Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình chủ trì họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Tham dự còn có thủ trưởng các sở, ngành của TP.
Buổi họp báo dự kiến thông tin cụ thể về các diễn biến sau ngày 15/9 và việc vì sao chưa áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19.
Mở đầu họp báo, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin về tình hình dịch bệnh và những công việc thời gian tới.
Ông cho biết, trong thời gian dài, TP nỗ lực chống dịch, cao điểm từ 23/8 đến nay, TP nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, các tỉnh bạn và người dân TP, cả nước.
TP cũng nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, DN là yếu tố quyết định cho sự thành công chống dịch.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp báo |
Thứ đến, công tác giãn cách thực hiện nghiêm, tỷ lệ vùng đỏ, cam thu hẹp khá rõ, vùng xanh mở rộng hơn. TP đang tiến hành vẽ lại bản đồ vùng xanh.
Tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt qua các đợt xét nghiệm, vùng xanh càng mở rộng.
Các địa phương Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đạt được cơ bản kiểm soát dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế, 5 địa phương khác cũng tiệm cận kết quả rất tốt.
Dự kiến 15/9, thêm một số địa phương công bố kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, công tác quản lý thu dung, điều trị F0 cải thiện đáng kể. Việc quản lý F0 tại nhà được đánh giá cao, phù hợp với tình hình của TP.HCM.
F0 được phân loại, tư vấn và được tiếp cận thuốc, y tế sớm nên việc chăm sóc F0 tại nhà rất hiệu quả.
Năng lực các tầng điều trị đã làm tốt hơn, đạt được kết quả là ghi nhận tín hiệu số ca cấp cứu giảm, tử vong giảm đi…là chỉ số cho thấy đạt được kết quả, dần tiến tới kiểm soát được các chỉ tiêu.
Tiêm vắc xin đến nay đạt trên 6,5 triệu mũi 1, là tỷ lệ đáng mừng, mũi hai trên 1,3 triệu (chưa kể hôm nay), đạt 19%.
Việc bao phủ vắc xin là điều kiện quan trọng khôi phục lại cuộc sống mới, mở rộng hoạt động kinh tế sau này.
Từng thời điểm, từng địa bàn tùy diễn biến đã mở các hoạt động, ví dụ mở các siêu thị tại xã, phường gắn với shipper hoạt động.
Việc cung ứng hàng hóa ngày càng tăng đáng kể, dịch vụ ăn uống mang về cũng được mở và bắt đầu đáp ứng được cho bà con.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, so với các tiêu chí của Bộ Y tế, TP chưa đạt được đủ. Chính vì vậy, để đảm bảo kết quả tốt hơn, từng bước nới lỏng, hài hòa công cuộc chống dịch và mở cửa…TP quyết định tiếp tục giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9.
Một số địa bàn có kết quả tốt như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, Phú Nhuận, Nhà Bè theo tinh thần 16-, 15+ để đảm bảo kết quả bền vững.
Mở rộng thí điểm một số dịch vụ an toàn
Về những việc thời gian tới, ông Mãi thông tin cụ thể. Thứ nhất, TP đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, vì bao phủ rộng tiêm vắc xin là điều kiện mở cửa an toàn.
Thứ hai, tập trung củng cố năng lực y tế, nhất là tuyến cơ sở, các trạm y tế cố định, lưu động… đầu tư quan tâm hơn y tế công cộng, tư nhân.
Song song đó, TP nâng cao khả năng điều trị tại các tầng… để đủ sức giải quyết vấn đề dịch bệnh phát sinh.
Thứ ba, chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế từ tháng 9 trở đi.
Thứ tư, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, để kế hoạch vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế được hoàn thiện hơn, đáp ứng các điều kiện và tình hình có dịch.
Cuối cùng, TP tiếp tục mở rộng thí điểm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của nhân dân và DN, ví dụ sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm; các dịch vụ giao hàng, vận tải, tài chính, ngân hàng, dịch vụ công ích.
Tuy nhiên, thí điểm mở rộng phải tuyệt đối an toàn, tinh thần là bảo đảm sức khỏe cho người dân là cao nhất.
Xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch
Ông Mãi cho biết thêm, dịch còn diễn biến dài, phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch. Do đó, sinh hoạt và các hoạt động cũng phải diễn ra trong bối cảnh có dịch.
Do vậy, phải hài hòa giữa giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế.
Đường phố TP.HCM trước giờ siết chặt giãn cách hồi tháng 8. Ảnh: Thanh Tùng |
TP phải chuẩn bị các điều kiện an toàn, tiếp cận với góc độ có các chỉ số đo lường, ví dụ khả năng chống chịu và hệ thống y tế và theo dõi tỷ lệ nhiễm để xác định F0, sớm tiếp cận, điều trị, ngăn ngừa sự lây lan.
Ngành y tế sẽ theo dõi, đo lường và cập nhật thường xuyên. Và chuyện nới lỏng hay giãn cách cũng phụ thuộc vào việc theo dõi hàng ngày này.
Việc sinh hoạt của người dân, dựa trên các bộ tiêu chí an toàn cho các lĩnh vực an toàn, hoạt động an toàn, như: người an toàn, hoạt động an toàn và một trong những thành phần của bộ tiêu chí là thẻ xanh Covid-19.
Dựa vào điều kiện tiêm chủng, hay xét nghiệm và các tiêu chí khác như 5K, 3T… để có sự điều chỉnh.
Sự an toàn cũng được đánh giá theo địa bàn, khi có tiến triển tích cực thì mở rộng hoạt động, còn ngược lại sẽ có điều chỉnh giữa giãn cách và sinh hoạt.
“Chúng tôi dựa theo tiêu chí an toàn để mở”- ông Mãi khẳng định.
Cũng theo ông Mãi, ở các địa phương cơ bản kiểm soát khi mở hoạt động có sự di chuyển qua lại, làm sao bảo đảm an toàn… thì cũng dựa vào các tiêu chí, có cơ chế, công cụ giám sát.
Ông Mãi cũng cho rằng, để sống trong điều kiện có dịch, người dân nên chuẩn bị cho mình tâm thế tự bảo vệ bản thân mình, ngoài những việc mà TP đang triển khai.
Tính toán gói hỗ trợ an sinh mới
Về chăm lo an sinh, ông Mãi thông tin, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Như Thủ tướng nói "ai ở đâu ở đó thì phải đáp ứng an sinh cho người dân". Đây là mục tiêu và mệnh lệnh mà TP phải thực hiện tốt.
TP.HCM tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ và túi an sinh đến người dân gặp khó khăn. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo ông, thời gian qua TP có các gói hỗ trợ nhưng cũng không đủ,vì phát sinh đối tượng mới ngoài danh sách do kéo dài giãn cách thì người khó khăn càng tăng.
Nhưng cũng có sự chủ quan từ việc rà soát chưa đầy đủ, đây là khuyết điểm của chính quyền mà ông đã có lời xin lỗi và nhận khuyết điểm ở livestream.
Như vậy, TP đang tính toán cho gói hỗ trợ mới, khẩn trương rà soát, lập danh sách ai gặp khó khăn để hỗ trợ.
Vừa qua, 312 xã, phường đã rà soát, chiều 12/9, TP đã nhận được và đang tổng hợp lại, rà soát cho chính xác và đảm bảo đầy đủ nhất để không sót nhiều. Trong quá trình thực hiện, nếu sót thì tiếp tục bổ sung.
Thứ hai, TP cũng cấp gạo theo hỗ trợ của Chính phủ, đến nay cấp hơn 14 ngàn tấn đợt một.
Thứ ba, cung cấp các túi an sinh thực phẩm thiết yếu, hơn 1,8 triệu túi đã được cấp cho bà con. Đó là các gói hỗ trợ cho bà con, quá trình thực hiện còn hạn chế chủ quan, như rà soát không đầy đủ, đó là thực hiện chậm, sai đối tượng, không đúng đối tượng ban đầu. TP đã kịp thời điều chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ông Mãi nói thêm, đến nay cơ bản thực hiện xong hai gói hỗ trợ thì vẫn còn rất nhiều người khó khăn, TP khẩn trương thực hiện gói ba để bà con đáp ứng được cuộc sống tối thiểu nhất trong thời gian giãn cách.
Tung gói kích cầu phục hồi sản xuất
Về hỗ trợ DN, theo ông Mãi, hỗ trợ lao động cũng là hỗ trợ DN. Hiện nay, một số DN thu hẹp sản xuất, ba tại chỗ, 1 cung đường-hai điểm đến… TP đang tập hợp các kiến nghị của các DN để một phần đề xuất với Trung ương về thuế, phí, tín dụng, lãi suất, bảo hiểm.
Còn TP sẽ tung ra gói kích cầu phục hồi sản xuất. Việc hỗ trợ thuê mướn mặt bằng, thuê lao động, đào tạo lại lao động… TP đang tập hợp lại, sớm nghiên cứu ban hành.
TP xác định, sức mạnh của DN cũng là sức mạnh của TP, nên hỗ trợ và đồng hành cùng DN là mục tiêu của TP trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Kỳ vọng tiếp tục giảm số ca tử vong
Về y tế, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian bùng phát dịch, số lượng ca mắc rất lớn, ngoài dự đoán thành ra rất nhiều trường hợp chưa được tiếp cận y tế để xét nghiệm theo quy định.
Vừa qua, Bộ Y tế cho phép xét nghiệm tại nhà, chăm sóc F0 tại nhà rất phù hợp, đi đôi là cấp thuốc tại nhà, hỗ trợ y tế tại nhà.
Các quận, huyện đều cho rằng mô hình này rất tốt, phù hợp.
TP cũng phát hiện một số trường hợp tự làm xét nghiệm tại nhà, không có triệu chứng nữa nhưng không báo y tế để cấp chứng nhận. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu làm sao có giải pháp phù hợp cho việc này.
Về thẻ xanh, ông Thượng khẳng định, có thẻ xanh thì cần phải 5K, cộng với xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bởi mỗi người vẫn có thể mang virus trong người, có thể lây bệnh cho người khác. Do đó, có thẻ xanh rồi vẫn phải 5K và xét nghiệm theo quy định.
Về tiêu chí trọng tâm nào theo hướng dẫn của Bộ Y tế mà TP chưa đạt được, ông Thượng cho biết, tiêu chí mà TP chưa đạt được là số ca mắc, hiện vẫn dao động từ 5.000-6.000ca/ngày, nên chưa thể kiểm soát dịch.
Số ca tử vong đã giảm, nhưng vẫn chưa ổn định và chưa hạ đến mức đạt tiêu chí. Theo dõi ba tuần số tử vong giảm liên tục, nên TP đang kỳ vọng tiếp tục giảm.
TP luôn nỗ lực để có thể đạt các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thêm thời gian, bền vững thì mở cửa dần
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet: kéo dài giãn cách thêm hai tuần, TP có tự tin kiểm soát được dịch hay không? Chủ tịch TP Phan Văn Mãi, cho biết: "Nguy cơ bùng phát khi mở cửa, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều quốc gia phát triển hơn chúng ta, có điều kiện tốt hơn, do kéo dài giãn cách lâu nên họ cũng mở cửa.
Nhưng với chủng Delta thì nó phá vỡ mọi kế hoạch. Do đó, chúng tôi biết sức ép tới 15/9 là rất lớn. Mong muốn của chúng tôi cũng như người dân, DN được mở ra các hoạt động ít nhất có thể".
Theo ông Mãi, do kết quả chưa đạt tiêu chí, để thận trọng, cần thêm thời gian nữa, khi bền vững thì mở cửa dần.
"Chúng tôi thấu hiểu, nhưng vì sự cân nhắc nên kéo dài thêm thời gian giãn cách, mong bà con đồng cam, cộng khổ cùng nhau thêm thời gian để ổn định, tự tin hơn khi mở cửa", Chủ tịch TP bày tỏ.
Ông Mãi cho biết, từ đây đến cuối tháng, ở đâu an toàn thì mở cửa tới đó, không thể nói đến cuối tháng 9 là ổn định, là mở cửa…
Hồ Văn
>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất
TP.HCM chưa áp dụng 'thẻ xanh, thẻ vàng Covid' sau 15/9
TP.HCM đang nghiên cứu cơ chế cấp "thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19" nhưng sau 15/9 thành phố chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội để áp dụng thẻ này.