Thảo luận về dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng nay, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa (Gia Lai), thiếu tá Ksor Phước Hà cho rằng, tính khả thi của dự thảo luật sẽ không hiệu quả khi đưa vào áp dụng thực tế cuộc sống.
ĐB đề cập đến hành vi bị nghiêm cấm là quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên và đặt câu hỏi với dưới 15 độ cồn thì như thế nào?
Trưởng Công an thị xã Ayun Pa (Gia Lai) Ksor Phước Hà |
Theo bà, tác hại của rượu bia đối với mỗi người phụ thuộc vào thể trạng của từng người, cũng 1 lượng bia, rượu đó vào người nhưng tác hại lại khác nhau. ĐB đề nghị điều chỉnh lại số lượng quy định nồng độ cồn.
“Có người thì chỉ 1 ly thôi có thể tắt thở rồi, có người uống 1 lít cũng bình thường. Ngay cả có đứa trẻ có thể uống vào không sao, có người trưởng thành uống vào lại say”, ĐB Ksor Phước Hà nói.
Nữ thiếu tá cũng nhắc đến hành vi bị cấm: “Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức”.
ĐB cho rằng, việc này làm tăng tính kích thích cho những người dưới 18 tuổi.
“Bây giờ chúng ta vào các trang web, đặc biệt các trang web đen có hình ảnh và nội dung rất kích thích trí tò mò, thậm chí đối với cả người lớn chứ không chỉ trẻ em.
Bao giờ cũng có câu 'bạn đã đủ 18 tuổi chưa?', tôi tin chắc rằng từ người lớn đến trẻ em hiện nay sẽ nhấp vào ‘tôi đã 18 tuổi'. Sau 18 tuổi đó là cái gì, tôi tin rằng nhiều ĐB ở đây đã có cảm nhận đó”, bà Ksor Phước Hà nhấn mạnh.
Về hành vi cấm “Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”, ĐB Ksor Phước Hà cho rằng điều này không khả thi.
Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet là vẽ đường cho hươu chạy?
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho hay, các chế định được xem là xương sống của bộ luật như cấm bán rượu bia trên internet bị đẩy ra ngoài nhưng giải trình chưa thoả đáng, thiếu thuyết phục.
Trước vấn đề “kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm”, ĐB Nhân cho hay, nếu được thì đề nghị Chính phủ làm ngay để kiểm soát việc truy cập hàng ngày, hàng giờ các trang web phản động, đồi truỵ, phản văn hoá.
ĐB Phạm Trọng Nhân |
Ông Nhân đặt câu hỏi, trước thực trạng internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hoá thì việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet có phải là vẽ đường cho hươu chạy?
“Thật lạ là báo cáo giải trình nói rằng không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển doanh nghiệp mà quên mất nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em.
Cho phép bán rượu, bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát là không thể, đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay sự thiếu sót đầy ngụ ý về kỹ thuật lập pháp?”, ông Nhân băn khoăn.
Đồng quan điểm, PGĐ Sở LĐ-TB&XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền cũng bày tỏ bất ngờ khi dự thảo mới nhất không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet. ĐB đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.
“Chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em”, bà Hiền nhấn mạnh.
Bà Hiền đặt vấn đề, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề.
Thứ nhất là hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; Hai là kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
ĐB cho hay, khi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng, thì có tới 83% ý kiến trong phần liệt kê đã nhắc nhiều đến một số đồ uống có cồn.
“Có đến 87,6% ý kiến các em không nhận biết được đó là đồ uống có nồng độ cồn từ 4,5% trở lên. 70% số trẻ em khi được hỏi sâu về cảm giác sau khi uống đều trả lời rằng “con thấy hơi lâng lâng” hoặc “con thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh”, ĐB Hiền dẫn thông tin.
Theo bà, điều nguy hại ở chỗ gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể vẫn tiếp tục dùng vì nó được giới thiệu, quảng cáo là “nước trái cây có ga” hoặc “nước hoa quả lên men”.
Điều này có phần trái với việc nghiêm cấm “cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe” được quy định tại luật.
ĐB tỉnh Phú Yên đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18h-21h.
Đề xuất cấm ép buộc người khác uống rượu, bia
Dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới nhất đã bổ sung thêm hành vi cấm ép buộc người khác uống rượu, bia.
Hương Quỳnh