- Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn, cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó không - Chủ tịch QH chia sẻ với báo giới.
Một ngày sau khi được bầu, sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã ra mắt báo giới trong một cuộc họp báo chân tình và cởi mở.
Chủ tịch QH gặp mặt báo chí |
Lời mở đầu, Chủ tịch QH thay mặt lãnh đạo QH khóa 14 gửi lời cảm ơn sâu sắc đến báo chí đã quan tâm theo dõi đưa tin về hoạt động của QH suốt thời gian qua, cũng như sẽ tiếp tục đồng hành cùng QH khóa 14 để kịp thời đưa thông tin đến đồng bào cử tri cả nước.
"Chúng tôi ý thức được trách nhiệm nặng nề khi được cử tri bầu làm ĐBQH và được QH bầu vào các vị trí lãnh đạo. Cá nhân tôi sẽ phát huy kinh nghiệm của các chủ tịch QH tiền nhiệm, thực hiện tốt thẩm quyền trách nhiệm của mình", bà nói.
Cùng gặp gỡ báo chí có các Phó Chủ tịch QH |
|
Bà Kim Ngân đánh giá cao vai trò cầu nối của báo chí giữa QH và cử tri |
Luật Biểu tình không vô thời hạn
Báo VnEconomy muốn biết Chủ tịch QH khóa 14 sẽ phát huy kinh nghiệm nào tâm đắc từ người tiền nhiệm Nguyễn Sinh Hùng?
Báo này cũng hỏi về nguy cơ luật Biểu tình bị lùi vô thời hạn dù đã được hiến định, và liệu QH khóa 14 có trả được món nợ này với cử tri.
Chủ tịch QH trả lời những câu hỏi của báo chí |
Truyền hình Nhân dân hỏi để phát huy dân chủ, QH khóa 14 cần chú trọng nội dung gì?
Báo Dân trí dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc ĐBQH phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, hỏi Chủ tịch QH làm gì để ĐB thực hiện tốt cuộc đấu tranh này.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định các nhà báo đang "chất vấn" bà.
Bà chia sẻ hai kinh nghiệm quý nhất mà bà học được từ ông Nguyễn Sinh Hùng, người bà đã được làm việc cùng từ trong Chính phủ, là bản lĩnh chính trị và tính quyết đoán.
"Bản lĩnh khi đứng trước những quyết định khó khăn, quyết đoán là khi đã thấy việc là đúng đường lối chủ trương và tình hình thực tiễn, quyết đoán sai thì sẵn sàng chịu trách nhiệm", bà Kim Ngân khẳng định.
Về luật Biểu tình, Chủ tịch QH phân tích: Tinh thần Hiến pháp là quyền công dân phải được cụ thể hóa minh bạch, rõ ràng, lùi luật cũng chính là để nghiên cứu căn cơ thấu đáo, phù hợp tình hình đất nước.
"Nước ta đang ổn định trong khi nhiều nơi tình hình đáng lo lắng. Ban hành luật phải vừa đảm bảo quyền công dân, vừa phù hợp tình hình, vì lợi ích nhân dân mà cũng đảm bảo lợi ích đất nước, hài hòa, không nhẹ bên này, nặng bên kia.
Nhân dân có thể biểu tình đúng pháp luật nhưng phải đăng ký, đảm bảo không rối loạn. Luật ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân cũng không muốn. Sau khi CP trình, QH sẽ nghiêm túc xem xét, không phải để vô thời hạn đâu", bà Kim Ngân nói.
Vấn đề dân chủ được Chủ tịch QH giải thích: "QH là dân bầu ra, phải nói tiếng nói của dân, phải nghe được hơi thở, cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của dân, trở thành diễn đàn để đưa ra thảo luận ở QH các vấn đề dân quan tâm. Nếu QH làm được việc đổi mới, nâng cao chất lượng trong thực hiện các chức năng của mình, đó chính là phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân".
Tương tự với việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực: "Khi tuyên thệ hay phát biểu nhậm chức, tôi không nói cụ thể sẽ chống gì, nhưng có nói trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, đó chính là chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực".
"Trước hết là lập pháp cho tốt, pháp luật chặt chẽ, minh bạch, công khai, rõ ràng thì không ai lợi dụng được khoảng trống pháp luật để vi phạm. QH còn phải giám sát thực hiện, vận dụng pháp luật xem có đúng không, ví dụ về đất đai, môi trường, an sinh xã hội... Chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải ngay từ khi đồng ý chủ trương khi quyết định các vấn đề, dự án quan trọng, tính hết những ảnh hưởng, tác động, quyết định đúng từ chủ trương thì sẽ ngăn chặn, phòng tránh được tham nhũng, tiêu cực", bà Kim Ngân nói.
Sẽ nhắc ông Võ Kim Cự không tránh né báo chí
Báo Tuổi trẻ đặt vấn đề nợ công có khả năng vượt giới hạn QH cho phép, và hỏi về trách nhiệm.
Báo này cũng hỏi ý kiến Chủ tịch QH về kiến nghị lập UB lâm thời điều tra các sai phạm của Formosa, việc đã được Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà ủng hộ.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tại buổi họp báo |
Báo VnExpress phản ánh việc báo chí khó tiếp cận một số ĐBQH để hỏi về vấn đề Formosa, đặc biệt là nguyên Bí thư, Chủ tịch Hà Tĩnh Võ Kim Cự, một trong 494 ĐBQH khóa 14.
Báo Người lao động tò mò về cảm nhận của Chủ tịch QH khi đọc báo cáo về tình hình hải sản chết hàng loạt, đặt câu hỏi về khả năng QH giám sát các vấn đề giao đất 70 năm, làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định nợ công đang được QH kiểm soát chặt chẽ.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. |
"Hiện nợ công đang có vấn đề, vẫn ở mức kiểm soát nhưng đến thời hạn trả nợ thì có khó khăn, chưa có đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn, phải vay để đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ. QH đã ra nghị quyết nhằm giảm bớt áp lực trả nợ, thay đổi cơ cấu vay giữa trong nước và nước ngoài, từ ngắn hạn thành trung hạn", bà Kim Ngân nói.
Chủ tịch QH khẳng định, không để VN giẫm lên vết xe đổ của các quốc gia đi trước ở châu Âu, Nam Mỹ, không để bội chi tăng lên mà dần kéo xuống trong khóa này.
Đề xuất lập UB lâm thời, bà Kim Ngân cho biết hiện chưa có chủ trương.
"Để có kết luận về Formosa, CP đã cố gắng huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra để cuối cùng Formosa cúi đầu nhận lỗi, cam kết khắc phục, bồi thường, đó là thắng lợi bước đầu.
Dân nói là chậm nhưng cũng không nhanh được, biển mênh mông như thế, phải có căn cứ, bằng chứng khoa học thì họ mới nhận tội", Chủ tịch QH cho biết, QH sẽ giám sát một cách độc lập các bước tiếp theo.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bắt tay thân mật với Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng |
Bà Kim Ngân cho rằng không phải ĐBQH nào cũng biết nhiều về vụ việc Formosa để trả lời báo chí. Riêng ông Võ Kim Cự, "tránh" là quyền của ông, nhưng bà sẽ nhắc nhở để ĐBQH tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí, "nhất là sự việc xảy ra khi mình là lãnh đạo tỉnh nhà".
"Cung cấp thông tin kịp thời đúng đắn thì báo chí sẽ thông tin nhanh, đầy đủ, hơn là mập mờ, né tránh. ĐB mà khoát tay từ chối là không hay, nếu chụp ảnh đưa lên báo là mất hình ảnh của QH", bà Kim Ngân nói.
Về giám sát, Chủ tịch QH cho biết, sẽ giám sát chương trình cải cách hành chính, trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ công chức.
"Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn, cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó không", bà Kim Ngân nhận định.
Khôn khéo trong vấn đề chủ quyền
Truyền hình VTC quan tâm đến chủ đề chủ quyền biển đảo sẽ được đề cập thế nào ở khóa 14.
Báo VietNamNet muốn biết bà Kim Ngân sẽ thay đổi cách điều hành ra sao để tăng cường tranh luận trong QH. Báo này cũng hỏi ý kiến bà Kim Ngân về việc hai người trúng cử bị tước tư cách ĐBQH ngay trước kỳ họp.
Báo VnMedia có chung quan tâm về việc giám sát để tránh tình trạng "nghị gật".
Trả lời VTC, Chủ tịch QH nhấn mạnh lập trường nhất quán không đổi của VN về chủ quyền: "Đó là điều thiêng liêng đối với mỗi người dân. Người Việt hơn ai hết mong muốn, yêu chuộng hòa bình.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là trong điều kiện tranh chấp 4 nước 6 bên, chúng ta phải có biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao và thực địa, tôn trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, để dân ta yên ổn làm ăn, sinh sống, kinh tế phát triển.
Ta không hiếu chiến, đe dọa vũ lực, ta cũng đề nghị các nước không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nước ta cần khôn khéo, không nên hô hào kích động, làm rối tình hình, ảnh hưởng ổn định. Chúng ta không muốn rối ren, giữ được chủ quyền biển đảo mà cũng giữ được hòa bình.
Ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tuy không phải một bên trong vụ kiện Philippines - TQ nhưng ta quan tâm theo dõi phán quyết, bình tĩnh, nghiên cứu, đánh giá, nhận xét để lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Vấn đề dân quan tâm sẽ để tranh luận
Trong câu hỏi cuối cùng, báo Zing tò mò về những bộ áo dài của nữ Chủ tịch QH. Bà Kim Ngân chia sẻ: Bà may áo dài ở nhiều chỗ, thấy nhà thiết kế nào đẹp thì mặc, thay đổi phong cách lúc cầu kỳ lúc đơn giản. "Hôm nay tôi không định mặc áo dài nhưng đến nơi thấy chị Tòng Thị Phóng mặc thì 5 phút sau là tôi có bộ áo dài để mặc, để thể hiện sự tôn trọng với báo chí", bà Kim Ngân nói. |
Về việc thảo luận tại hội trường, bà Kim Ngân cho biết, hiện cách làm là đảm bảo các đoàn đều được phát biểu. Nhưng một ngày cũng không được quá 55 ý kiến, nhiều ý kiến trùng nhau trong khi có những người am hiểu vấn đề muốn nói thêm mà không được.
"Theo tôi, vấn đề cử tri bức xúc thì nên để tranh luận, tránh việc dân không quan tâm thì nói nhiều, việc dân quan tâm lại nói ít. Đổi mới là có thể gợi ý luôn vấn đề cần tranh luận tại tổ và trong điều hành, mời những ĐB có hiểu biết sâu nói, có thể thêm thời gian phát biểu cho họ", Chủ tịch QH nói.
Việc hủy tư cách ĐBQH đối với hai người trúng cử chỉ 2 ngày trước khi QH khai mạc, bà Kim Ngân nhận xét là "đáng tiếc", nhưng vẫn đáng mừng vì đã sớm phát hiện và không công nhận.
"Còn hơn là để họ có tư cách, vào QH nói thế này thế nọ trước nhân dân, cử tri rồi mới làm thủ tục bãi nhiệm. Như thế còn đáng tiếc hơn", bà Kim Ngân nói.
Khẳng định QH sẽ giám sát, Chủ tịch QH nhắn nhủ mỗi ĐB phải ý thức trách nhiệm trước cử tri, rèn luyện đạo đức của người đại biểu cho dân. QH sẽ đánh giá ĐB thông qua tất các các hoạt động như phát biểu, họp tổ, tham gia đoàn giám sát..., nhưng khuyến khích ĐB phát biểu tại hội trường để có cơ sở cho cử tri đánh giá.
"Không ít người trong một hay nửa nhiệm kỳ đã được cất nhắc lên các vị trí cao hơn vì đã thể hiện được năng lực, phẩm chất của mình qua các hoạt động ở QH", bà Kim Ngân cho biết.
Kết thúc họp báo, Chủ tịch QH một lần nữa cam kết "không từ chối báo chí bất cứ việc gì mà các lãnh đạo QH được phép".