Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bà Anoa Suzanne Dussol Perran (quốc tịch Pháp, gốc Việt) đã được Bộ VHTTDL bổ nhiệm là Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp từ năm 2015.
Bà cũng được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch vì những đóng góp, cống hiến cho ngành du lịch Việt. Bà được mời làm diễn giả tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) diễn ra cuối tháng này ở Paris.
Bà Anoa Suzanne Dussol Perran được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Ảnh: Báo Du lịch |
Không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên
Tài nguyên du lịch Việt Nam phong phú và toàn diện hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, thành tựu đạt được lại chưa bằng một số quốc gia láng giềng. Là người say mê trong việc quảng bá, thúc đẩy du lịch Việt Nam, bà đánh giá thế nào về tài nguyên du lịch Việt Nam và thực trạng hiện nay?
Du lịch đóng vai trò quan trọng hàng đầu với một quốc gia. Chỉ có ngành du lịch tạo ra 5 lĩnh vực khác nhau của nguồn thu nhập trong việc cân bằng sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia.
Đó là, đem đến ngoại tệ cho đất nước; Tạo ra ngành nhà hàng, khách sạn, giải trí…; Tạo ra các đại lý du lịch, nghề hướng dẫn du lịch, phiên dịch viên…; Tạo ra các doanh nghiệp; cửa hàng, nhà hàng, mặt hàng thủ công… và phát triển cơ sở hạ tầng của mạng lưới giao thông.
Tài nguyên du lịch của Việt Nam là rất lớn và vô cùng tiềm năng. Mặt khác, Việt Nam rất giàu bản sắc văn hóa.
Bà Anoa Suzanne Dussol Perran |
Tuy nhiên, gần đây, theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam có khoảng 80% khách du lịch không quay trở lại Việt Nam. Theo bà con số này nói lên điều gì?
Trước hết du khách không quay lại chủ yếu là vì chất lượng các dịch vụ. Sự chênh lệch giữa chất lượng và giá cả vượt quá nhu cầu của du khách. Thêm vào đó là những hậu quả của ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự phiền toái của tiếng ồn, tất cả những yếu tố này giải thích cho sự thất vọng của khách du lịch quốc tế.
Phương châm của tôi là: Chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên.
Nghĩa là, nếu một người có cảm giác xấu ngay lần đầu tiên, sẽ không có cơ hội nào khác để gặp lại người đó. Khi những lời không hay lan rộng thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ ngành du lịch.
Theo bà, cần có giải pháp gì để giữ chân du khách, để cái tên Việt Nam trở thành một thương hiệu du lịch toàn cầu?
Vào những năm đầu 1990, với sự mở cửa của nền kinh tế thị trường, Việt Nam là một điểm đến được các nhà đầu tư thèm muốn và được khách du lịch chú ý đến vì vẻ đẹp quyến rũ. Thật không may trong vài năm qua đã mai một. Chúng ta vẫn còn thời gian để cải thiện và để Việt Nam lại được lựa chọn là điểm đến.
Thắng cảnh Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hiền Anh |
Để làm được điều này, cần thiết phải phát triển du lịch theo một tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cụ thể là:
- Ưu tiên cho chất lượng du lịch, không phải số lượng.
- Bảo tồn càng nhiều càng tốt hệ thực vật và động vật trong môi trường tự nhiên; rừng, hồ, bãi biển, bãi biển sạch…
- Bảo vệ di sản văn hóa, kiến trúc và di tích lịch sử để quảng bá một điểm đến chất lượng bởi vì văn hóa thể hiện cho du lịch, và ngược lại, điều cần thiết là phải liên kết chúng với nhau.
- Cải thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông.
- Đảm bảo an ninh, bảo vệ, đẩy lùi các hành vi ứng xử không tốt với khách du lịch.
Bà đã có nhiều dự án để phát triển du lịch tại Việt Nam, tới đây bà có kế hoạch gì cụ thể xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam?
Tôi được Bộ VHTTDL bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp (nhiệm kỳ 2015-2018). Năm 2015 tôi đã thành lập Alliance Maison Vietnam (AM-VN), một quỹ tài trợ phi lợi nhuận ở Pháp với mục đích góp phần trao đổi văn hóa xã hội giữa Việt Nam và Pháp; để quảng bá văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của Việt Nam cho người dân Pháp và quảng bá du lịch văn hóa giữa hai nước.
Sinh ra ở Việt Nam, tôi rời quê hương năm 4 tuổi và trở về lần đầu tiên vào năm 1992 (sau 25 năm). Khi trở về, tôi rất ngạc nhiên bởi sự quyến rũ và vẻ đẹp của Việt Nam. Tôi say mê truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước mình, cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình và tôi ở lại.Theo bà, muốn cống hiến, hướng về đất nước có nhất thiết phải trở về?
Tôi đã đầu tư vào khách sạn "An Hoa Residence" tại Vũng Tàu. Tại Pháp là dự án AM-VN.
Tôi nghĩ rằng, các "tinh hoa" tài năng của Việt Nam ở nước ngoài đều có gắn bó sâu sắc với Việt Nam.
Làm thế nào để Diễn đàn Người Việt thành đạt toàn cầu (VGLF) trở thành nơi quy tụ lâu dài, nơi hoạt động hiệu quả cho cộng đồng người Việt khắp thế giới mà không chỉ dừng lại một vài sự kiện?
Bằng cách duy trì mỗi năm việc tổ chức diễn đàn này và có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Dựa trên uy tín và danh tiếng có được, VGLF sẽ trở thành nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Việt quốc tế và những người Việt thành công trên thế giới.
Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) là nơi hội tụ của người Việt Nam và người gốc Việt tài năng, thành đạt và có tầm ảnh hưởng, nhằm tạo ra những hợp tác tích cực, đánh thức tiềm năng đất nước, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam, đưa giá trị Việt cạnh tranh toàn cầu. Sự kiện VGLF đầu tiên sẽ diễn ra ngày 30-31/3 tại Paris (Pháp). Đây sẽ là bước đi đầu tiên cho một chiến lược quốc gia để thu hút và kết nối tài năng người Việt và gốc Việt trên toàn thế giới. |
Du lịch còn nhiều ‘cô gái đẹp’ chưa ai đánh thức
Nước ta có nhiều cảnh đẹp, được ví như nhiều cô gái đẹp ngủ trong rừng chưa ai đánh thức, bộ phim Kong mới chỉ đánh thức một phần thôi
Thái An