Công tác chỉ huy, dẫn đường, quá trình chuẩn bị cho cả chiến dịch nói chung và từng trận đánh của không quân ta nói riêng đều hết sức gian khổ và không thể không nhắc tới đóng góp của những sĩ quan dẫn đường “gạo cội” dẫn bay.

Với độ nhạy cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm, họ có mặt ở tất cả các sở chỉ huy, từ vòng trong lẫn vòng ngoài, sát cánh cùng phi công truy kích địch.

Đại tá Tạ Quốc Hưng là một trong những sĩ quan dẫn đường hàng đầu Việt Nam. Năm nay bước sang tuổi 81, ông vẫn nhớ như in dữ liệu, chi tiết tọa độ, phi công tham gia mỗi trận không chiến.

Trung tâm điện tử di động của Mỹ

Trong thời kỳ đánh phá dữ dội miền Bắc (1965 - 1973), để đối phó với lực lượng phòng không của ta, Lầu năm góc Mỹ đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh điện tử quy mô cực lớn với rất nhiều phương tiện tác chiến điện tử (TCĐT) tối tân, trong đó có việc tăng cường dùng loại máy bay TCĐT EB - 66 gây nhiễu ngoài đội hình để che chắn các máy bay đánh phá miền Bắc.

{keywords}
Đại tá Tạ Quốc Hưng

EB - 66 được mệnh danh là "Trung tâm điện tử di động" mang theo nhiều thiết bị điện tử rất hiện đại của nền khoa học công nghệ Mỹ lúc bấy giờ. Một chiếc EB - 66 được trang bị 12 máy gây nhiễu các loại, có thể gây nhiễu bao trùm lên dải tần tử 40 - 3500 MHz, chế áp đồng thời nhiều đài ra-đa.

Mỗi đợt oanh tạc, không quân Mỹ thường sử dụng tốp 2 chiếc, tạo ra màn nhiễu dày đặc làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chiến đấu của ta. Do đó cần phải tiêu diệt loại máy bay TCĐT nguy hiểm này thì mới phá được tận gốc lớp "vỏ giáp điện tử" lợi hại của không quân Mỹ.

Trận đánh EB - 66 ngày 19/11/1967, vị Đại tá già ấn tượng nhất. Ông nhớ lại: "Tin báo về hôm đó là từ 6 - 7h có một đợt hoạt động của hải quân địch, từ 7 - 8h có một đợt hoạt động lớn của không quân địch. Tức là máy bay Mỹ cất cánh từ Thái Lan sang đánh ta".

Hôm đó điều kiện thời tiết tốt, tiêm kích có thể cất cánh được mà không bị ảnh hưởng. Trực sở chỉ huy là ông Trần Hanh (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN)  lúc bấy giờ là Trung đoàn phó. "Tôi báo cáo với ông Hanh khả năng 'thằng này' là trinh sát điện tử phục vụ cho không quân Mỹ vào đánh.

Lát sau, Đại đội ra-đa 43 (đặt tại làng Tân Trại, cạnh sân bay Nội Bài) nhận định đây đúng là tốp EB - 66 hoạt động ở khu vực Hồi Xuân - Lang Chánh (Thanh Hóa). EB - 66 hay được tiêm kích yểm hộ, trước đây, ta không đánh được EB - 66 là do không bóc tách được vỏ tiêm kích này", ông kể.

{keywords}
Bản đồ chỉ dẫn các đường tác chiến cho không quân

Người dẫn trận nắm trong tay tính mạng phi công

Trực đánh EB - 66 hôm đó là phi công MiG 21 Vũ Ngọc Đỉnh bay số 1 và Nguyễn Đăng Kính số 2.

Sau khi phân tích mọi yếu tố liên quan, Đại tá Hưng nói với 2 phi công thời gian cất cánh, hướng đi, nâng dần độ cao khoảng cách bay trên địa tiêu khoảng 300 - 500m (địa tiêu là các đỉnh núi).

Ông nhớ lại: "Địch hôm đó triển khai 2 chiếc EB - 66, nếu gặp may bắn rơi cả 2 chiếc đó thì đúng là kỳ tích. Tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế. Hai 'thằng' nó bay hoàn toàn ngược chiều nhau, bên kia thì cao bên này thì thấp.

Tôi thông báo với phi công mục tiêu địch ở bên trái và phi công Nguyễn Đăng Kính đã phát hiện ra nhưng ngay sau đó lại báo mục tiêu sang bên phải. Lúc bấy giờ, anh Đỉnh báo cáo đã nhìn thấy máy bay địch và bám theo mục tiêu, nhưng máy bay bay tốc độ lớn, khi vòng lại máy bay địch đã phát hiện ra mình thì liền lật ngay xuống, giảm độ cao bay đi mất".

Đúng lúc đó, tiêm kích F4 của địch yểm hộ nổi lên từ các hướng Ba Vì, Tam Đảo, Thanh Sơn - Phú Thọ. Thấy tình hình nguy cấp, Đại tá Hưng báo cáo Trung đoàn phó Trần Hanh là không thể đánh được nữa. Phi công Vũ Ngọc Đỉnh vẫn tiếp tục xin nhưng Đại tá Hưng yêu cầu thoát ly ngay để tập trung dẫn phi công Kính.

{keywords}
Máy bay tác chiến điện tử EB - 66. Ảnh: Khám phá

Khi đó ông Kính báo “vẫn đang bám chốt, xin phép công kích”. "Bấy giờ, máy bay tiêm kích của ta chỉ có 2 quả tên lửa. Bắn phát đầu tiên, tên lửa nổ đằng sau máy bay địch. Anh Kính không thể bắn bằng ra-đa vì sẽ bị máy bay địch phát hiện. Kính dùng máy bắn quang hợp", ông bồi hồi thuật lại.

Phi công Kính tiếp tục lao vào bắn tiếp quả thứ 2, EB - 66 vẫn chưa phát hiện ra và tiếp tục bay ở phía trước. Khi hạ cánh, phi công nói rằng có cảm giác trượt mất, vì tên lửa đến gần đến máy bay vẫn chưa nổ nhưng chút nữa thì tên lửa quặp hẳn vào máy bay. Chiếc EB - 66 bị rơi ở biên giới Việt - Lào.

Trước trận đánh lịch sử này, quân ta xuất kích đánh địch nhưng đều không hạ được, có phi công buộc phải nhảy dù, có người đã hy sinh, cho nên ai cũng khao khát hạ được EB - 66 để trả thù cho đồng đội. Đây là trận đánh không thể nào quên, bởi lần đầu tiên Trung đoàn hạ được "Trung tâm điện tử di động" EB - 66 của Mỹ…

Vị Đại tá như đang sống lại không khí của trận không chiến hào hùng năm xưa: “Trong mỗi trận đánh, chỉ có 1 sĩ quan dẫn đường và chúng tôi ghi nhớ tính mạng của phi công nằm trong tay mình. Đánh thắng trận ấy tự hào lắm, phi công và máy bay an toàn, máy bay địch bị tiêu diệt”.

Nhiều đồng nghiệp nói vui rằng Đại tá Tạ Quốc Hưng là người “vừa câu cá, vừa dẫn đường cũng trúng”. Tháng 7/1963, ông vào Không quân, huấn luyện ở tiểu đoàn tại Cát Bi, sau đó theo học chuyên ngành dẫn đường. Năm 1966 cho đến hết chiến tranh (1975), ông ở Trung đoàn 921 - Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của QĐND Việt Nam.
Năm 1982, ông làm Phó tham mưu trưởng Sư đoàn không quân 371. Đến năm 1986-1988 đi học chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược (cả Quân chủng Không quân có 6 người được đào tạo như vậy) tại học viện bây giờ là Học viện Quốc phòng.
Ông là sĩ quan dẫn đường duy nhất được tặng thưởng 1 huân chương Chiến công hạng nhất, 1 huân chương Chiến công hạng 3 và gần đây là huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 2.
Tiêm kích cùng anh hùng Nguyễn Văn Bảy hạ gục 'Con ma, Thần sấm' Mỹ

Tiêm kích cùng anh hùng Nguyễn Văn Bảy hạ gục 'Con ma, Thần sấm' Mỹ

Tiêm kích MiG-17 - "cánh én bạc'' của Không quân Việt Nam từng bị xem thường là lạc hậu đã diệt gọn những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ thập niên 1970.

Thái An - Thành Nam