Chiều nay (22/7), thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay. 

{keywords}
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Ghi nhận chiến lược phòng, chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vắc xin rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song ĐBQH đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vắc xin.

“Đến nay hầu hết vắc xin có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch…, nhưng với biến chủng Delta bây giờ, thì đó có còn là những biện pháp căn bản hay không?”, nữ đại biểu băn khoăn. 

Đặc biệt, theo bà Lan, việc tập trung chống dịch cũng tạo ra một nghịch lý khác: Nhiều bệnh nhân mãn tính ngại đến bệnh viện, nên không được chăm sóc kịp thời. Công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, đại biểu bày tỏ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong.

“Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân”, bà Phong Lan phản ánh.

Đây cũng là lo lắng của đại biểu Trần Hoàng Ngân khi ông bày tỏ “rất đau buồn” khi TP.HCM đã có hàng trăm ca tử vong. 

“Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin “nội” vào sử dụng. Các nước hiện đã triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”, ông Ngân nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cần lượng vắc xin rất lớn, nhưng với tình hình hiện nay không biết bao giờ mới đủ vắc xin cho miễn dịch cộng đồng. 

“Làm sao Chính phủ huy động được các doanh nghiệp tham gia bằng cách Chính phủ giữ vai trò cấp phép, kiểm định chất lượng, cho giá tối đa để doanh nghiệp trực tiếp đàm phán đưa vắc xin về càng nhanh càng tốt. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các địa phương đàm phán, tiếp cận vắc xin”, ông Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì cho hay, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. 

{keywords}
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng

Theo ông, có 3 tình trạng khẩn cấp (tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh), nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu. 

Rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng "hà hơi, thổi ngạt"

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu vấn đề, thời gian qua việc thực hiện các gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn chậm. Do đó cần có giải pháp để gói hỗ trợ được giải ngân, nhanh chóng đến với các đối tượng được hỗ trợ. 

Tuy nhiên, theo ông Hiển, đợt dịch lần thứ 4 phức tạp, diễn biến mạnh, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Vì vậy, gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các doanh nghiệp. Bởi gói hỗ trợ 26.000 tỷ chỉ là “trước mắt”, gói hỗ trợ phải lớn như gói hỗ trợ 62.000 tỷ trước đây, hoặc phải lớn hơn thì đó mới là liều “vắc xin” cho doanh nghiệp. 

Cùng ý kiến, ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cũng cho hay, thời gian qua dù dịch tác động song tăng trưởng 5,4% là ở mức cao, đặc biệt nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng rất khá. 

Song, có khó khăn là số người thất nghiệp cao do bị ảnh hưởng của dịch, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 24,9%.

Vì vậy, Chính phủ cần biện pháp mạnh, có giải pháp căn cơ bởi gói hỗ trợ vừa qua chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn căn cơ quan trọng phải có giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thời “hậu Covid-19”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường, nếu không đẩy nhanh phục hồi doanh nghiệp thì nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. 

“Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng "hà hơi, thổi ngạt" như vừa qua, không phải chỉ để doanh nghiệp không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Hình ảnh TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5

Hình ảnh TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5

Sáng nay (22/7), TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đợt 5 với 930.000 liều tại 20 bệnh viện và hơn 600 điểm tiêm ở xã, phường, thị trấn.

Hương Quỳnh - Thu Hằng - Trần Thường

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).