- Là địa phương hứng trọn cơn bão số 14 (Haiyan), Quảng Ninh có 4 người mất tích trên biển, thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.

Trong cuộc họp báo sáng 12/11, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết tính đến thời điểm hiện tại, bão số 14 không gây thiệt hại về người.

Tuy nhiên có 7 người bị thương, còn 4 trường hợp mất tích trên biển: 1 trường hợp ở Vân Đồn, 2 người tại Cẩm Phả và 1 người tại huyện Quảng Yên. Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.

{keywords}
Nhiều cây lớn tại Quảng Ninh bị bão số 14 quật đổ. Ảnh: Dân Việt

Về tài sản, bão số 14 làm đổ 70 ngôi nhà, trên 2.300 ngôi nhà bị tốc mái, 7 cột ăng ten bị đổ gãy, 90 tàu thuyền bị chìm, gần 1.600 ha hoa màu bị hư hỏng...

Ngoài ra, bão số 14 gây lũ ống tại huyện Tiên Yên, gây ngập lụt 9 khu phố tại thị trấn Tiên Yên, ảnh hưởng đến 1.000 hộ dân.

Tại TP. Móng Cái, một chiếc tàu của của người dân Trung Quốc có trọng tải 200 tấn đã bị lũ cuốn trôi, kéo thêm một thuyền khác có trọng tải khoảng 20 tấn, đập mạnh vào cầu Bắc Luân, khiến cây cầu này bị hư hỏng nặng.

Ước tính thiệt hại ban đầu tại Quảng Ninh khoảng 200 tỷ đồng.

Trước mắt, huyện Vân Đồn hỗ trợ những tàu bị tắm, nhà bị đổ hoàn toàn mỗi trường hợp 20 triệu đồng. Những gia đình có tàu bè, nhà cửa hư hỏng nặng được hỗ trợ 10 triệu đồng để sửa chữa.

Liên Hợp Quốc đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống bão của Việt Nam

Theo đó, mặc dù cơn bão Hải Yến chỉ còn ở cấp độ một khi đổ bộ vào Hải Phòng và Quảng Ninh vào rạng sáng 11/11, tuy nhiên 11 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và gió mạnh từ khi cơn bão còn đang di chuyển ở ngoài khơi trước đó 24 giờ.

Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã khởi động các phương án chuẩn bị ở mức độ cao nhất, sẵn sàng phòng chống bão ngay từ ngày 8/11, ba ngày trước khi cơn bão đổ bộ vào Việt Nam.

Là một phần của công tác phòng chống và giảm thiểu thiệt hại, gần 800.000 người đã được sơ tán trước khi cơn bão vào. Khi cơn bão thực sự đổ vào miền Bắc, hầu hết những người sơ tán tại các tỉnh miền Trung đã trở về nhà.

Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu: "Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sự chuẩn bị và các biện pháp đã được Chính phủ thực hiện khi đối mặt với cơn bão này. Sự chỉ đạo của Chính phủ từ cấp cao nhất đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cơn bão và số người thiệt mạng".

Các cấp chính quyền từ trung ương cho đến địa phương đã được đặt trong trạng thái phòng chống bão cao nhất, luôn sẵn sàng và được chỉ đạo thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết nhất có thể.

Mỗi tỉnh đều có kho dự trữ thực phẩm, nước uống, chỗ ở, thuốc men, y tế, nước và thiết bị vệ sinh đã sẵn sàng. Những nhân viên cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã công nhận và hoan nghênh các biện pháp phòng chống bão chủ động của Chính phủ, nhờ đó thiệt hại về người và của do cơn bão gây ra thấp hơn so với dự đoán ban đầu.

Chính phủ Việt Nam vẫn trong tình trạng kiểm soát sau bão và khả năng yêu cầu hỗ trợ quốc tế là ít xảy ra. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác cứu trợ nhân đạo quốc tế khác vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Đ.B

Đức Tâm