Người lính già qua 3 cuộc chiến
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, tham mưu trưởng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1985 - 1989 nói về cuộc chiến đấu bảo vệ 20km đường biên giới nơi cực Bắc Tổ quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
Từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng tham gia các trận đánh lớn Khe Sanh (Quảng Trị) cho đến dinh Độc Lập giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1981, Tướng Huy được điều về Quân khu Thủ đô làm Phó tham mưu trưởng.
“Tháng 3/1985, tình hình chiến sự Vị Xuyên ác liệt đòi hỏi tăng cường một cán bộ có kinh nghiệm cho mặt trận này. Tôi nhận được lệnh của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng điều động lên Hà Giang. Nhận quyết định, 3 tiếng sau tôi đã gấp rút lên đường.
Anh Nguyễn Hữu An lúc bấy giờ là Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 đang chỉ huy ở chiến trường Vị Xuyên.
Anh em họp bàn đi đến quyết định mở trận đánh mang bí danh A6B tại đồi Đài, gần cao điểm 400. Nơi đây là điểm phòng ngự bằng núi đá của địch nhưng là điểm tương đối thuận lợi cho ta. Từ A6B sang điểm của địch chỉ khoảng 200m. Do địa hình núi đá phức tạp, ta chọn cách đánh cổ điển, sử dụng pháo, bộc phá, xung phong...
5h sáng ngày 30/5/1985, trời mù, chúng ta chính thức ra lệnh nổ súng. Anh em nhảy được vào các điểm địch chốt giữ, lựu đạn, nổ pháo, B40, B41 nổ, 30 phút sau ta chiếm được cao điểm này.
Riêng đường hầm số 7 địch chống trả quyết liệt, chúng ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đây là trận thắng lợi hoàn toàn với số thương vong rất ít. Trận đánh có ý nghĩa làm xoay chuyển cục diện thế trận, đặc biệt là sau trận đánh ngày 12/7/1984 phía ta bị thương vong nhiều.
Sau đó, trận đánh ngày 23 - 25/9/1985 vị trí đông sông Lô ta phản kích chiếm lấy Pa Hán. Hai trận đánh thắng lớn trong năm 1985 làm tinh thần bộ đội vô cùng phấn chấn.
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra dọc vùng biên Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Móng Cái… Mặt trận Vị Xuyên có gì khác so với các mặt trận khác?
Chiến sỹ Vị Xuyên 1979 - 1989. Ảnh tư liệu |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Cuộc chiến tại huyện Vị Xuyên kéo dài dọc 20km và chiều sâu 5km. Trên chiến trường, cả ta và địch luôn ở thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược, ta và địch cứ đánh đi diệt lại liên tục, 1 ngày có thể đánh nhau 2-3 lần, ta bám chặt thắt lưng địch mà đánh.
Thứ 2, lấy làng Pinh làm cột mốc. Từ làng Pinh trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng. Từng làng Pinh trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới. Các chiến trường khác không như thế. 5 năm trời (từ 1984 – 1989), địch không xuống sâu vào ta được tấc đất nào và cuối cùng phải rút. Thương vong của chúng là hơn 1 vạn tên.
Vùng hậu phương chính là bên này suối. Thị xã Hà Giang cuộc sống người dân dường như không có gì thay đổi. Các quán phở, cà phê vẫn mở, đặc biệt là cửa hàng Tuyến Lửa phục vụ bộ đội 24/24h, đủ từ cơm, mì, nhu yếu phẩm… Các mẹ ở thị xã nghe bộ đội ở chiến trường thiếu thốn, gửi tiếp tế, động viên liên tục. Một đằng cứ đánh nhau, một đằng cuộc sống vẫn bình yên, dù chiến trận chỉ cách đó vài km.
Cuộc sống hồi sinh
Là người chỉ huy chiến dịch tại Hà Giang, thời điểm hiện tại, ông có thấy Hà Giang có nhiều thay đổi?
Thay đổi rất nhiều. Năm 1985 ở thị xã làm gì có nhà 2 tầng, toàn nhà cấp 4, mì phở ở hàng quán toàn “không người lái”, giờ thì nhà 5-7 tầng, đời sống nhân dân khác xa.
Con số thương vong của quân ta trong suốt chiến dịch, và đến nay đã quy tập được bao nhiêu liệt sỹ?
Toàn chiến dịch, bên ta gần 5.000 chiến sỹ hy sinh nhưng mới mang về được khoảng 1.700 hài cốt, còn hơn 3.000 vẫn đang nằm rải rác khắp nơi.
Tướng Huy thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nơi những người lính năm xưa của ông yên nghỉ |
Từ thời điểm Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên được thành lập (14/7/2014), năm 2018, nhà nước cho thành lập đội quy tập, đã quy tập được thêm mấy chục anh em, đến nay bắt đầu hoạt động có hiệu quả.
"Đã đến lúc cần nói rõ, rằng chúng ta có một cuộc chiến tranh như thế" - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy |
Tại sao địch lại chọn Vị Xuyên để tập trung hỏa lực mà không phải vị trí nào khác, thưa ông?
Nếu đánh ở Lạng Sơn thì liệu họ có giấu được trước bạn bè quốc tế hay không? Hà Giang là tỉnh hẻo lánh, với 1 con đường độc đạo, địa hình hiểm trở có điều kiện tấn công từ trên cao.
Quan trọng nhất là tránh được dư luận thế giới lên án. Mặt khác vẫn đạt được mục đích phá công cuộc xây dựng kinh tế và có cơ hội thì lấn chiếm, mở rộng đường biên sang lãnh thổ nước ta.
Trải qua 3 cuộc chiến tranh, điều đọng lại trong ông là gì, thưa Thiếu tướng?
Là người lính, tâm nguyện của tôi là trách nhiệm với Tổ quốc, dù bất cứ ở đâu, bất cứ kẻ thù nào, nếu có nhiệm vụ chiến đấu là tôi sẵn sàng. Chẳng ai muốn chiến tranh. Bất đắc dĩ chúng ta phải tổ chức cuộc chiến đấu vệ quốc, bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc. Đó là cuộc chiến chính đáng.
Thái Bình - Ảnh: Giang Nam
Biên giới 1979: Vòng hoa trắng nơi biên cương và lời hẹn ước dang dở
Người chiến sĩ ấy nằm xuống, lời hẹn ước với người vợ ở quê nhà mãi mãi dang dở.