- 221 xã viên là những hộ trực tiếp trồng cây giống trên địa bàn xã có quy mô canh tác, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí tỷ đồng mỗi năm.

1.000 tỷ đồng hỗ trợ hợp tác xã kiểu mới

Mở tủ lạnh trong nhà lôi ra chiếc hộp nhựa trắng tận dụng lại hộp đựng kẹo, bên trong có những miếng sầu riêng vàng óng, thơm phức đã cứng đá, ông Nguyễn Văn Khanh khoe trái trồng từ giống cây do chính tay mình lai ghép và trồng lớn.

Ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre này, ông Khanh có vườn giống cây sầu riêng đắt hàng, có tiếng với nhiều khách hàng ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Khanh bên luống cây giống sầu riêng đặt hàng của khách ngoại tỉnh

Cái tiếng cũng ít nhiều từ cả thương hiệu của một người trong dòng họ là cụ "Chín Hóa", người mà ông Khanh gọi là chú. Tên cụ Chín Hóa trở thành thương hiệu sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép nổi tiếng khắp cả nước. Nhà cụ cũng có vườn cây giống riêng rộng hơn 1,5ha ở Vĩnh Thành.

Ông Khanh có diện tích cây giống khiêm tốn hơn ông chú Chín Hóa, khoảng hơn 5.000 mét vuông trồng cây giống, trong đó nhiều nhất cây sầu riêng. Năm nay giống sầu riêng hút hàng, ông có đơn đặt 40 nghìn cây xuất đi tỉnh. Chỉ một đơn hàng như vậy cũng đủ mệt cho một năm, mà ở xứ này, người dân nói chỉ cần bán được 600 cây/vụ là giỏi.

Từ nông dân đi làm vườn thuê, không đồng vốn dắt lưng, giờ đây thu nhập của ông Khanh có năm kiếm được 1 tỷ đồng, trừ các khoản vốn đầu tư, ông thu về khoảng 600 triệu đồng. Thu nhập ổn định hàng năm là vài trăm triệu.

Trường hợp như ông Khanh rất phổ biến trong HTX cây giống, hoa kiểng Cái Mơn ở ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Ra đời cách đây 19 năm, HTX này đến nay có 221 xã viên là những hộ trực tiếp trồng cây giống trên địa bàn xã và cũng là HTX đầu tiên của tỉnh làm nông nghiệp liên kết các hộ nông dân trồng cây giống, hoa kiểng.

{keywords}

Chủ nhiệm HTX Cái Mơn Dương Văn Huyền với các chứng nhận nhãn hiệu tập thể cây giống, hoa kiểng

Thương hiệu tập thể

Trong nhà cấp 4 lợp mái tôn xi măng là trụ sở của HTX Cái Mơn, phòng chủ nhiệm của ông Dương Văn Huyền treo đầy các khung giấy chứng nhận thương hiệu cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, độc quyền nhãn hiệu tập thể, đến các bằng bảo hộ nhãn hiệu sở hữu trí tuệ của các cấp ngành, tỉnh, các loại bằng khen về hoạt động sản xuất nông nghiệp thành công của HTX.

Địa danh Cái Mơn đã được sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước, hiện là ngành kinh tế mũi nhọn và là thế mạnh của địa phương. HTX đã rất nhanh nhạy khi chọn tên địa danh này cho nhãn hiệu đăng ký độc quyền các loại cây giống, hoa kiểng.

Nhưng câu chuyện khởi nghiệp cách đây 19 năm đã không dễ dàng.

Vốn điều lệ là cú ngã đầu tiên khi HTX manh nha hoạt động từ 1996. Ông Huyền kể, năm đó, kỳ vọng vay ngân hàng 200 triệu đồng để dựng lên bộ khung hoạt động tổ chức sản xuất của HTX tiêu tan khi gõ cửa ngân hàng, họ chỉ có những con số 0: không tài sản thế chấp, không sản phẩm minh chứng, không nhãn hiệu, không tư cách pháp nhân đủ mạnh nên không thể là đối tác thực sự của các ngân hàng, dù muốn vay theo chính sách ưu đãi của nhà nước.

{keywords}

Xã Vĩnh Thành có truyền thống trồng cây giống, hoa kiểng. Hầu hết các nông hộ sống bằng nghề này

Điều kiện để được vay vốn đó là thế chấp tài sản của các xã viên. Nhưng với các hộ nghèo, điều đó quá rủi ro và xa xỉ. Họ đã xoay xở theo hướng mượn 53 xã viên đầu tiên mỗi người 50 nghìn đồng để làm cơ sở. 2 triệu 650 nghìn đồng là khoản tiền khởi nghiệp tập thể đầu tiên duy nhất. Bây giờ, 221 xã viên trong HTX đã đóng góp vốn lên đến 1 triệu đồng/hộ.

Ông Bảy Sâm, một xã viên từng tham gia ban kiểm soát HTX thời kỳ đầu thành lập kể, lúc đó, cơ sở vật chất của HTX thiếu thốn, không có đất làm kho xưởng, nhà trồng cây giống mẫu, bảo quản giống. Họ mượn tạm được một phòng nhỏ ở nhà thờ Cái Mơn trong ấp làm văn phòng. Ngày nay, họ đã có thể thuê đất làm trụ sở rộng 1.000 mét vuông chủ yếu dùng trồng cấy giống mẫu và dựng tạm một căn nhà cấp 4 nhỏ để làm chỗ giao dịch.

Năm 2004 là một năm dấu mốc khi có dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cái Mơn” cho sản phẩm giống cây trồng của HTX do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre chủ trì thực hiện.

Đến tháng 4 năm này, nhãn hiệu Cái Mơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho HTX Cái Mơn. Mọi nguyên liệu sản xuất cây giống cũng được giám định chặt chẽ, cây đầu dòng do cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, gốc ghép, mắt ghép, cành ghép do tổ kỹ thuật HTX kiểm tra. Nhãn hiệu cây giống Cái Mơn trở thành thương hiệu của HTX, hoạch định giá trị chất lượng sản phẩm đầu ra có tính cạnh tranh.

{keywords}

Qua HTX, các nông dân liên kết với nhau tìm đầu ra cho thương hiệu

Giống một số HTX ở các địa phương khác, HTX ở Cái Mơn đã khởi nghiệp theo nguyên tắc "tự nguyện" của xã viên, không buộc xã viên phải là người làm công, được trả công và chia lãi theo vốn góp trong khi HTX điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trái lại, họ tổ chức mô hình đảm bảo các xã viên vẫn tiếp tục là các hộ sản xuất cá thể, trực tiếp canh tác, thu hoạch trên ruộng đất của mình, song vẫn thông qua HTX để cung cấp các yếu tố đầu vào như mua phân bón, giống cây, thuốc bảo vệ thực vật số lượng lớn theo tập thể giá mềm hơn mua lẻ.

HTX hỗ trợ sửa chữa máy móc, trang bị kiến thức sản xuất canh tác, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng mắt ghép cây giống, theo dõi cây giống khi có lá đảm bảo chất lượng xuất vườn rồi dán tem nhãn thương hiệu của HTX...

Đặc biệt, quan trọng nhất là khâu lo đầu ra cho sản phẩm giúp các xã viên. HTX này hiện có 4 đại lý ở Hà Nội, nhiều đại lý trải khắp miền Trung và Đông Nam Bộ. Như thế đảm bảo mỗi xã viên có cả hai kênh tiêu thụ đầu ra: vừa trực tiếp bán, vừa tiêu thụ sản phẩm qua HTX. Nếu xã viên bán cây giống thì HTX chịu trách nhiệm pháp lý trong việc kiểm tra, giám sát và bấm tem nhãn hiệu hàng hóa.

"Tùy từng xã viên mà tỉ lệ bán thông qua HTX hoặc tự trực tiếp tiêu thụ khác nhau, có thể 50/50, hoặc 30/70" - ông Huyền cho hay.

Một xã viên có thâm niên làm nghề bằng tuổi đời HTX, ông Ngô Tuấn Kiệt, một chủ vườn cây giống ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành cho hay bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất cây giống của ông trồng khoảng 70.000 cây giống các loại thì HTX giúp tiêu thụ khoảng 50%.

Cho đến nay, thành công lớn nhất của HTX này, đó là gây dựng một thương hiệu tập thể về cây giống, hoa kiểng. Theo ông Huyền, nếu như tại miền Đông, các trang trại rất chuộng các cây giống sầu riêng của HTX Cái Mơn thì hiện nay, phía Bắc rất mê các giống mít Thái được ghép từ các xã viên của HTX này.

Hiện họ sở hữu trên 40 loại cây giống và 20 loại hoa kiểng. Chủng loại cây giống và hoa kiểng mới lạ thường xuyên bổ sung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt trên 1 triệu giống cây ăn trái các loại trên khắp các tỉnh, thành cả nước.

{keywords}

Thoát nghèo nhờ cây nhưng tiền có họ lại bỏ vào cây giống

Cạnh tranh

Ông Huyền nheo mắt chỉ tay ra con đường trải nhựa phẳng lì chạy ngang mặt tiền trụ sở HTX cây giống, hoa kiểng Cái Mơn ở ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

"Nhiều năm trước, con đường này xóc đầy sỏi, ổ gà, đi ra đến Bến Tre ê ẩm hết người" - ông kể. Nhưng con đường nhựa mới giờ trở thành đường huyết mạch, dọc hai bên kín đặc các cơ sở kinh doanh cây giống, hoa kiểng của nông dân giống kiểu phố trung tâm thành phố lớn.

Và có đường lớn, ắt có đường nhỏ bắt nối. Những đường ngách trong từng ấp dẫn tận vào khu dân cư vốn bé tí lở loét đất trộn xỏi đá đến mức đi xe đạp cũng dễ ngã thì giờ đây đã được trải nhựa, nới rộng để những chiếc xe tải mini có thể vào tận nơi xếp cây giống đàng hoàng chạy thẳng ra chợ hay đầu mối bỏ hàng.

Nhưng nguyên tắc thị trường khi người bán càng đông thì càng phức tạp, cạnh tranh càng khó. Ở vùng đất này, thiên nhiên ưu đãi cây trồng quanh năm chỉ tưới nước ngọt tự nhiên, không có nước lũ, nước mặn xâm nhập.

"Thoát nghèo" đã không còn là mơ ước mà là sự thực với rất đông người dân ở vùng này. Nhưng vấn đề khó khăn hiện nay không phải kỹ thuật cây giống khi những người nông dân sống, thở cùng cây rành đến độ có thể nhắm mắt sờ lá cũng biết rõ chất lượng, chủng loại.

Ông chủ nhiệm vẫn nhớ rằng, đã từng có 5 HTX về nông nghiệp ra đời ở Bến Tre thì nay giải thể 2 vì không đi được đường dài, còn lại 2 cái giậm chân và HTX Cái Mơn cũng đang đứng trước những khó khăn mới xuất hiện.

Còn ông Bảy Sâm kể, chuyện thật như đùa là có những người mua cây ở Tây Nguyên lầm tưởng cái mác nhãn hiệu HTX treo ở gốc cây là "lá bùa" (theo nghĩa đen).

"Thị trường đang ngày càng phức tạp" - Chủ nhiệm HTX Cái Mơn tiếp lời. Có những cái khó mới mà 19 năm nghiệp làm HTX, chưa lúc nào ông Huyền thấy nản đến vậy.

Dường như ngay chính trong HTX, các xã viên dù tiêu thụ cả hai kênh nhưng họ vẫn coi mác tem HTX mang nghĩa "lá bùa" (theo nghĩa bóng).

Xuân Linh - Ảnh: Tuấn Kiệt

Tiếp: 'Lá bùa' của người 'đoán giống cây như vô sòng bạc'