Sáng 15/9, quận 7 thí điểm cho 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trở lại sau 3 tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Ghi nhận của PV VietNamNet, ngày đầu thí điểm mở cửa, đường phố quận 7 vẫn thưa thớt người qua lại. Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống rục rịch hoạt động trở lại.
Đường phố quận 7 ngày đầu thí điểm mở cửa hoạt động vẫn thưa thớt phương tiện |
Các tuyến đường qua khu đô thị Phú Mỹ Hưng vắng người và xe |
Trên đường Nguyễn Thị Thập (phường Tân Phong), từ sáng sớm, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa bắt đầu đông đúc người dân đến mua hàng.
Cửa hàng tạp hóa mở cửa phục vụ người dân |
Nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Huỳnh Tấn Phát mở cửa |
Người dân nhận hàng từ shipper qua ứng dụng đặt mua trực tuyến |
Các quán ăn trên đường này cũng mở cửa hoạt động, trong đó, chủ yếu bán mang đi.
"Hôm nay là ngày đầu quận 7 thí điểm mở cửa. Tôi nghe thông tin nhiều quán bán hàng trở lại nên sáng sớm đi ra đầu hẻm để mua 5 hộp cơm tấm cho gia đình ăn", chị Thảo Nguyên (ngụ phường Tân Phong) chia sẻ.
Người này cho biết do nhà ở gần quán cơm, đặt hàng qua các app không được nên mới ra ngoài để mua.
Quán cơm tấm trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận |
Chủ quán cơm tấm trên đường Huỳnh Tấn Phát cho biết, sau hơn 2 giờ mở cửa đã bán được hơn 100 phần. Lượng khách mua chủ yếu qua ứng dụng đặt mang đi. Ngoài ra, một số người dân có nhà gần quán đến mua trực tiếp.
"Phải đóng cửa nghỉ bán từ nhiều tháng nay nên khi quận cho mở cửa lại tôi rất vui mừng và bắt tay ngay vào công việc để có tiền trang trải cuộc sống. Dù vậy, hiện nay giá nguyên liệu còn cao nên chúng tôi phải tính bài toán chi phí, giá thành rất đau đầu", chủ quán cơm tấm chia sẻ.
Cửa hàng tiện lợi trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã hoạt động |
Nhân viên một cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh dọn dẹp để chuẩn bị cho ngày đón khách |
Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hàng loạt dịch vụ ngân hàng, công chứng, kinh doanh mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men... cũng hoạt động trở lại.
Về dịch vụ ăn uống, các quán mở cửa chủ yếu là quán nhỏ, trong khi đó, các cửa hàng lớn, có thương hiệu vẫn dè dặt vì còn lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chủ quán cua đồng, đường Phạm Thái Bường (khu Mỹ An, phường Tân Phong) đóng gói thức ăn để shipper đi giao hàng |
Quán Hủ tiếu Mỹ Hưng ngày đầu mở bán đã tấp nập nhận đơn hàng mang đi |
Chủ quán thái thịt mỏi tay từ sáng sớm. "Đến 9h, quán đã nhận hơn 200 xuất mang đi", chủ quán vui vẻ cho hay. |
Tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM lần thứ 8 diễn ra chiều 14/9, Bí Thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị đã thống nhất chọn huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7; một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được cho hoạt động có kiểm soát.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, Hội nghị thống nhất lộ trình thực hiện qua 3 giai đoạn mà Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã trình. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 30/10), giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 đến ngày 15/1/2022), giai đoạn 3 (từ sau ngày 15/1/2022). Tất cả các giai đoạn này sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Thảo Nguyên
Quận 7 thí điểm mở cửa hoạt động từ ngày 15/9
Khoảng 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại quận 7 (TP.HCM) sẽ hoạt động lại từ ngày 15/9, với điều kiện người lao động phải có “thẻ xanh Covid-19”.