- Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá gỗ sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, việc cho rằng số tiền lên đến hàng trăm tỷ sau khi bán gỗ là không có cơ sở.

Sở Xây dựng vừa có công văn trả lời chính thức các câu hỏi chưa được trả lời về việc chặt hạ và thay thế cây xanh trong cuộc họp báo ngày 20/3 với Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng.

Theo văn bản, từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015 đã triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố, trong đó di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây.

{keywords}

Bãi tập kết tại Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm được cho là chứa số gỗ từ cây xanh vừa bị chặt hạ. Ảnh: Nhị Tiến

Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ TP.HCM nêu tại cuộc họp báo "Việc dừng này như thế nào, bao lâu có thể tiếp tục chặt hạ, bao nhiêu cây? Xã hội hóa có bao nhiêu DN tham gia, gồm doanh nghiệp nào? Họ được gì?...", Sở Xây dựng cho hay, UBND TP đã chỉ đạo dừng việc chặt hạ, thay thế cây hàng loạt trên một số tuyến phố. Giao Sở Xây dựng rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh trên từng tuyến phố.

Sở sẽ tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của UBND TP. Sau khi được thông qua việc rà soát, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin về kế hoạch, lộ trình thực hiện.

Đối với việc chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục, gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công tác cắt tỉa cây mùa mưa bão là công việc thường xuyên, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thực hiện; Đối với các cây xanh nằm trong phạm vi các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị thì việc chặt hạ, đánh chuyển thực hiện theo tiến độ dự án.

"Việc thay thế, đánh chuyển cây xanh thời gian qua là chủ trương đúng, được thực hiện bám sát theo các quy định của Nhà nước và TP, góp phần làm cho các tuyến phố ngày một đẹp hơn, an toàn hơn khi mưa bão; như đã thực hiện trên các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, Hoàng Văn Thụ, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu", Sở khẳng định.

Hiện nay có các đơn vị như tập đoàn Vincom, ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng, công ty cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh, công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, công ty Công viên cây xanh, Công an TP Hà Nội… và một số tổ chức, cá nhân khác đã tham gia hưởng ứng ủng hộ, hỗ trợ việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường. Các đơn vị, cá nhân tự nguyện hỗ trợ cho việc trồng cây với mong muốn chung tay xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Báo Người Tiêu Dùng đặt câu hỏi, dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây, TP khẳng định có phải thế không hay là chủ trương TP, DN chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ, mục đích sử dụng là gì?

Sở Xây dựng cho hay, dư luận cho rằng có việc DN đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỷ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị. Hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Liên quan đến việc ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt, Sở Xây dựng cho biết, Sở cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo quyết định của UBND TP ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú. Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản, ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường làm cơ sở cấp phép.

Hiện nay, việc đánh giá cây sâu mục được thực hiện theo phương pháp trực quan thực tế ngoài hiện trường. Việc chặt hạ cây sâu mục được thực hiện theo quy định, trong trường hợp có nguy cơ gẫy đổ, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh chụp ảnh, thông báo cho chính quyền sở tại lập biên bản để thực hiện ngay.

Vàng tâm nằm trong Sách đỏ

Báo Người Đưa Tin nghi ngại, nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lý không?

Sở Xây dựng trả lời: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển. Cây cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây này đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.

Cũng theo Sở Xây dựng, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thì hiện nay, tỷ lệ diện tích đất cây xanh khu vực nội đô khoảng 3,02m2/người. Việc thay thế cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch, cây mới được trồng vào đúng vị trí cây được thay thế và trồng bổ sung tại các khu vực, vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu mật độ cây xanh hiện có mà còn tăng lên theo quy hoạch (chỉ tiêu cây xanh, công viên đô thị cho khu vực đô thị lõi khoảng 4m2/người).

Trước tin mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây tần bì, Sở Xây dựng cho biết, trong quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước không có cây này trong danh mục lựa chọn cây đô thị. Việc thay thế cây xanh để trồng mới vừa qua thực hiện theo đúng quy hoạch và chủng loại cây đô thị theo quy định.

Các cây xà cừ, bàng sinh trưởng tốt thì không chặt hạ. Sở Xây dựng chỉ cấp phép chặt hạ các cây nằm trong danh mục các dự án phát triển giao thông đô thị; cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.

H.Nhì - P.Nguyên