7 ngày chạy nước rút chặn đứng dịch bệnh

Bước sang tuần cuối cùng của đợt giãn cách thứ hai, ngày thứ 22 thành phố lớn nhất nước giãn cách xã hội, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.

Đến chiều tối 20/6, TP.HCM tiếp tục ghi nhận số ca Covid-19 mới nhiều nhất cả nước với 137 trường hợp sau 24h. Trong đó, ngoài những bệnh nhân được cách ly, thì có hàng chục ca không rõ nguồn lây.

Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM là hơn 1.600 ca, vượt qua Bắc Ninh, trở thành ổ dịch cao thứ 2 cả nước, sau ổ dịch khu công nghiệp Bắc Giang.

Những ngày trước đó, TP.HCM cũng liên tiếp ghi nhận số ca bệnh hơn 100 ca/ngày. Đỉnh điểm có ngày 140 ca nhiễm chỉ trong 24h.

Nhận thấy tình hình dịch bệnh có chiều hướng ngày càng phức tạp, nhất là khi thời gian giãn cách của đợt thứ hai chỉ còn hơn 1 tuần, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP tổ chức cuộc họp khẩn vào ngày 19/6.

{keywords}
Tăng cường xét nghiệm trong các khu công nghiệp và những nơi có nguy cơ cao. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Tại đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, toàn TP đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.

Từ đó, chính quyền TP thống nhất phải nâng mức độ giãn cách xã hội, thực hiện biện pháp mạnh hơn, siết lại kỷ cương, tăng cường tốc độ xử lý các ổ dịch, vượt qua và chặn đứng dịch lây lan.

Trước đó 1 ngày, dư luận từng xôn xao về việc khả năng TP sẽ áp dụng Chỉ thị 16 toàn TP khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền TP lập tức bác thông tin này và khi cuộc họp trên diễn ra, dư luận đặc biệt quan tâm và chờ đợi những động thái tiếp theo.

Sau đó, tại cuộc họp báo 30 phút, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức cho biết, TP vẫn sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 và siết chặt một số nơi có nguy cơ cao.

Theo ông Đức, một trong các lý do làm chặt hơn là do trong thời gian qua, các chỉ đạo của TP chưa thật sự được thực hiện nghiêm.    

Tối cùng ngày, Chỉ thị 10 về siết chặt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành và có hiệu lực từ 0h ngày 20/6. Đây là chỉ thị riêng của TP, áp dụng những biện pháp cụ thể với hoàn cảnh hiện tại, không căn cứ theo các chỉ thị khác một cách toàn bộ.

TP nâng mức phong tỏa tại 3 khu phố thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) và 3 ấp thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Là 2 nơi được đánh giá có mối nguy hiểm cao nhất hiện nay.

Chỉ thị 10 đề ra 6 điểm mới, yêu cầu các cấp, các ngành và người dân rốt ráo thực hiện trong tuần cuối này. Cụ thể như ngưng hoạt động chợ tự phát; dừng toàn bộ hoạt động xe khách; không tụ tập trên 3 người ở nơi công cộng; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết; cơ quan Nhà nước đảm bảo giãn cách khi làm việc…

Chợ tự phát vẫn “bung lụa”

Theo ghi nhận ngày đầu (20/6) thực hiện Chỉ thị 10, chợ tự phát ở nhiều nơi vẫn phớt lờ, “người mua kẻ bán” vẫn tấp nập. Nhiều điểm bán rau củ, thịt cá, trái cây cùng lúc có đến 5 - 7 khách đến mua.

Có thể điểm qua một số khu chợ mà Pv ghi nhận như chợ tự phát tại phường Tân Hưng Thuận (quận 12); điểm chợ tự phát Thạch Đà (phường 14, quận Gò Vấp); các khu chợ tự phát trên địa bàn TP Thủ Đức; quận Bình Tân vẫn hoạt động tấp nập, không đảm bảo khoảng cách.

{keywords}
Chợ tự phát ở quận Bình Tân ngày 20/6 nhộn nhịp người mua, kẻ bán.

Tuy nhiên, do là ngày đầu thực hiện Chỉ thị 10 nên lực lượng chức năng chủ yếu vận động, tuyên truyền và nhắc nhở.

Chủ tịch phường 14 (Gò Vấp) Nguyễn Thế Dũng cho biết, Chỉ thị 10 là một điều kiện để cấp phường kiểm soát mạnh các hoạt động chợ tự phát vì đây là loại hình buôn bán tương đối phổ biến. Nếu người dân không chấp hành, không tự giác thì phường sẽ xử lý nghiêm ở hai góc độ. Thứ nhất là các quy định về đóng cửa trong mùa dịch này, thứ hai là tụ tập đông người.

Nhiều ý kiến cho rằng, người dân phải ý thức giãn cách, không tập trung, lực lượng chức năng cũng vất vả lắm rồi.

Bạn đọc Minh Đoan bày tỏ: “Sáng nay đi chợ, tiểu thương không được bán ở ngoài, nên người bán, người mua dồn hết vào chợ, gây kẹt bên trong, mọi người xích lại gần nhau hơn. Kiểu này dịch lây dễ hơn nữa”.

Chia sẻ quan điểm, bạn Teotin viết: “Việc gì cần thì TP nên làm, không thể chủ quan, lơ là. Có khi cần phải siết chặt hơn, nội bất xuất ngoại bất nhập. Rồi lấy mẫu xét nghiệm xem khu vực nào bị nhiễm thì khống chế luôn. Chứ để như vầy khó mà khống chế được. Ngay như mấy anh xe công nghệ chạy từng hang cùng ngõ hẻm, khi phát hiện ra bệnh thì làm sau nhớ là mình đã đi bao nhiêu con đường”.

Bài học thực tiễn về giãn cách

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ trên Zing, đối với các ổ dịch lây lan rộng, có nhiều ổ và nhiều chuỗi lây nhiễm thì việc giãn cách xã hội để phục vụ phòng chống dịch là đúng. Nhưng lưu ý là phải làm rất chặt, rất nghiêm.

{keywords}
Biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin, nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Ông Phu dẫn ra bài học ở Bắc Ninh, Bắc Giang khi giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng thời gian đầu vẫn có sự lây lan do thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng tụ tập đông người. Sau đó, lực lượng chức năng phải làm mạnh hơn mới hạn chế được sự lây lan.

Ông Phu cũng bày tỏ mối lo ngại khi dịch đã len lỏi vào trong khu công nghiệp tại quận Bình Tân và một số khu vực khác. Bài toán đặt ra cho TP.HCM là làm sao để không đi vào "vết xe đổ" của Bắc Giang và Bắc Ninh.

Bởi dịch lây lan trong khu công nghiệp thì không chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM mà còn của các tỉnh phía Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Dương…

Khi nói về đỉnh dịch tại TP.HCM, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, TP.HCM có đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm và đặc biệt phụ thuộc vào công tác phòng, chống dịch nên khó dự báo đỉnh dịch.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã nhận định, việc khống chế dịch chỉ thực hiện được khi TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội nghiêm túc, cạnh các chiến thuật về khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phù hợp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng (với hơn 500 ca), TP phát hiện thêm 6 chuỗi lây nhiễm mới có số lượng người nhiễm bệnh cao.

Theo HCDC, khi có nhiều ca mắc mới không rõ nguồn lây mỗi ngày, những người ta tiếp xúc hằng ngày đều có thể là F0 hoặc chính chúng ta là F0 lây nhiễm cho người khác.

TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần từ ngày 14/6. Đây là đợt giãn cách lần thứ hai, trước đó TP đã có đợt một 15 ngày từ 31/5.

Như vậy, chỉ còn một tuần nữa sẽ hết thời gian giãn cách lần hai, kết thúc một tháng ròng rã đầy khó khăn của TP lớn nhất cả nước. Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, phải xốc lại tinh thần làm việc. Ông kêu gọi người dân hợp tác, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho biết, TP đang tìm mọi cách đề người dân TP có thể tiếp cận với vắc xin, nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian.

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Đ.Bảo

Thêm 91 ca Covid-19, TP.HCM trở thành ổ dịch cao thứ 2 cả nước

Thêm 91 ca Covid-19, TP.HCM trở thành ổ dịch cao thứ 2 cả nước

Trong 91 ca Covid-19 vừa mới được TP.HCM ghi nhận có 14 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

 

CÙNG VIETNAMNET CHUNG TAY ỦNG HỘ QUỸ VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19. MỌI ĐÓNG GÓP XIN GHI RÕ ỦNG HỘ MS 2021.VACXINCOVID
1. Chuyển khoản tới tài khoản Vietcombank:
  • - Tài khoản số 0011002643148 , Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
  • - Bank account: 0011002643148 , Bank for foreign trade of Vietnam - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNVX.
2. Chuyển khoản tới tài khoản Vietinbank
  • - Tài khoản Vietinbank: số 114000161718 , Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Đống Đa.
  • - Bank account Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch, Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, Swift code: ICBVVNVX126
3. Trực tiếp ủng hộ tại báo VietNamNet:
  • - Toà soạn Báo VietNamNet: Tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 092 345 7788
  • - Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam: số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 096 223 7788