Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến nay, tỉnh này ghi nhận 9 người chết, 58.000 nhà bị ngập và 31 nhà hư hỏng.

Hàng trăm hecta hoa màu, cây trồng bị thiệt hại; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn.

{keywords}
Nhà dân ven sông Ba đổ sập do nước lũ ngâm

Ngoài ra, có hàng trăm nghìn m3 kênh mương, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh, huyện, xã bị hư hỏng, sạt lở bồi lấp, sụt lún... Tổng ước thiệt hại gần 380 tỷ đồng. Tỉnh Phú Yên cũng đã công bố mức rủi ro thiên tai đợt lũ vừa qua ở cấp 3.

{keywords}
Đập Đồng Cam- công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Phú Yên bị hư hại nghiêm trọng

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và TX Đông Hòa có giải pháp quản lý các công trình trên sông, nhất là trên sông Ba, không để mất an toàn trong mùa mưa bão.

Sở NN-PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ giống cây trồng, thuốc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và khử khuẩn môi trường. 

Tính toán lại quy trình xả lũ dọc sông Ba 

Ngày 4/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban dẫn đầu đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình có người chết do mưa lũ tại Phú Yên.

{keywords}
Đường đi lại ngập ngụa bùn đất

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ nỗi đau mất mát người thân với các gia đình; đồng thời chuyển số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho 2 gia đình ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) có con bị mất trong đợt lũ vừa qua và mong các gia đình vượt qua mất mát, sớm ổn định cuộc sống. 

Kiểm tra trực tiếp tại đập thủy điện sông Ba Hạ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, toàn bộ lưu vực sông khoảng 13.000km2, trong đó có 280 hồ chứa lớn nhỏ, tích nước 1,6 tỷ m3. Tuy nhiên, hiện chỉ có có 6 hồ cắt được lũ với tổng dung tích cắt lũ 530 triệu m3.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, dường như khu vực này không cắt lũ. Do đó cần có quy trình vận hành để hỗ trợ cắt lũ là yếu tố quyết định. Cần tính toán lại quy trình vận hành liên hồ chứa dọc sông Ba.

Ông Hiệp nhận định, hiện nay quy trình vận hành chưa chuẩn. Thứ nhất, toàn bộ vận hành hiện nghiêng về hướng an toàn cho đập mà chưa nghiêng nhiều về cắt lũ hạ du. Thứ 2, đã cắt được lũ rồi cũng cần tính tổng thể lưu vực không thể cùng lúc xả.

{keywords}
TP Tuy Hòa- vùng hạ du sông Ba ngập nặng do xả lũ

Do đó, việc vận hành hồ chứa cần phải tính toán điều hành so le, để cuối cùng sông Ba Hạ và sông Hinh dứt khoát không xả nhiều hơn lượng nước đến. Và, nguyên tắc không xả lũ khi hạ du ở đỉnh lũ, cũng như không xả lũ ở triều cường cao.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT cũng trực tiếp kiểm tra hệ thống kênh mương đập Đồng Cam- công trình thủy nông lớn nhất tỉnh Phú Yên bị hư hại nghiêm trọng.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng đề nghị tỉnh thực hiện nhanh các biện pháp sửa chữa kênh mương mang tính chất cấp bách nhằm phục vụ kịp thời lịch gieo sạ vụ đông xuân sắp tới.

Gượng dậy sau dịch, mưa lũ lịch sử khiến người miền Trung thêm trắng tay

Gượng dậy sau dịch, mưa lũ lịch sử khiến người miền Trung thêm trắng tay

Từ giữa tháng 9/2021 đến nay, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lớn... Người dân chưa kịp gượng dậy do dịch bệnh thì lại đối mặt với “mưa lớn, ngập lụt, sạt lở” liên miên.

Trâm Trân