Đại tá Công an cho rằng, đi chữa bệnh nước ngoài chỉ là cái cớ để người ta đi một cách hợp pháp thôi. Đây là lỗ hổng pháp luật.
Bên hành lang QH, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An trả lời báo chí về việc một số đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng lại viện cớ ra nước ngoài chữa bệnh sau đó bỏ trốn, điển hình là trường hợp Trịnh Xuân Thanh.
Trường hợp đang trong “tầm ngắm” của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng vẫn xuất cảnh ra nước ngoài chữa bệnh như Trịnh Xuân Thanh, sau đó bỏ trốn (hiện Trịnh Xuân Thanh đã bị truy nã quốc tế). Nay ông Vũ Đình Duy cũng ra nước ngoài chữa bệnh mà chưa được sự cho phép của Bộ Công thương. Phải chăng ở đây có sự lỏng lẻo trong quản lý cán bộ?
- Chúng ta hoàn toàn thấy được sơ sở trong luật pháp. Trong công tác quản lý cán bộ, những cán bộ có vi phạm, có nguy cơ sai phạm dứt khoát cơ quan phải biết, phải phòng ngừa bỏ trốn, làm bậy.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An |
Bên cạnh đó có sự thiếu sót, sơ hở trong pháp luật tố tụng hình sự của chúng ta.
Hiện nay trong bộ luật tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, cơ quan điều tra không thể vô cớ cấm người ta xuất cảnh được.
Không thể vô cớ khởi tố người ta về hình sự được, mà phải có tài liệu chứng cứ rất rõ ràng, khi đó mới có thể cấm xuất được.
Đây cũng là một sơ hở của pháp luật. Một vụ án lẽ ra chúng ta có thể kết thúc sớm nhưng bị can, đối tượng tình nghi phạm tội trốn ra nước ngoài như vậy rõ ràng bị kéo dài thời gian. Tôi cho rằng cần phải khắc phục.
Theo ông phải khắc phục như thế nào?
- Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải có quy trình rất chặt chẽ, quản lý cán bộ từ lúc họ làm việc cho đến lúc phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm và buộc họ phải chấp hành kỷ luật công chức, kỷ luật của cơ quan.
Anh đi đâu làm gì phải được trao đổi, thống nhất. Đây là những đơn vị hành chính thôi, còn trong lực lượng vũ trang, đặc biệt công an, quân sự thì không có chuyện này xảy ra. Tất cả đi đâu làm gì đều phải báo cáo đơn vị hết.
Tôi đề nghị nới lỏng quyền khởi tố điều tra và cấm xuất cảnh của cơ quan điểu tra, nếu không các đối tượng sẽ trốn hết.
Đây là một ví dụ điển hình về tội phạm tham nhũng, còn một điển hình trong thực tiễn hay gặp, đó là tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Sau khi có tiền trong tay, đối tượng có thể bỏ trốn một thời gian rất dài, cơ quan điều tra không tìm được, rồi đến một thời gian nhất định hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, họ quay trở về, nghiễm nhiên như một người bình thường.
Người mất tài sản đương nhiên bị mất, còn người lấy tài sản của người ta thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi cho rằng cần phải quy định lại, tôi quan niệm như vậy.
Trường hợp xin phép đi nước ngoài chữa bệnh rồi bỏ trốn luôn. Vậy thì phải ngăn ngừa điều này thế nào để không bị lợi dụng?
- Công chức nghỉ xin đi nước ngoài thì cũng phải được sự đồng ý của cơ quan. Anh đang làm việc thì làm sao có thể đi nước ngoài nếu cơ quan không đồng ý?
Trong khi đó anh còn đang là đối tượng có nguy cơ bị kỷ luật. Rõ ràng anh đi đâu thì phải tuân thủ sự đồng ý hay không đồng ý của cơ quan.
Còn người ta đi nước ngoài thì rõ ràng là quyền của họ nhưng quyền này phải nằm trong điều kiện cho phép.
Nếu anh là một công dân anh đi đâu thì tùy, còn đã là một công chức thì phải chịu sự ràng buộc của công chức của cơ quan mình.
Vì thế đi đâu anh phải báo cáo cơ quan nơi mình công tác chứ không thể không được. Nếu tự ý đi chữa bệnh nước ngoài, không được sự đồng ý của cơ quan là anh vi phạm kỷ luật.
Trường hợp của ông Vũ Đình Duy không được Bộ Công thương đồng ý cho đi nước ngoài nhưng ông Duy đã đi ra nước ngoài rồi, vậy phải làm thế nào để ngăn chặn được bất cập này?
- Ở đây chúng ta phải đánh giá ý thức tổ chức kỷ luật của ông Duy là quá kém, nếu vì tập thể, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt thì chẳng bao giờ xảy ra chuyện này cả.
Tôi cho rằng, việc đi chữa bệnh ở nước ngoài chỉ là kiểu sính ngoại thôi. Nền y học của ta chữa bệnh tốt.
Chẳng qua việc đi chữa bệnh nước ngoài chỉ là cái cớ để người ta đi một cách hợp pháp thôi. Đây là lỗ hổng pháp luật mà chúng ta cần phải tính.
Đối với người chưa vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra chưa thể thực hiện được biện pháp tố tụng. Vậy để ngăn chặn đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật không thể viện cớ đi nước ngoài chữa bệnh sau đó bỏ trốn thì có biện pháp nào khác không thưa ông?
- Không có biện pháp gì đâu, khi phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì các đối tượng bị buộc tội đó mới nằm trong vòng cương tỏa của tố tụng, còn khi chưa làm gì thì không được, vì nếu thế sẽ xâm phạm quyền tự do của công dân.
Theo VOV