Không có bất cứ gia đình nào có thể thoát khỏi sự giết chóc dưới chế độ tàn bạo ấy. Những tội ác lúc đó, cho dù có dùng giấy bằng cả diện tích trái đất, dùng mực bằng cả đại dương mênh mông cũng không thể nào viết hết…

Thiếu tướng Neang Sat, sinh năm 1961, trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Tonleang, xã Romengthcol, huyện Svaitiep, tỉnh Sveyrieng, Campuchia; có anh trai cả và em gái út bị Khmer Đỏ sát hại năm 1977.

Cuối tháng 11/1977, chàng thanh niên Sat trốn sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng, đến tháng 5/1978 tình nguyện gia nhập Đoàn 125 - Đơn vị tiền thân của LLVT cách mạng Campuchia tại Long Giao, Đồng Nai, Việt Nam.

{keywords}
Thiếu tướng Neang Sat chia sẻ kỷ niệm thời kỳ chống Pol Pot tại khu Di tích Đoàn 125 

Tham gia chiến đấu và phục vụ ở nhiều đơn vị với các cương vị khác nhau, nay mang hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân cảnh Campuchia, tham gia cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị Campuchia – Việt Nam” năm 2017, Thiếu tướng Neang Sat chia sẻ bài viết có tựa đề “Sự hồi sinh trên mảnh đất đau thương”.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ông do Thượng tá Đỗ Các Đông, Viện lịch sử quân sự Việt Nam dịch và biên tập.

Sự hồi sinh trên mảnh đất đau thương

Trên đoạn đường Quốc lộ 55 từ TP Pusat đến huyện Vealveang phải đi xuyên qua huyện Phnomkrovanh, với cự ly 182 km, chiếc xe khách đời mới. đang bon bon trên con đường nhựa bằng phẳng, thênh thang - món quà vô cùng quý giá của Chính phủ Campuchia, con đường lịch sử mà từ thời trước đây chưa từng có.

Cùng chuyến hành trình du lịch cuối tuần ấy gồm có cha và vợ con tôi. Hai bên đường, nhà cửa của người dân mọc lên san sát, người người đi lại không ngớt, tôi ghé mắt nhìn phong cảnh náo nhiệt ấy, thả mình trôi theo những làn gió sớm lách qua khe cửa ô tô, hít thở thật sâu để tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành, mát dịu.

Xe đã đi qua thị trấn Phnomkrovanh, hiện ra phía trước là những cánh rừng xanh bạt ngàn suốt từ chân núi đến đỉnh núi chót vót; núi cao trải dài ngút ngàn tầm mắt và nơi đây được mệnh danh là dãy núi Krovanh.

Cây to, cây nhỏ đang lay động đùa giỡn với gió, lúc nghiêng sang phải, lúc dạt sang trái; những loài chim thoăn thoắt chuyền từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, tiếng chim líu lô hòa quyện với tiếng rì rầm của gió, tiếng xào xạc của cành cây tạo nên bản hòa tấu thiên nhiên sống động làm sao.

Nghe âm thanh vang vọng của núi rừng mà thấy sung sướng khôn tả với một cuộc sống tràn đầy tự do giữa biển trời bao la. Đang đắm chìm trong miên man vô tận ấy, bỗng một giọng nói cắt ngang, “con trai!” - Cha tôi cất tiếng gọi. Ngoái đầu quay lại tôi thưa “Dạ!”. Cha tôi thủng thẳng nhưng rất rành mạch: “Con biết không, từ thời Khmer Đỏ cha đã từng sống ở vùng đất này đấy”.

Nỗi đau chỉ khi chết mới có thể quên

Kỷ niệm đã qua đi hơn 40 năm, nhưng nó vẫn như mới đây và gắn mãi với cuộc đời của cha. Cha vẫn luôn đau đáu rằng chỉ khi nào chết đi, cha mới có thể quên được những chuyện đau xót đã qua.

{keywords}
Người dân Campuchia chạy sang lánh nạn trên vùng biên giới Tây - Nam của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sự tra tấn tàn bạo trong chế độ bọn áo đen, nếu ai chưa từng trải qua thì sẽ không biết thế nào là nỗi sợ hãi; biết thế nào là đói; biết thế nào là lao động cực nhọc triền miên; biết thế nào là không có cái mặc, ăn không đủ no, cuộc sống không có tự do, ốm đau không thuốc điều trị, nhiều người đã phải bỏ mạng.

Cha tôi đã nhấn mạnh rất rõ rằng: không có bất cứ một gia đình nào mà có thể thoát khỏi sự giết chóc dưới chế độ tàn bạo ấy. Những tội ác lúc đó, cho dù có dùng giấy bằng cả diện tích trái đất, dùng mực bằng cả đại dương mênh mông cũng không thể nào viết hết.

Dưới chế độ đại thảm họa như vậy, người dân Campuchia nào may mắn còn mạng sống đã đặt tên cho nó theo suy nghĩ của riêng mình như Chế độ diệt chủng Polpot; Chế độ đao phủ áo đen; Chế độ nô lệ; Chế độ Phát xít thứ hai; Chế độ 3 năm, 8 tháng, 20 ngày; Chế độ nhà tù không tường chắn; Chế độ độc tài Pol Pot!

Vậy câu hỏi đặt ra là bọn Khmer Đỏ giết hại người dân mình vì cớ gì? Cho đến tận ngày nay cũng chưa có câu trả lời chính xác là chúng tra tấn, bỏ đói và buộc lao động cực nhọc triền miên như vậy, rồi thành quả từ lao động ấy chúng mang đi đâu? Chúng gây ra mọi chuyện đau xót ấy để làm gì?

Chuỗi ngày đen tối hơn cả thời chiến tranh

Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ và chế độ tay sai Lonnol kéo dài 5 năm 1 tháng kết thúc vào ngày 17/4/1975, mọi người ai nấy đều hy vọng là máu của người Khmer sẽ ngưng đổ, việc ném bom B52 và các loại bom đạn khác từ máy bay chiến đấu, việc bắn giết nhau trên khắp các chiến trường cũng sẽ kết thúc.

Vậy là bất cứ ai cũng đều mừng vui khôn xiết để đón nhận cuộc sống hòa bình; tuy nhiên, trái lại nó đã trở thành sự khởi đầu của chuỗi ngày đen tối, đau xót hơn cả thời chiến tranh đã đi qua.

Với khẩu hiệu là xóa bỏ giai cấp bóc lột, chủ nghĩa đế quốc, phong kiến, tư bản phản động để xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn ở Campuchia, xã hội không có giai cấp bóc lột và cũng không có giai cấp bị bóc lột, không có kẻ giầu, không có người nghèo.

Khmer Đỏ không cần người trí thức, mà lấy cuốc xẻng làm ngòi bút, lấy ki (cái sọt, rổ nhỏ có tay cầm) làm sách vở và được giao đến tận tay từng người dân để xây dựng đất nước với chế độ Campuchia dân chủ, xây dựng thời kỳ đại nhảy vọt, đại ưu việt.

Vậy là “Angkar” - tổ chức - đã tiến hành xử tội trước tiên là những người đứng đầu chế độ Lonnol, sau là tất cả những ai đã từng phục vụ dưới thời Lonnol bất kể là binh lính, cảnh sát, công chức, nhà trí thức, sinh viên, học sinh và người hiểu biết đều bị mang đi giết hại một cách vô cùng dã man.

Sau nữa là cả chùa chiền, nơi thờ tự tín ngưỡng cũng đều bị coi là kẻ thù của “Angkar”, cần kiên quyết xóa bỏ, nhiều sư sãi phải bỏ mạng dưới bàn tay đao phủ áo đen, nhiều chùa chiền bị biến thành nơi ngục tù, nơi hành quyết, kho chứa đồ, hay nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm… khiến cho giá trị đạo đức xã hội bị băng hoại đến tột cùng.

Cha đã phân tích để tôi hiểu, nhắc lại để tôi luôn nhớ về những gì mà cha đã trải qua trong thời kỳ vô cùng đen tối chưa từng có trong lịch sử đất nước Chùa Tháp này.

* Còn tiếp

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!

Khi đã xác định không thể tránh khỏi chiến tranh - nói cách khác, ngồi yên là tự sát, Việt Nam đã hạ quyết tâm..." Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

 

Neang Sat

(Tiêu đề và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt)