Chiều 6/9, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn TP.

Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh hôm nay là ngày cuối cùng của hai tuần giãn cách xã hội mức cao nhất theo Chỉ thị 16. 

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, trong 24h qua, các cơ quan báo chí đã gửi tới Ban Chỉ đạo yêu cầu cung cấp thông tin với các nhóm vấn đề chính sau: Thứ nhất, hiện nay có bao nhiêu người đến lượt tiêm vắc xin Moderna mũi hai, hiện vắc xin này có đảm bảo không? Thứ hai, hiện nay F0 ở nhà nhận thuốc tương đối chậm, nguyên nhân vì sao chậm cấp thuốc cho F0?

Thứ ba, TP có tính toán một phần mềm thống nhất cho khai báo y tế, tiêm vắc xin… hay không? Cập nhật lên sổ sức khỏe điện tử các dữ liệu còn chậm, chưa đủ.

Ông Lương cho biết, về việc này, Bí thư Thành ủy giao cho Sở TT&TT thực hiện thí điểm tại quận 7 về thống nhất phần mềm khai báo y tế và cập nhật các dữ liệu. Trong tuần này sẽ triển khai và sau đó có cuộc họp báo thông tin.

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải thông tin tại cuộc họp báo

Ông Phạm Đức Hải thông tin, theo công văn 2789/UBND TP về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện phòng, chống dịch với phương châm xã, phường, thị trấn là một pháo đài (thời gian 23/8 đến 6/9). Như vậy, hôm nay là ngày cuối của tinh thần công văn. Chiều nay, Ban Thường vụ Thành ủy họp sơ kết và định hướng hoạt động thời gian tới.

Do đó, hôm nay không thể có được thông tin đánh giá về 15 ngày qua. Sau khi Ban Thường vụ có đánh giá sẽ cung cấp cho báo chí nhanh nhất.

Cũng theo ông Hải, cùng với sơ kết, đúng 20h hôm nay, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi sẽ tham gia chương trình “Dân hỏi-Thành phố trả lời”.

Thông tin thêm về chương trình, ông Từ Lương cho biết, nhờ các cơ quan báo chí nên chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” được tuyên truyền rộng rãi, kết nối được người dân với chính quyền.

Đã qua 10 chương trình, tối nay là chương trình thứ 11, cũng là chương trình khép lại giai đoạn đầu của “Dân hỏi-Thành phố trả lời”.

Đi chợ hộ đạt hơn 107%, chưa có phương án mở chợ truyền thống

Ông Hải cho hay, về đi chợ hộ, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là hơn 96.000 hộ, tăng gần 18% so với hôm trước (tương đương tăng gần 14.700 hộ).

Kết quả thực hiện, có hơn 103.000 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 107% số hộ đăng ký (trong đó có hơn 6.700 lượt đăng ký của những ngày trước được giải quyết).

Thành phố hiện có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Liên quan đến phương án mở chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP chưa có chủ trương hay chỉ đạo cụ thể nào về việc này.

{keywords}
TP.HCM chưa có phương án mở lại chợ truyền thống

Việc tạm dừng hoạt động, tạm đóng cửa do yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Hầu hết các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, ba chợ đầu mối của TP cũng dừng.

Các chợ đang hoạt động chủ yếu là ở vùng ven, ngoại thành, nhưng rất ít.

Theo ông Phương, vào tối mai (7/9), sẽ mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, chứ không phải mở lại chợ.

Điểm trung chuyển được mở để giúp các nguồn hàng từ các địa phương về TP và đến được các địa chỉ cần thiết. Hình thức, sẽ có các xe lớn chở hàng về điểm trung chuyển, sau đó dùng xe nhỏ chở về từng địa điểm.

Điểm trung chuyển không có giao dịch, không mua bán, ông Phương nói rõ.

Củng cố y tế cộng đồng chăm tốt hơn F0 tại nhà

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc HCDC trao đổi về sự lo lắng của người dân khi chưa được tiêm vắc xin Moderna mũi 2.

Theo ông Tâm, về vắc xin Moderna, có bốn loại vắc xin TP được phân bổ và có cả nguồn tài trợ.
Vắc xin Moderna nhận nhiều đợt, không được cấp đồng loạt.

Về tiêm mũi hai có trễ một vài tuần thì cũng không ảnh hưởng, vẫn có hiệu quả. Nên người dân không quá lo lắng.

Nói thêm về tiêm vắc xin, ông Tâm cho biết, TP tiêm đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

{keywords}
Tổ chức tiêm vắc xin cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật… tại quận 3. Ảnh: HCDC

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin thêm, hiện số ca F0 có hiện tượng tăng lên, danh sách cập nhật không kịp nên không kịp thời phát các túi thuốc điều trị.

Ngoài ra, khi F0 tăng thì lực lượng y tế cơ sở đáp ứng không kịp. TP đang có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực, thêm 40 đội về quận, huyện.

Quân y cũng tăng cường cho TP 28 đội lưu động. TP cũng chỉ đạo các địa phương tăng việc cấp thuốc cho các F0 chăm sóc tại nhà.

Cũng theo ông Châu, riêng túi thuốc C là thuốc được kiểm soát đặc biệt, phải có sự đồng ý của F0 mới cấp phát, nên có chậm cấp loại thuốc này.

Ngành y tế đang có phương án phối hợp với các đội xét nghiệm, khi phát hiện F0 đội cấp phát thuốc cho F0 ngay, để khỏi bị sót hay chậm như thời gian qua.

Sẽ củng cố y tế cộng đồng để chăm sóc tốt hơn cho F0 tại nhà, đồng thời nhanh chóng phát hiện F0 chuyển nặng thì chuyển lên tuyến trên điều trị.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng thông tin chi tiết về tình hình ca tử vong. Theo ông Châu, hôm nay 233 ca, thấp hơn những ngày trước và có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn cao. Vì hiện nay, số ca đang điều trị là trên 9.000, hơn 1.000 ca đang đặt máy thở.

Hệ thống điều trị đang cố gắng hết sức với tất cả các biện pháp cao cấp nhất để điều trị cho bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong các ca bệnh nặng rất cao, khoảng 30% trong số các ca thở máy tử vong, vì phổi tổn thương rất nặng.

Đại diện MTTQ TP cho hay, sau khi thành lập, Trung tâm an sinh đã tổ chức khảo sát các địa phương, báo cáo về có khoảng 1,7 triệu hộ khó khăn; nên mới dự kiến 15/8 đến 15/9 chuẩn bị 2 triệu gói an sinh.

Vừa rồi, tổng số túi đưa về cho các địa phương là hơn 1,6 triệu.

Trung tâm dự kiến sau 15/9 thực hiện thêm 2 triệu túi an sinh để hỗ trợ cho các hộ khó khăn. Tuy nhiên, hàng ngày trung tâm vẫn tiếp nhận lương thực, thực phẩm và chuyển ngay về địa phương (ngoài 2 triệu túi an sinh).  

Số liệu về công tác phòng, chống dịch của TP.HCM sau 24h

Về y tế, tính đến 18h ngày 5/9, có 251.933 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 251.473 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị hơn 42.600 bệnh nhân, trong đó có 3.020 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.780 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5/9 có 2.915 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 128.396), 233 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 10.685).

Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 4/9 đến 18h 5/9 đã lấy 239.221 mẫu, trong đó có 6.436 mẫu đơn và 11.258 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 254.957 mẫu.

Về tiêm chủng vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 5/9 là hơn 6,5 triệu (tăng gần 109.000 mũi so với ngày 4/9), trong đó tổng mũi 1 là hơn 6 triệu, mũi 2 là gần 499.000, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 700.000.

Về an sinh, trong ngày 6/9, Trung tâm an sinh tại các kho của MTTQ TP tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại như gạo, nước mắm, cá hộp, dầu ăn, thuốc, cồn… của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, mạnh thường quân, trị giá hơn 9 tỷ đồng.

Tính từ 15/8 đến 6/9, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là hơn 1,6 triệu túi (tăng hơn 35.000 túi so với ngày 5/9).

 

 

TP.HCM mở cửa tới đâu quản tới đó

TP.HCM mở cửa tới đâu quản tới đó

Thủ tướng yêu cầu từng bước khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương kiểm soát được dịch. TP.HCM cũng đang tính toán mở cửa từng bước, mở tới đâu, quản tới đó.

Hồ Văn