TP Hà Nội đã có quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.

Lý do được Hà Nội đưa ra quyết định này được nêu rõ, trong 28 ngày thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang được kiểm soát. 

{keywords}
Tổ công tác đặc biệt số 2 Công an Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường Liễu Giai. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, nguy cơ, thách thức đặt ra khi lượng người ra đường vẫn đông, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Thành phố liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu đang hoạt động đan xen tại khu vực. 

Ngoài ra, qua công tác xét nghiệm diện rộng, Thành phố đã xác định được một số địa bàn và đối tượng nguy cơ rất cao (vùng đỏ và nhóm đỏ), tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lớn có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát...

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn TP Hà Nội.

Ông Phong cho biết, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông.

“Việc này Thành phố đã giao Công an Thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Đồng tình với quyết định tiếp tục giãn cách của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần tận dụng những ngày giãn cách tới không để dịch bùng phát, giảm số ca mắc và kiểm soát được dịch bệnh.

Ông lưu ý, khi giãn cách phải thực hiện thật nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, phát huy thành quả, rút kinh nghiệm những bài học của việc người dân tự quản ở “vùng xanh” để nhân rộng ra “vùng xanh” khác, xây dựng mô hình sống an toàn vì dịch còn phức tạp.

Ngoài ra, cần phải nâng cao ý thức của người dân, sử dụng 5K rất quan trọng nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Những điểm nóng về dịch phải làm chặt, phát hiện sớm, truy vết kịp thời, phong tỏa ngay, xây dựng lối sống an toàn…

Theo Công điện số 19 của Chủ tịch UBND TP, Hà Nội yêu cầu người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Lãnh đạo Hà Nội lưu ý, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp … là một pháo đài chống dịch. 

“Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của Thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. 

Đề nghị mọi người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của Thành phố”, Công điện số 19 nhấn mạnh.

Sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động

TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Trung ương và Thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội; siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của Thành phố.

Hà Nội lưu ý việc siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần. 

Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định.

Sở Y tế được giao chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Công an Thành phố tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.

TP Hà Nội cũng yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc…

Hương Quỳnh

 

Hà Nội: Giãn cách đến ngày 6/9, giám sát chặt di biến động của người dân

Hà Nội: Giãn cách đến ngày 6/9, giám sát chặt di biến động của người dân

Hà Nội vừa chính thức quyết định tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.