Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, sĩ quan dẫn đường hàng đầu Việt Nam, Đại tá Tạ Quốc Hưng đã trải qua tình huống khẩn cấp, phải cân não, mà chỉ chậm 1 giây thôi là tính mạng của phi công và tài sản của đất nước lâm nguy.

Đó là trận đánh năm 1972, khi ông trực trong sở chỉ huy và giúp máy bay hết dầu của phi công Đỗ Văn Lanh hạ cánh an toàn.

Tình huống cấp cứu

Ngày 24/5/1972, Quân chủng nhận được tin tình báo: Không quân, Hải quân Mỹ sẽ đánh vào phía Tây Nam Hà Nội. Bộ Tư lệnh giao cho Trung đoàn sử dụng lực lượng đánh vào các tốp máy bay của Không quân Mỹ trên hướng Tây Nam Hà Nội, ngoài vùng hỏa lực phòng không.

Trực chiến hôm đó là hai biên đội MiG - 21. Biên đội 1 gồm phi công Phạm Phú Thái và Nguyễn Công Huy, biên đội 2 gồm Lương Thế Phúc và Đỗ Văn Lanh.

Biên đội 1 cất cánh trước sau khi phát hiện ra tốp tiêm kích F - 4 của địch thì thực hiện tấn công và nhanh chóng thoát ly.

{keywords}
Sĩ quan dẫn đường kỳ cựu, Đại tá Tạ Quốc Hưng

Biên đội 2 của phi công Lương Thế Phúc và Đỗ Văn Lanh cất cánh sau đó 7 phút, bay về phía Phủ Lý. Phi công Phúc phát hiện ra 2 chiếc F - 4 đã tấn công nhưng không trúng nên thoát ly về sân bay Đa Phúc.

Trận này, phi công Lanh giữ đội yểm hộ cho phi công Phúc trong thời gian phi công Phúc bám đuổi, công kích F - 4. Đang trên hướng bay về Đa Phúc để hạ cánh thì phi công Đỗ Văn Lanh thấy đèn đỏ báo hiệu hết dầu bật sáng khi đang bay ở độ cao 5.500m.

“Tôi gọi Lanh hỏi 'đèn đỏ chưa'? Lanh trả lời 'đèn vừa sáng'. Đèn đỏ sáng tức là dầu chỉ còn 120 -150 lít, nghĩa là nếu bay bình thường thì 2, 3 phút thì hết dầu. Mà lúc bấy giờ Lanh còn cách sân bay cả trăm cây số”, Đại tá dẫn đường Tạ Quốc Hưng nhớ lại.

Phi công quyết giữ máy bay, dẫn đường quyết cứu phi công

Vị sĩ quan dẫn đường cho biết, sở chỉ huy 3 lần ra lệnh cho phi công Lanh nhảy dù, bỏ máy bay. Đến lần yêu cầu thứ 2, phi công không trả lời. Một chiếc MiG - 21 giá ngày đó vào khoảng hơn 8 triệu USD. Việc đào tạo được phi công điều khiển tiêm kích loại này vô cùng khó khăn.

Đại tá Hưng kể: “Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là mỗi cân nặng của phi công tương đương với 1kg vàng. Khẩu lệnh nhảy dù phát đi 3 lần mà Lanh không nhảy dù, không nói gì hết. Tôi nói ngay trong sở chỉ huy 'thằng này nó quyết tâm hạ cánh rồi'. Biết tính quyết đoán của Lanh, hiểu phi công muốn giữ máy bay, ông Hưng quyết tâm dẫn đường giúp phi công Lanh hạ cánh an toàn.

"Tôi yêu cầu giữ độ cao 5.000m để tiết kiệm nhiên liệu, hai là bay tốc độ có lợi nhất để tiết kiệm dầu và nói với phi công: "Tôi dẫn anh về bằng phương pháp xuyên mây trực tiếp". Nói thế này là phi công sẽ biết là phải hạ cánh theo kiểu gì. Nếu dẫn xuyên mây thì đúng tâm đường băng, phi công sẽ nhìn sân bay và cứ thế hạ cánh", ông nhớ lại. 

Trước đây, phi công Võ Sĩ Giáp "đi đánh" máy bay ở trên Việt Trì - Phú Thọ, máy bay bị trúng đạn, anh cố hạ cánh với ý định là cứu máy bay nhưng đúng lúc học sinh tan trường, nếu hạ cánh thì sẽ đâm vào các em. Vậy là anh lao máy bay xuống mương và hy sinh. 

{keywords}
 Bảo dưỡng ra-đa. Ảnh: Quân đội nhân dân

Đại tá Hưng gọi bên ra-đa yêu cầu thông báo độ cao và cự li thật chính xác để điều chỉnh lượng xuống. Vì nếu nhanh quá, máy bay sẽ hạ cánh ở ngoài sân bay, chậm quá cũng không được.

"Cách cự ly hạ cánh khoảng 40 - 50km thì Lanh thông báo máy bay hoàn toàn hết dầu, động cơ ngừng làm việc. Nghĩa là lúc này anh bay theo quán tính đà động cơ quay. Tôi nhắc đài chỉ huy K-5 (đài chỉ huy cất/hạ cánh) chú ý máy bay bị chết máy nên không có tiếng động, cần tập trung, phát hiện sớm để chỉ huy giúp cho việc hạ cánh”, Đại tá nói.

Các khẩu lệnh vẫn phát ra đều đặn để nhắc nhở, hướng dẫn. Phi công Đỗ Văn Lanh không trả lời nữa để tập trung hết mức đưa máy bay hạ cánh an toàn.

Đại tá Hưng kể tiếp, khi lao qua đài xa ở độ cao hơn 2.000m, phi công Lanh thả càng, càng không ra. Phi công thu lại càng và thả bằng hệ thống khẩn cấp, càng được thả. Độ cao bây giờ còn gần 1.000m, đã qua đài gần. Rồi máy bay đã tiếp đất trên đường băng, cú tiếp đất hơi nặng hơn so với thông thường nhưng máy bay an toàn.

Máy bay chạy được 2/3 đường băng thì dừng lại. Có lẽ do quá căng thẳng và mệt nên Lanh ngồi nguyên trong buồng lái. Khi xe cấp cứu chạy tới và anh em thợ máy mở nắp buồng lái, đỡ Lanh ra, khuôn mặt Lanh nhợt nhạt, quần áo đẫm mồ hôi…

{keywords}
Phi công Đỗ Văn Lanh

Sau này, khi về họp rút kinh nghiệm tại sở chỉ huy, gặp sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng, phi công Đỗ Văn Lanh nói: “Anh cứu được máy bay, anh cứu được em rồi”.

“Đây là phần thưởng lớn nhất với tôi ở vị trí sĩ quan dẫn đường mà không bảng thành tích hay danh hiệu nào sánh được”, vị Đại tá trải lòng.

Cùng với người chỉ huy trực tại sở chỉ huy, những người dẫn đường là “kiến trúc sư của trận đánh”. Họ lặng lẽ nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm từng trận đánh để đưa ra cách đánh mới, cách thức dẫn dắt mới, chiến thuật mới. Họ đóng góp phần lớn vào những thắng lợi của cuộc chiến.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công tiêm kích Đỗ Văn Lanh (1949-1980) hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện sau chiến tranh ở vùng trời Thái Nguyên. 
Người dẫn đường trên trời và trận không chiến diệt máy bay tối tân Mỹ

Bài 1: Người dẫn đường trên trời và trận không chiến diệt máy bay tối tân Mỹ

Trong mỗi trận không chiến thời chống Mỹ, công tác bảo đảm dẫn đường cho tiêm kích ta đánh địch giữ vai trò vô cùng quan trọng. 

Thái An - Thành Nam