“Bây giờ quan trọng nhất để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. Rất mừng là Thủ tướng đã bắt đầu làm việc này, nhưng hiện các địa phương vẫn rất khác nhau”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối

Ông nêu thực tế, một loạt các chính sách vô tình đã tạo ra khoản tô khổng lồ (khoản lợi ích). Như TP.HCM đã từng khoá cứng chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chỉ cho siêu thị hoạt động.

“Vậy thì khoản (thu) mà siêu thị nhận được lớn đến thế nào. Đó là những khoản tô do chính sách của chúng ta đề ra. Những khoản tô đó có ở rất nhiều tỉnh và đánh vào người nghèo hết” ”, TS Nguyễn Sĩ Dũng chỉ rõ.

Ông nêu thực tế, 29,3 triệu người yếu thế, đã không có việc làm, chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được, hàng thiết yếu phải mua qua siêu thị thì người nghèo khốn khổ thế nào? Ngoài ra, nếu chợ truyền thống đóng cửa, làm sao những người sản xuất nhỏ lẻ, nông dân xung quanh Hà Nội, TP.HCM có thể tiếp cận siêu thị được.

“Điều này là vấn đề rất lớn, không chỉ ở HN. TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác. Nếu chuyển đổi mô hình mở cửa thì chúng ta phải mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào đó. Không chỉ là người mua mà cả người bán”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích và cho rằng, nếu chuyển đổi mô hình rồi thì phải mạch lạc.

{keywords}
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ông cho rằng phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. “Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”.

Huy động tổng lực

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng nêu một vấn đề rất quan trọng khác là vấn đề về việc làm, vấn đề thiếu hụt lao động. Nghịch lý lao động là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM sẽ thiếu rất nhiều lao động.

“Hiện lao động phải chạy về quê, chưa biết bao giờ mới quay trở lại. Chắc chắn họ sẽ quay trở lại nhưng bao giờ, trong khi các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể ngừng được”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói. "Nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại thì sẽ thiếu hụt lao động rất lớn"- ông Nguyễn Sĩ Dũng cảnh báo.

Tới đây, TS Nguyễn Sĩ Dũng lưu ý cho dù là tiền tệ hay tài khoá, nếu không tăng được cầu trong nước thì không thể phát triển được. Vì xung quanh Hà Nội trồng rau, nuôi gà bán cho ai nếu những người kia không có tiền mua. "Đó là vấn đề lớn mà chính sách tài khoá tới đây phải tính tới"- ông khẳng định.

{keywords}
Các chuyên gia dự tọa đàm

Một vấn đề quan trọng khác, theo ông Dũng, rất nhiều người có nguồn vốn nhỏ, sáng họ ra chợ đầu mối mua xong bán, giờ họ cạn kiệt tiền và họ mong có chương trình tín dụng nhỏ hỗ trợ. Đó cũng là nền tảng lao động lớn của chúng ta.

“Tôi nghĩ Quốc hội nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị rủi ro. Quốc hội họp “xuân thu nhị kỳ”, có những việc lại cần điều chỉnh rất gấp. Tôi nghĩ cách như Quốc hội các nước làm là tổ chức các phiên điều trần, nhưng Quốc hội mình gọi là giải trình”, ông Dũng đề nghị các ban phải tích cực tổ chức các phiên như vậy.

Thu Hằng

Chuyển hướng phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin gắn với lộ trình mở cửa

Chuyển hướng phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vắc xin gắn với lộ trình mở cửa

Các chuyên gia hiến kế hàng loạt giải pháp chuyển hướng trong phòng chống dịch Covid-19, để sớm đi vào trạng thái bình thường mới.