- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là lần thứ 3 Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh này.

Lấy phiếu tín nhiệm các vị chức sắc để nhắc nhở, cảnh tỉnh

Chưa lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT&TT

LTS: Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.

Để bạn đọc thấy rõ ý nghĩa và hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như góp phần đưa Nghị quyết 85/2014 của Quốc hội (về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn) vào cuộc sống, VietNamNet tổ chức loạt bài “Lấy phiếu tín nhiệm và quyền năng giám sát của Quốc hội” gồm 5 bài.

Trao đổi với VietNamNet về việc Quốc hội (QH) lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh QH bầu và phê chuẩn tuần này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý kỳ vọng: Các ĐBQH sẽ thể hiện bản lĩnh và sự công tâm, sáng suốt nhất trong mỗi lá phiếu tín nhiệm.

{keywords}
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý (phải). Ảnh: Hoàng Anh

Theo ông Trần Văn Tuý, các chức danh do QH bầu và phê chuẩn là 50 người. Tuy nhiên, đợt lấy phiếu lần này chỉ có 48 người. Lý do theo nghị quyết số 85, QH sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng.

Tại kỳ họp này, có 2 nhân sự - Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT&TT - sẽ được QH bầu và phê chuẩn, chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ 9 tháng. Vì vậy, QH sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ 2 chức danh này.

Không ai bị khiếu nại, tố cáo

Qua tổng hợp các báo cáo cũng như theo dõi hoạt động của những người giữ chức danh do QH bầu và phê chuẩn, ông có nhận được phản ánh, khiếu nại tố cáo nào liên quan đến đạo đức, lối sống, thu nhập tài sản của những người được lấy phiếu tín nhiệm?

Đến nay tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm đã xong báo cáo theo yêu cầu và đã gửi đến các ĐBQH.

Điểm nhấn của nghị quyết 85 là người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo sớm. Trước thời điểm đó, nếu có dư luận thì họ phải giải trình. Đó là một việc rất thực chất.

Tôi chưa nhận được thông tin khiếu nại, tố cáo về bất kỳ ai trong 48 người được lấy phiếu tín nhiệm, kể cả về kê khai tài sản cũng như đạo đức, lối sống…

Ngoài các báo cáo của chính người được lấy phiếu tính nhiệm, ĐBQH sẽ căn cứ vào những kênh nào khác để việc lấy phiếu đảm bảo khách quan, chính xác?

Từng ĐBQH cũng đều theo dõi hoạt động của những người thuộc diện lấy phiếu trong cả nhiệm kỳ. Các ĐB nhớ từng câu nói, từng việc làm và giám sát rất chặt chẽ. Các ĐB còn theo dõi qua tài liệu của các cuộc giám sát cũng như tự thân các ĐB thực hiện chức năng giám sát.

Ngoài ra, các ĐB còn thông qua kênh tiếp xúc cử tri, nếu có các vụ việc nổi lên, ĐB sẽ căn cứ vào đó để phân tích, sàng lọc.

Những thông tin phản ánh trên báo chí cũng là cơ sở để ĐBQH đọc và tham khảo khi đưa ra quyết định lấy phiếu tín nhiệm.

Chúng ta có rất nhiều kênh nhưng định hướng chung là ĐB phải có trách nhiệm sàng lọc, đánh giá thông tin khách quan công tâm, công bằng để lá phiếu của mình thể hiện đúng thực chất hiệu quả công việc của người được lấy phiếu, đáp ứng được kỳ vọng của QH, của cử tri cả nước.

Trong thực tế không ít ý kiến của cử tri lo ngại chuyện vận động phiếu hay tình trạng nể nang, duy tình khi lấy phiếu?

Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là khác nhau. Lấy phiếu có tính chất nhân văn, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe để người được lấy phiếu sau đó nhìn nhận lại những việc mình đã và đang làm, sau đó làm cho tốt, trách nhiệm cao hơn.

Đây chính là cơ hội tốt nhất để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, như Tổng bí thư đã nói: "Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở".

Những băn khoăn này của cử tri và ĐBQH rất có trách nhiệm với đất nước và chúng ta đều có cơ sở để lý giải cho mọi người cùng hiểu thấu đáo.

Lấy phiếu tín nhiệm vừa khó khăn nhưng cũng là công việc bình thường theo quy định. Chúng ta tin tưởng rằng mọi việc được thực hiện khách quan, chắc chắn sẽ hạn chế được tất cả vấn đề để việc lấy phiếu không bị hiệu ứng bởi bất cứ việc gì.

Sức nặng niềm tin cử tri trao cho đại biểu

Theo ông, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động giám sát của QH cũng như trong việc đánh giá cán bộ?

Ngoài ý nghĩa soi lại chính mình để tiếp tục rèn luyện như tôi nói trên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.

Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp (có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp).

Đây là lần thứ 3, QH lấy phiếu tín nhiệm. Qua 2 đợt lấy phiếu tín nhiệm trước, thực tế có những vị trí kỳ lấy tín nhiệm năm 2013 thấp thì kỳ năm 2014 đã cao hơn. Rõ ràng có sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, lĩnh vực đó.

Tức là họ soi lại mình sau mỗi kỳ lấy phiếu, phát huy các kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, tồn tại.

Cũng là người được lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ này, bản thân ông có thấy lo lắng và áp lực?

Bản thân các uỷ viên Thường vụ QH và chính tôi cũng rất lo lắng nhưng đây cũng là dịp để tự soi mình.

Áp lực thì không nhưng trách nhiệm thì có. Chính vì việc lấy phiếu tín nhiệm mà ngay từ đầu nhiệm kỳ trong mọi hành động, việc làm, mình phải làm sao để khi lấy phiếu tín nhiệm phải giành được sự tin tưởng của QH.

Mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của ĐB đối với người được lấy phiếu mà còn chứa đựng sức nặng của niềm tin mà cử tri trao gửi cho ĐB.

Tôi tin rằng, với kinh nghiệm được rút ra từ 2 lần lấy phiếu trước đây cùng với nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của QH, giám sát của cử tri và báo chí, các ĐB sẽ thể hiện bản lĩnh và sự công tâm, sáng suốt nhất đối với mỗi lá phiếu tín nhiệm.

Thu Hằng

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo biểu hiện suy thoái

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo biểu hiện suy thoái

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

 

Lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 12

Lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 12

Hội nghị BCH TƯ lần 9 diễn ra vào tháng 12 sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư, ủy viên TƯ.

Phiếu tín nhiệm phải thực chất, không hình thức, duy tình

Phiếu tín nhiệm phải thực chất, không hình thức, duy tình

Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được dân chủ, khách quan, thực chất, không hình thức, duy tình.