Sau hơn 7 tiếng vượt cung đường quanh co, dốc cao từ TP Đà Nẵng, đến Tam Kỳ lên đỉnh núi Ngọc Linh, chúng tôi gặp người giữ “báu vật”. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đã gắn bó với vườn sâm Tắk Ngo, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được 7 năm nay. Anh bảo, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà và việc trông giữ cây sâm Ngọc Linh không khác chăm con mọn.

Đỉnh núi Ngọc Linh nằm trên dãy núi Trường Sơn quanh năm mây mù bao phủ. Trên đỉnh núi có 4 ngôi làng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. 10 năm trước, nơi đây được biết đến một xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Nam Trà My, đến nay theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, từ 110 hộ năm 2015 đến nay đã có 2.500 hộ trồng phủ trên 7 xã với diện tích trên 2.000 ha/ diện tích quy hoạch là 16.000 ha.

Vừa đi, vừa nghe những câu chuyện từ thực tế mới thấy người dân nơi đây trân trọng, bảo vệ "báu vật" mang đến cuộc sống đổi thay nhưng cũng nhiều gian nan... 

Sâm sống được nhờ những tán rừng

Đợi sẵn chúng tôi ở giữa đỉnh núi, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (39 tuổi, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) - có dáng người cao to, đeo balo đỏ, mặc bộ áo quần xanh lá sậm màu kèm nụ cười hiền đón chúng tôi.

“Chuẩn bị tinh thần nhé, sẽ đi bộ hơn 20 phút đường rừng mới đến vườn sâm đầu tiên đó”, anh Tuấn dặn dò.

{keywords}
Anh Tuấn đã làm công việc giữ vườn sâm Ngọc Linh được 7 năm

Chúng tôi chuẩn bị tư trang, bắt đầu “hành quân” lên đỉnh núi nhìn “báu vật” miền sơn cước.

Cơn mưa ngày trước khiến đường trơn trượt, nhiều đoạn chúng tôi phải dìu nhau đi. Băng qua những con dốc dựng đứng, đôi chân thanh thoát của anh làm chúng tôi theo bở hơi tai.

Vừa đi anh vừa kể, anh tiếp nhận với công việc này đã được 7 năm, những ngày đầu thực sự khó khăn khi chưa bắt kịp không khí nơi đây. “Nhiệt độ ở đây có nhiều lúc xuống 1,2 độ, thích ứng được thời tiết là cả một vấn đề lớn, sau một thời gian dài thì nó không còn khó khăn nữa”.

Công việc của anh Tuấn tại đỉnh Ngọc Linh là cùng 4 anh em khác canh trực hơn 3,5 ha rừng già và đặc biệt là sâm Ngọc Linh trong này. Ngoài việc canh trực, anh còn chăm sóc cây giống, vun bón, làm cỏ cho sâm.

{keywords}
Công việc của anh là canh trực, chăm sóc cây giống, vun bón, làm cỏ cho sâm

Rừng già hùng vỹ miền sơn cước Quảng Nam khiến chúng tôi choáng ngợp, những cây to hai bên đường đến 3-4 người ôm không xuể, rừng rậm rạp che phủ hơn 80%. Anh Tuấn tiếp lời, nhờ những tán rừng này, cộng với nhiệt độ xấp xỉ 20 độ C sâm Ngọc Linh mới sinh sống được. "Do đó, những người làm nhiệm vụ như chúng tôi phải thực hiện "mục tiêu kép": Vừa bảo vệ cây sâm, vừa bảo vệ rừng..." - anh Tuấn chia sẻ.

Đi được tầm 20 phút đường rừng và len lỏi qua con đường lát bê tông, băng qua cây cầu dây văng trong rừng sâu, chúng tôi tiếp cận với vườn sâm đầu tiên nằm trên đường đi.

Mỗi luống sâm nằm dưới những tán rừng rậm rạp, được khoanh lại bằng lưới B40.

Anh bảo: “Chăm sóc sâm cũng cần có kỹ thuật, mùa này sâm đang ngủ đông nên mình phải phủ nhiều lớp lá cây lên trên để không ảnh hưởng đến củ. Vào giai đoạn ươm hạt cuối tháng 8 đến đầu tháng 2 dương lịch hàng năm là những ngày khó khăn với chúng tôi”.

Những tháng này do hạt vừa nảy mầm nên chim, chuột phá rất nhiều. Thời gian này bên cạnh chăm lo cho rừng, “người giữ rừng” còn để ý đến những động vật phá hạt giống. Dọc theo đường lên, chúng tôi bắt gặp những bẫy chuột được anh Tuấn và các anh bảo vệ rừng đặt sẵn.

{keywords}
 
{keywords}
Một bẫy chuột được anh Tuấn cùng các anh em giữ rừng làm bằng đá và tre

Bẫy được làm đơn giản từ một tảng đá nhỏ được kê cao một phía bằng gậy, hệ thống đòn bẩy được gắn theo sợi dây và kéo sát vào chân góc tảng đá. Khi chuột chạy sang chạm đòn bẩy, tảng đá sẽ sập xuống và con mồi sẽ dính bẫy.

Cùng với đó, một bẫy khác được anh Tuấn thiết kế bằng hệ thống tre và dây cước. Khi chuột chạy sang chạm vào dây cước, hệ thống hoạt động và thanh tre sẽ kẹp vào người con chuột.

Đây cũng là những món ăn “thịnh soạn” trên đỉnh Ngọc Linh, bên cạnh chuột bẫy được, anh Tuấn và các anh em giữ sâm còn tìm ếch, cua ở các con suối trong rừng để cải thiện bữa ăn.

Công việc khó chọn người thay thế

Anh Tuấn kể, sâm Ngọc Linh ở đây được trồng 4 năm, sau đó lấy hạt cung ứng giống cho người dân. Ngọn núi này được quy hoạch 84 ha để trồng sâm.

Đi rừng nhiều, anh Tuấn đã gặp những chuyện nguy hiểm trên cung đường này. Vào tháng 5/2021, trong một đợt đi tuần, anh Tuấn không may bị rắn cắn, may mắn lúc này có anh em đi cùng nên đã sơ cứu kịp thời, chuyển về bệnh viện để điều trị hơn 1 tuần mới khoẻ hẳn.

{keywords}
Một tuần anh Tuấn được về nhà một lần

Trên quãng đường lên với sâm Ngọc Linh, người đàn ông 39 tuổi giới thiệu với chúng tôi nhiều loài cây lạ như: rau rừng, dâu rừng và cả đào rừng trên đỉnh non thiêng. Những cây rừng này là bạn của anh hằng ngày, anh canh rừng liên tục 7 ngày sau đó mới có 1,2 ngày về với vợ, con.

“Buồn thì buồn thật nhưng công việc này ăn sâu vào máu rồi nên không nghỉ được em à. Mình nghỉ thì khó tìm người khác thay thế lắm”, anh Tuấn trải lòng.

Người giữ "báu vật” kiêm giữ rừng giải thích, công việc bảo vệ sâm Ngọc Linh không phải ai cũng làm được, cái khó ở đây cần phải có thái độ thật thà, không vụ lợi chứ không sẽ vi phạm pháp luật. Người nào vụ lợi chiếm sâm mang đi bán, đây là hành động vi phạm pháp luật.

Ngồi nghỉ bên vệ đường, đôi mắt đăm chiêu: “Mong muốn nhà nước đầu tư vườn ươm, nhà ươm chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ, quy trình vào để sản xuất tốt hơn để bảo tồn giống sâm quý này. Xa hơn để thương hiệu đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng cạnh tranh được với sâm Hàn Quốc trong tương lai...".

Thế nhưng anh xác định "việc của mình là canh giữ, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, không để lai tạp những loại sâm khác ảnh hưởng đến chất lượng”.

Hỏi anh thực hiện nhiệm vụ kép như vậy, lại làm việc trong môi trường nguy hiểm chắc lương cao? Anh cười "Lương cũng được hưởng theo quy định của nhà nước và thêm khoản hỗ trợ lương thực khi trực dài ngày trong rừng".

Chia tay anh để kịp xuống núi trước khi hoàng hôn tắt bóng, anh bảo "có dịp quay lại đúng mùa sâm anh sẽ dẫn vào "làng tỷ phú" để thấy người dân nơi đây đã không còn tranh tre nứa lá như trước nữa..."

Công Sáng – Kiều Oanh

Trồng cây xây nhà, những đổi thay của người dân miền sơn cước

Trồng cây xây nhà, những đổi thay của người dân miền sơn cước

Từ việc trồng sâm Ngọc Linh, người dân ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã thoát nghèo, cuộc sống nhiều hộ dân đã thay đổi không ngờ.

Vượt cung đường khủng khiếp đi tìm ‘báu vật’ của rừng

Vượt cung đường khủng khiếp đi tìm ‘báu vật’ của rừng

Nhiều năm nay, huyện miền núi Nam Trà My không chỉ được "xướng tên" khi phải hứng chịu nhiều đợt sạt lở liên miên mỗi khi mùa mưa tới - mà vùng đất này đang lưu giữ sản vật được người dân quý như “báu vật”.