Cho rằng mình đã bị kết án oan, mỗi lần chị lên thăm, Lê Văn Thành lại đòi móc mắt để chứng minh sự trong sạch.
Bị cáo Thành được đưa về trại giam tiếp tục điều tra sự việc |
“Quýt làm, cam chịu”
Ngày 28/5 vừa qua, TNNDTC tại TP.HCM đã chấp nhận đơn kêu oan của bị cáo Lê Văn Thành (SN 1981, ngụ Gò Vấp) và đơn kháng cáo của gia đình bị hại Đinh Công Thế Huynh (SN 1993, quê Bình Thuận). Tòa tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Trước đó, đầu năm 2015, trong phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Thành 16 năm tù về tội “giết người”; bị cáo Trương Hoàng Nam (SN 1988, ngụ Gò Vấp) 19 tháng 18 ngày tù, phóng thích tại tòa. Cáo trạng thể hiện, Thành và Nam gây ra cái chết cho nạn nhân Huynh.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Khoảng 22h ngày 3/6/2013, một nhân viên trong quán cơm trên đường Nguyễn Văn Nghi (đối diện chợ) trong lúc bê bàn ghế băng ngang đường đã xảy ra va quẹt với nhóm của anh Đinh Công Thế Huynh (SN 1993, quê Bình Thuận) dẫn đến lời qua tiếng lại.
Ông chủ quán không muốn to chuyện nên chạy đến can ngăn, xin lỗi và bồi thường. Nhưng nhóm của Huynh không chịu, yêu cầu “tao trầy miếng da thì phải lấy miếng da khác đắp vào mới được”. Đôi bên cự cãi, lao vào đánh nhau.
Vụ đánh nhau ngay trong khu chợ mình làm bảo vệ nên Thành chạy đến can ngăn, yêu cầu “gọi công an đến giải quyết chứ không được đánh nhau”. Nghe vậy, nhóm của Huynh xông vào đánh. Thấy đông người, Thành bỏ chạy và rút một cây gắp than (đường kính 8mm) thủ thân.
Một đối tượng trong nhóm thanh niên lao vào đánh tay đôi với Thành. Trong lúc này, thấy cha mình bị nhóm Huynh đánh, bị cáo Nam cầm một cây sắt dùng để nướng thịt chạy tới đánh trả.
Trong lúc hỗn loạn, Huynh bị cây sắt đâm vào đầu dẫn đến tử vong. Theo lời khai của Thành, khi đang đánh nhau với người khác, thấy Huynh ngã xuống nên dừng tay. Nhưng những người trong nhóm Huynh vẫn tiếp tục xông vào đánh.
Ngày hôm sau, Thành được triệu tập lấy lời khai với tư cách là nhân chứng trong vụ án. Nam bị bắt tạm giam để điều tra.
Gần một năm sau, ngày 29/4/2014, Thành tiếp tục được mời đến cơ quan chức năng lần thứ 3 để lấy lời khai. Lần này Thành không phải là một nhân chứng mà bị bắt tạm giam 2 tháng với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Cổng chợ Gò Vấp, nơi diễn ra vụ ẩu đả chết người |
Về phần Nam, bị truy tố về tội “giết người”. Phiên sơ thẩm, HĐXX lại tuyên án một cách bất ngờ. Bị cáo Thành từ tội “gây rối trật tự công cộng” thành tội “giết người”.
Nam từ tội “giết người” thành tội “gây rối trật tự công cộng”. Những người khác bị tuyên phạt từ 12 đến 18 tháng tù treo về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng
Không chấp nhận bản án, gia đình bị cáo làm đơn kháng cáo và kêu oan. Phía gia đình bị hại cũng cho rằng việc xét xử không đúng người đúng tội nên viết đơn kháng cáo. Phiên phúc thẩm vừa qua, bị cáo Thành tiếp tục giữ nguyên lời kêu oan, cho rằng mình không đâm cây gắp than làm nạn nhân tử vong.
Tại phiên tòa, các bị cáo khác cũng khai rằng trong lúc ẩu đả, không thấy Thành thực hiện hành vi giết nạn nhân. Các bị cáo cho biết Thành đã cố gắng đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng bất thành.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thành vẫn giữ nguyên quan điểm như ở phiên sơ thẩm, cho rằng việc điều tra có vấn đề, chưa làm rõ được hành vi, nên đề nghị trả hồ sơ điều tra lại.
Luật sư cho rằng: Thứ nhất, vết thương gây ra cái chết của nạn nhân nhỏ hơn đường kính của cây gắp than nên không thể cho là hung khí được.
Thứ hai, việc thu giữ chứng cứ không đúng quy định. Việc này đã được VKS cấp sơ thẩm thừa nhận vật thu giữ không phải là vật chứng.
Thứ 3, bị cáo Thành có dùng cây gắp than gây ra vết thương trầy da ở cổ nạn nhân nhưng sau đó bị nhiều người vây đánh nên cây gắp than bị rơi xuống đất.
Thứ tư, đường kính cây sắt nướng thịt mà bị cáo Nam dùng để giải cứu cha mình có đường kính bằng với vết thương gây tử vong cho nạn nhân.
Tại phiên tòa lần này, bị cáo Nam thừa nhận dùng thanh sắt đánh nạn nhân. Tình tiết này, phiên sơ thẩm chưa làm rõ. Qua đối chất, các bị cáo cho biết hiện trường vụ án sau đó đã bị xóa dấu vết. Cơ quan chức năng chưa thực hiện thực nghiệm hiện trường.
Nhận thấy phiên sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, quy kết tội danh của bị cáo Thành và Nam chưa chính xác, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bố chấp nhận đơn kháng cáo, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Vợ và con trai bị cáo Thành |
Quyết bán nhà kêu oan cho em
Ngay từ ngày em trai bị bắt, chị Loan - chị gái Thành - đã chạy khắp nơi đưa đơn kêu oan, nhưng không nơi nào chấp nhận, không một cơ quan nào nghe chị bày tỏ nỗi niềm. Chị kể, nhiều nơi còn chì chiết “em chị giết người mà kêu oan cái gì”. Hay một cơ quan chức năng đe dọa “chị mà kêu oan nữa, tôi bắt giam chị cho coi”.
Chị Loan nói: “Nếu Nam không giết người, tại sao ngay ngày đầu tiên, gia đình Nam đã đến nhà nạn nhân, xin lỗi, bồi thường và xin giấy bãi nại. Nếu Nam không phạm tội, tại sao lại bắn tin cho gia đình tôi yêu cầu:
“Thành cứ nhận tội. Tiền thăm nuôi hàng tháng, tiền cấp dưỡng cho vợ con Thành cứ để gia đình tôi lo”. Gia đình Nam còn cho rằng chúng tôi không có đủ tiền để “đấu” lại với họ”.
Mỗi ngày, chị Loan bán cá ở chợ Gò Vấp, những tiểu thương ở chợ ủng hộ chị đi kêu oan tới cùng. Sự bám víu niềm tin duy nhất của chị là luật sư. Một luật sư đã thấy được sự oan sai, đứng ra trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình chị.
“Qua phiên tòa phúc thẩm lần này, tôi lấy lại được niềm tin vào công lý. Phiên tòa diễn ra mà tất cả mọi lời khai, mọi nghi vấn đều được giải quyết. Tôi hi vọng em mình sẽ được minh oan.
Chứ mỗi lần đi thăm, em tôi đòi “móc mắt” để chứng minh sự trong sạch của mình. Nếu tôi không ngăn cản, có lẽ nó đã thực hiện rồi”, chị Loan kể.
Chị Loan cho biết đã rao bán nhà đi kêu oan cho em trai |
“Các anh chị em khác cũng tin em trai không phạm tội. Cả nhà quyết định rao bán căn nhà duy nhất mà cha mẹ để lại cho các chị em để theo đuổi công lý. Tôi khẳng định đi đến đâu cũng đi, cho khi nào đến được sự thật mới cam chịu.
Cha mẹ tôi mất sớm, chúng tôi không được đến trường nhưng tính tình em trai tôi rất rõ. Nó chỉ dám trộm cắp vặt vậy thôi chứ không bao giờ dám giết người. Tính nó đã làm là thừa nhận ngay, không bao giờ chối tội cả”, chị Loan chia sẻ.
Ngày bị cáo Thành bị bắt, người vợ mới sinh được 7 tháng. Người vợ khẳng định dù có chờ bao nhiêu năm vẫn sẽ chờ cho đến ngày chồng được minh oan, trở về đoàn tụ. Bây giờ bị cáo Thành không còn đơn độc trước vành móng ngựa. Gia đình bị hại, các bị cáo trong nhóm của bị hại đều đồng tình làm chứng bị cáo Thành không giết người.
(Theo Pháp luật Việt Nam)