mặt mày vênh lên...

Phút hoảng loạn khủng khiếp

Nhưng đến trò thứ 2 thì khác hoàn toàn (trò này ở Việt Nam không có, hay là có mà mình chưa được thử). Họ xịt khói mù mịt vào một cầu thang trong một cái phòng tối om, rồi bọn mình bị xua vào phòng đó, phải bò tìm lối ra. Cả phòng khói cuồn cuộn mù mịt và tối như hũ nút không nhìn được gì.

Tất nhiên khói này không có mùi khét lẹt như khói thật, nếu không bọn mình đã chết hết cả nút trong cái phòng đấy. Mình bò sát đất theo đúng lý thuyết nhưng bị đi sai hướng. Trong một tích tắc khi sờ đâu cũng thấy đường bị bịt không phải lối ra, mình đã cảm thấy hoảng loạn khủng khiếp.

Dù biết chắc chắn đây là diễn tập và khói này không có mùi gì cả, nhưng việc quờ quạng không tìm thấy lối ra và bị bỏ lại trong căn phòng tối om mù mịt khói làm mình mất hết bình tĩnh. Mình hét ầm lên "tôi không ra được", "tôi không thấy lối ra".

{keywords}
Mọi người được học sử dụng thành thạo các thiết bị chữa cháy

Bạn Phanny cùng lớp quay lại chìa tay ra, mình bò theo ra đến ngoài xong tim vẫn đập thình thịch và mặt tái ngắt. Còn bọn nó được một trận cười lăn lộn. Mỗi mình không cười, phần vì vẫn sợ, phần vì lần đầu tiên trong đời mình có cảm giác choáng váng khi hiểu khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế cách xa như thế nào và con người có thể hoảng loạn đến mức nào, nhất là khi ở ranh giới sự sống và cái chết.

Học ở người Nhật sự kiên trì

Mấy tháng sau, khi KTX cũng tổ chức diễn tập, mình lại phải chui vào một cái phòng đầy khói thì lần này ổn hơn rất nhiều, bình tĩnh hơn rất nhiều.

Tất nhiên do phòng này dựng lên ở KTX cho sinh viên tập nên đơn giản dễ thoát ra chứ không "hiểm" như cái phòng ở "tổng hành dinh" PCCC Maebashi kia. Nhưng không thể phủ nhận vai trò của tập luyện được đâu. Bảo sao người Nhật nổi tiếng về sự kiên trì, họ cứ làm đi làm lại, làm đi rồi làm lại.

Còn chúng ta chẳng làm gì cả rồi cười nhạo họ "bọn này cẩn thận quá hoá dở hơi".

{keywords}
Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong một lần diễn tập, mình phun nước lên toà nhà cao tầng, phía sau mình là thầy Takada đứng nhìn dòng nước đang phun ào ào và cười rất sảng khoái.

Mình nhớ tác phong "rất Nhật" của thầy. Không phải lúc nào nó cũng "nhàm chán một cách không cần thiết" như bọn mình thường xuyên ca thán đâu.

 

Tác giả Đinh Lê Hương, hiện công tác tại HV Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ), là tác giả cuốn sách "Chuyện ở vịnh Tokyo" viết về quãng thời gian 1 năm theo học thạc sĩ Chính sách công tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản.

Trước khi công tác tại Bộ Nội vụ, tác giả có thời gian làm tiếp viên hàng không tại Vietnam Airlines.

 

Cháy chung cư 13 người chết: Cháy nhà ra...

Cháy chung cư 13 người chết: Cháy nhà ra...

Cháy nhà chắc chắn có, nhưng nhiều hay ít vụ cháy và mức độ thiệt hại đến đâu có thể bị chi phối nếu cơ quan công quyền làm hết trách nhiệm.

Tá hỏa chung cư 18 tầng không có nổi 1 bình chữa cháy

Tá hỏa chung cư 18 tầng không có nổi 1 bình chữa cháy

Chung cư 18 tầng cho người dân vào sử dụng hơn 4 tháng, thế nhưng hệ thống chữa cháy của tòa nhà chưa được lắp ráp đồng bộ.

Cháy chung cư Carina Plaza: Yêu cầu chủ đầu tư ‘mất tích’ ra mặt đối thoại

Cháy chung cư Carina Plaza: Yêu cầu chủ đầu tư ‘mất tích’ ra mặt đối thoại

Cư dân chung cư Carina Plaza vừa có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu chủ đầu tư 'ra mặt' đối thoại.  

Hà Nội xảy ra 4 vụ cháy nghiêm trọng trong một ngày

Hà Nội xảy ra 4 vụ cháy nghiêm trọng trong một ngày

Ngày 31/3, 4 vụ cháy liên tiếp xảy ra ở Hà Nội, thiêu rụi nhiều tài sản, rất may không có thiệt hại về người.

Cháy chợ Thanh Liệt, tiểu thương khóc hết nước mắt vì trắng tay

Cháy chợ Thanh Liệt, tiểu thương khóc hết nước mắt vì trắng tay

Chứng kiến khối tài sản hàng trăm triệu bỗng chốc hóa thành tro bụi, nhiều tiểu thương chợ Quang khóc ròng trước nguy cơ tay trắng.

'Chủ đầu tư, người dân đã vô hiệu hệ thống thoát nạn vụ cháy Carina'

'Chủ đầu tư, người dân đã vô hiệu hệ thống thoát nạn vụ cháy Carina'

Có 3 nguyên nhân là báo cháy chậm, hệ thống PCCC không hoạt động; phần trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân đã làm vô hiệu hệ thống thoát nạn.

Cháy chung cư Carina Plaza lộ hàng loạt sai phạm về PCCC

Cháy chung cư Carina Plaza lộ hàng loạt sai phạm về PCCC

Đám cháy chung cư Carina Plaza quận 8 bắt nguồn từ hầm để xe nhưng người tử vong ở các tầng 4, tầng 5, thậm chí tầng 19.

Đinh Lê Hương