UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê và ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Mở đầu buổi họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trên cơ sở 5 giải pháp đã được thông tin, đến giờ phút này trên đường phố, mật độ lưu thông vẫn đông, nguy cơ kiểm soát sự lây lan khiến chúng ta lo lắng.

{keywords}
Toàn cảnh buổi họp báo

Phải làm sao cho bà con hiểu thấu được, thành phố đang nỗ lực tối đa. Rất mong bà con sẵn sàng đồng thuận cùng chống dịch, để sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường.

“Như sáng nay, các cửa hàng siêu thị, thương mại tập trung rất đông, nhiều video tung lên mạng bị các thế lực xấu lợi dụng, gây thêm hoang mang dư luận. Tôi đề nghị báo chí tuyên truyền làm sao để người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, giúp thành phố kiểm soát dịch theo Nghị quyết 86”, ông Khuê nhấn mạnh.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, báo chí quan tâm nhiều nội dung như Chỉ thị mới tăng cường kiểm soát các nhóm được phép lưu thông ra đường; công tác cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

{keywords}
Người dân xếp hàng dài chờ vào mua hàng ở siêu thị sáng nay

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, chiều qua, sau khi TP thông tin sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tương ứng với mức độ lây lan của dịch. Cũng ngày hôm qua TP khẳng định cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Tuy nhiên, do tâm lý hết sức lo lắng, sáng nay, bà con ra đường rất đông, mua sắm hàng hóa, dẫn đến mất trật tự, ảnh hưởng giãn cách xã hội, đe dọa lây lan mạnh dịch bệnh. Nếu tình trạng này không chấm dứt, TP.HCM không thể kiểm soát được dịch bệnh.

Do vậy, Ban Chỉ đạo khẳng định: Không thực hiện phong tỏa thành phố hai tuần tới.

Thứ hai, chúng ta cũng không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Ông Hải giải thích, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Ủy ban TVQH ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Chính phủ. Trong trường hợp Ủy ban TVQH không ra ban bố thì Chủ tịch nước sẽ ban bố…

Ông Hải nhắc lại, TP.HCM không phong tỏa mà nâng cao 5 biện pháp, quy tụ vào bốn nhóm giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, các lực lượng được tăng cường là y tế, công an, quân đội và nhiều cán bộ, công chức…

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19

Công an, quân đội, lực lượng y tế đã có, Trung ương tăng cường rồi thì lần này thành phố tăng cường thêm lực lượng.

Thứ hai, tăng cường phương tiện như máy móc, thiết bị, dụng cụ xét nghiệm, thuốc. Những thứ này TP.HCM tăng cường hơn trước tình hình dịch bệnh lan nhanh.

Thứ ba, lương thực, thực phẩm đẩy mạnh hơn, chăm lo cho dân để dân yên tâm cùng thực hiện nghiêm phòng, chống dịch bệnh.

Thứ tư, siết chặt giãn cách nghiêm hơn trước.

Shipper ngưng hoạt động tại một số khu vực.

Theo ông Hải, kể từ 0h 23/8 đến hết 6/9, thực hiện nhà cách ly nhà, người cách ly người, mỗi gia đình là một pháo đài. TP.HCM thành lập tổ công tác đặc biệt tại phường, xã thị trấn tại vùng đỏ, vùng cam do chính địa phương quản lý, đứng đầu là chủ tịch phường, xã, thị trấn.

{keywords}
Tạm dừng hoạt động shipper tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện

Các tổ này đi chợ thay người dân, chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân.

Thành phố cũng ra văn bản, trong thời gian này, tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai làm việc tối đa ¼ nhân sự, thực hiện "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến".

Ra đường phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện, riêng lực lượng giao hàng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Các quận, huyện còn lại thì hoạt động trong địa bàn, không đi liên quận.

Chuẩn bị hơn hai triệu gói hỗ trợ

Về vắc xin, TP.HCM đã tiêm hơn 5 triệu mũi; thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động do bác sĩ, y tá, điều dưỡng và tình nguyện viên đảm trách. Các trạm này đặt tại khu vực nhiều F0, phục vụ sơ cấp cứu và chăm sóc y tế tại nhà.

Chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.

Ông Hải thông tin thêm, việc cung ứng hàng hóa, TP.HCM chia thành hai nhóm: Nhóm vùng xanh và vàng, nhóm vùng cam và đỏ.

Đối với người dân ở vùng xanh, vùng vàng, chia làm hai nhóm: Một là người dân có điều kiện chưa cần hỗ trợ, được đi chợ 1 lần/tuần.

{keywords}
Người dân TP.HCM bắt đầu nhận quà từ chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" do Bộ TT&TT tổ chức

Còn lại, những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận gói hỗ trợ. TP.HCM đã thành lập trung tâm an sinh; chuẩn bị hai triệu gói hỗ trợ và còn nhiều hơn thế nữa.

Vùng cam, vùng đỏ cũng chia hai nhóm như thế. Người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì không đi ra ngoài, tổ công tác sẽ đi chợ giúp 1 tuần/lần và người dân trả tiền; nhóm người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận tận tay gói an sinh.

Thành phố đã cung cấp cho người dân gần 3.000 địa chỉ đi chợ. Cùng với thực hiện Nghị quyết 86 và Nghị quyết của HĐND, các phường, xã hỗ trợ cho dân khó khăn thêm theo quy định các nhóm được hưởng.

Ông Hải đặt vấn đề: “ai sẽ phát gói hỗ trợ này? Hôm qua các báo nêu quân đội sẽ phát, thực ra không phải, mà do tổ công tác đặc biệt sẽ phát tận tay cho người dân”.

Trường hợp địa bàn thiếu hàng hóa, thành phố sẽ đưa xe lưu động mang tới cho người dân mua.

Về hoạt động doanh nghiệp, tiếp tục hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP trước đây.

Thành phố đã hết sức cố gắng, dự liệu các phương án, các giải pháp. Tuy nhiên chắc chắn còn trục trặc vì không lường hết được (có thể phát phiếu chậm, hàng hóa thiếu…) thì bà con nên gọi ngay cho tổ công tác.

Đề nghị các cơ quan truyền thông phản ánh những cái chưa được tốt một cách trung thực, với tinh thần chia sẻ.

Quy trình xét nghiệm và tiêm vắc xin  

Tại buổi họp báo, các phóng viên quan tâm việc TP.HCM sẽ tiến hành xét nghiệm và tiêm vắc xin thế nào trong thời gian siết chặt giãn cách.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố sẽ dồn tổng lực thực hiện giãn cách, cố gắng xét nghiệm theo kế hoạch 2716 đã ban hành.

{keywords}
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế

Theo đó, với việc xét nghiệm cộng đồng, tại các vùng bình thường mới (xanh, cận xanh) sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Khu vực được xem là vùng sạch dựa vào tiêu chí xét nghiệm và các điều kiện: không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng nồng độ virus thấp, ít lây lan; tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% đối với nhóm người trên 18 tuổi; có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.

Tại các vùng nguy cơ, "vùng vàng", thực hiện xét nghiệm theo nguyên tắc "ngẫu nhiên, có trọng điểm" bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh".

Đối với các khu phong tỏa, tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định.

Trường hợp âm tính, có thể giải phóng khu phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm nCoV.

Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa, sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới giải phóng khu phong tỏa khi đủ điều kiện.

Riêng ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV.

Tùy điều kiện thực tế, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố lây nhiễm theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm nhanh.

“Địa điểm tổ chức lấy mẫu phải phù hợp, có thể tổ chức tại nhà hoặc địa điểm thuận lợi. Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp thiết bị để người dân tự làm, sau đó thu lại mẫu. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm Y tế nhận và chuyển mẫu vào các thời điểm 11h, 18h và 23h trong ngày, theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối xét nghiệm”, ông Nam thông tin.

Về tiêm vắc xin, ông Nam cho biết, đến chiều 20/8, thành phố đã tiêm 5.283.528 mũi. Nếu tính số lượng người trên 18 tuổi là 7 triệu thì TP.HCM đã đạt 75%. Tuy nhiên, nếu tính cả những trường hợp tạm trú thì tỷ lệ này chỉ trên 50%.

Mục tiêu là tất cả những người sống trên địa bàn thành phố đều tiếp cận được vắc xin.

Với tốc độ tiêm hiện nay, thành phố đang tăng tốc để đạt mục tiêu đến 15/9, tối thiểu 70% người dân được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, qua thống kê của các địa phương và bệnh viện thì tổng số người trên 65 tuổi là hơn 650.000. Thành phố hiện đã tiêm cho 517.318 người, hiện, còn khoảng 140.000 người chưa tiêm.

Các quận, huyện đang tích cực để tiêm hết cho nhóm này. Đến chiều 20/8, thành phố có 148.000 người trên 65 tuổi tiêm mũi 2.

Làm sao liên hệ với tổ công tác?

Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt vấn đề xung quanh việc làm sao gọi được tổ công tác nếu không nhận được hỗ trợ; công tác xét nghiệm truy vết F0 có gì thay đổi khi thành phố tăng cường các biện pháp…

Trao đổi lại, ông Phạm Đức Hải cho biết, khi người dân muốn liên hệ tổ công tác, việc đầu tiên gọi cho tổ trưởng, tổ phó khu phố/ấp mình sống.

Sau đó, họ giúp dân gọi cho nơi cần gọi, thành phố cũng đã cung cấp số tổng đài từ lâu. Trong trường hợp khẩn cấp, tổ công tác sẽ chạy xuống ngay.

“Chúng ta cam kết thực hiện 2 triệu gói và hơn thế nữa thì đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Bà con nên cùng đồng cam cộng khổ, đón nhận gói hỗ trợ bằng tình cảm vì đây là trách nhiệm của thành phố”, ông Hải chia sẻ

Đại diện Sở Công thương cho biết thêm, việc cung ứng hàng hóa duy trì thường xuyên, đầy đủ cho người dân nhờ hệ thống phân phối và các thương lái hoạt động chủ động, nguồn hàng dồi dào. 

Hồ Văn

           >>>Xem thêm tình hình Covid-19 ở TP.HCM mới nhất

TP.HCM cam kết cung ứng đầy đủ hàng hoá cho người dân

TP.HCM cam kết cung ứng đầy đủ hàng hoá cho người dân

Đó là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, sáng 21/8.