Sáng nay (29/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Ứng Hoà trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Lê Văn Tũn (xã Phương Tú) nêu câu chuyện trong hội nghị tiếp xúc cử tri năm 2018, các ĐBQH đã nghe ý kiến của cử tri xã Phương Tú phản ánh sự việc Quỹ tín dụng nhân dân xã bị kiểm soát đặc biệt, ngừng hoạt động từ tháng 8/2016.

Điều này khiến cho số tiền của nhiều người dân gửi vào đây (khoảng 2,7 tỷ đồng) bị mắc kẹt.

{keywords}
Cử tri Lê Văn Tũn

Theo ông Tũn, việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân xã Phương Tú có tổ chức, theo quy định, chịu sự kiểm soát của chính quyền các cấp. Quỹ tín dụng đã hoạt động như một "ngân hàng xã" song do trình độ của ban giám đốc và hội đồng quản trị thiếu năng lực, nên quỹ đã bị đổ vỡ và bị kiểm soát đặc biệt.

"Điều đáng nói là nhiều người dân gửi tiền vào đây hơn 4 năm qua không rút được. Vì vậy cử tri mong muốn các ĐBQH và các đơn vị liên quan giải quyết số tiền nhân dân đã gửi vào được nhận lại”, ông Tũn nói.

Không để bức xúc kéo dài

Nghe phản ánh của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã điện thoại liên hệ trực tiếp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và một ngân hàng liên quan để tìm hiểu thông tin trả lời cử tri.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi điện thoại với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thông tin cử tri phản ánh

Ông cũng đề nghị đại diện các cơ quan chức năng của thành phố và Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội cùng tham dự buổi tiếp xúc trực tiếp trao đổi, làm rõ ý kiến phản ánh của cử tri.

Đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri cho hay, hiện trên địa bàn Hà Nội có 3 quỹ tín dụng nhân dân đang bị kiểm soát đặc biệt.

Việc cử tri xã Cao Thành và Phương Tú của huyện Ứng Hòa phản ánh về số tiền 2,7 tỷ đồng bị “mắc kẹt” trong Quỹ tín dụng nhân dân xã từ 2016 không rút ra được là có thật, trong đó có nguyên nhân từ việc chưa kiện toàn được nhân sự Chủ tịch Quỹ - là người đại diện theo pháp luật có quyền giải quyết vấn đề quyết toán.

Vị này cho biết thêm, liên quan đến chi trả tiền gửi của người dân vào Quỹ tín dụng nhân dân xã Phương Tú, hiện phương án đã được duyệt nhưng vướng mắc hiện nay là phải được thông qua tại đại hội thành viên.

Trong khi đó, vì lý do giãn cách phòng chống Covid-19 nên tháng 11 tới đây mới tổ chức được đại hội để quyết định nhân sự Chủ tịch Quỹ tín dụng nhân dân của xã này.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP phải báo cáo lên trên và chỉ đạo tổ chức đại hội này sớm hơn dự kiến, cụ thể là nên tổ chức ngay đầu tháng 10, để giải quyết kịp thời việc chi trả tiền gửi cho người dân, không vì lý do dịch Covid-19 mà để bức xúc kéo dài.

“Nguyên tắc quản lý của Nhà nước là không bao giờ để cho người dân gửi tiền vào ngân hàng, quỹ tín dụng mà mất tiền nên bà con yên tâm”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Liên quan đến bất cập, vướng mắc về cơ chế phối hợp giữa Ngân hàng nhà nước và chính quyền sở tại các xã trong cơ chế bổ nhiệm nhân sự Chủ tịch Quỹ tín dụng nhân dân, lãnh đạo Thành uỷ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp, không để xảy ra các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.

Bí thư Hà Nội yêu cầu đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng

Bí thư Hà Nội yêu cầu đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng bộ TP sẽ tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hương Quỳnh