Một số nghị sĩ Mỹ phàn nàn rằng, Tổng thống Obama đã không tham vấn quốc hội trước khi đưa ra hành động quân sự. Liên đoàn Ảrập và Nga cũng chỉ trích cuộc không kích vào Libya do Mỹ dẫn đầu.

Ngày càng có nhiều chỉ trích ở trong và ngoài nước với ông chủ Nhà Trắng về Libya. Người cho rằng đó là một chính sách sai lầm, kẻ khẳng định có thể là chính sách đúng nhưng thời gian không thích hợp.

Tổng thống Mỹ trong chuyến công du năm ngày tại Mỹ Latin, đã bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền ông với Libya khi nhấn mạnh: “Rất dễ để điều chỉnh hành động quân sự và các chính sách mà chúng tôi đưa ra”.

Ảnh: moviebob
Phát biểu tại Chile, Obama khẳng định, lực lượng quân sự Mỹ sẽ tập trung vào vào mục tiêu đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua tuần trước, đó là ngăn không cho quân đội của lãnh đạo Moammar Kadafi tấn công dân thường Libya. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Kadafi nên rời bỏ quyền lực.

Obama còn tuyên bố, Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp phi quân sự, bao gồm cấm vận kinh tế và vũ khí, để cố gắng chấm dứt chế độ kéo dài bốn thập niên của Kadafi.

Obama đã gửi một lá thư tới các nhà lãnh đạo quốc hội hôm thứ Hai với nỗ lực thuyết phục họ rằng, chính quyền đang tìm kiếm “sự chuyển giao nhanh chóng nhưng có trách nhiệm” sứ mệnh chỉ huy quân sự cho các thành viên khác trong liên minh được LHQ ủng hộ. Bức thư xuất hiện sau những phàn nàn về việc ông không tham vấn quốc hội Mỹ trước khi đưa ra hành động quân sự.

Theo giới phân tích chính trị, Obama có thể được hưởng lợi nếu Kadafi nhanh chóng bị lật đổ, hoặc nếu có một nghị quyết khác nhanh chóng hơn, ít đổ máu hơn. Nhưng nếu cuộc xung đột trở nên bế tắc thì các chỉ trích sẽ ngày một nhiều hơn. Các phàn nàn về cách tiếp cận của Obama với Libya bắt đầu lớn hơn.

Trong quốc hội Mỹ, một số người ủng hộ can thiệp quân sự, bao gồm Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng, Obama có thể đã chờ đợi quá lâu để giúp đỡ phe đối lập tại Libya.

Một nhóm nghị sĩ Dân chủ, thông thường liên minh với tổng thống, đã chỉ trích việc sử dụng vũ lực. Số khác bảo thủ cũng như các chuyên gia đối ngoại khẳng định, Libya không phải là mối quan tâm sống còn của Mỹ.

Trong khi đó, một nhóm phản chiến đã tuyên bố các kế hoạch biểu tình tại Los Angeles, Chicago và chín thành phố khác ở Mỹ trong tuần này.

"Tổng thống dường như đều gây bất bình với mỗi nhóm chính: Với họ, ông làm quá nhiều hay quá ít hoặc quá chậm chạp”, James Lindsay, một cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời Clinton, hiện thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ nói. “Có một rủi ro chính trị thực sự với Obama trong trường hợp này”.

Trong số người chỉ trích có Thượng nghị sĩ Richard G. Lugar – thành viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, một tiếng nói về chính sách ngoại giao được tôn trọng, và thường đứng về phía chính quyền. Ông cho rằng: "Điều cần thiết là một kế hoạch về những gì xảy ra thời hậu Kadafi. Ai sẽ đảm nhận trọng trách, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả? Tổng thống Obama tới nay vẫn chỉ thể hiện những hy vọng mơ hồ”.

Chỉ trích cũng đến từ Liên đoàn Ảrập – ban đầu từng kêu gọi áp đặt một vùng cấm bay tại Libya – một quyết định đã thuyết phục Nhà Trắng tham gia cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi. Thủ tướng Nga Vladimir Putin, cũng không ngại ngần lên án Washington khi so sánh cuộc chiến tại Libya giống như “cuộc thập tự chinh”.

Các quan chức Washington biết được rủi ro chính trị khi can dự tại Libya trong thời điểm Mỹ đang có những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; một số cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy, đa số người Mỹ muốn Obama tập trung vào kinh tế. Nhưng họ khẳng định Tổng thống Mỹ cam kết không điều lực lượng bộ binh tới Libya và xem xét chuyển giao vai trò lãnh đạo cho nước khác.

Robert Danin, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, một chuyên gia Trung Đông cho rằng, ông không thể hình dung ra sứ mệnh quân sự có thể minh chứng cho một thành công chính trị với Obama. Ông nói, người Mỹ dường như lo lắng rằng, nước họ sẽ mắc kẹt trong chuyện tái thiết Libya. Còn quan chức Mỹ thì vẫn chưa chắc về việc liệu các lực lượng chống Kadafi có nhất thiết ủng hộ Mỹ, ủng hộ dân chủ hay không.

  • Thụy Phương (Theo latimes)