Lời tòa soạn: Không gian mạng dần dần đã không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, trên đó giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu rếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau…
Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.
Báo VietNamNet triển khai loạt bài có chủ đề "Dọn sạch không gian mạng" với mong muốn nêu ra những thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em chúng ta đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật.

Ranh giới giữa quyền cá nhân và vi phạm pháp luật

Sử dụng mạng xã hội thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân là điều pháp luật không cấm. Mọi người có quyền bày tỏ chính kiến, đề xuất nguyện vọng hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong đời sống.

Nhưng sử dụng mạng xã hội thế nào để không vi phạm pháp luật, đâu là ranh giới của tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật, không phải ai cũng biết.

Việc livestream “bóc phốt” nhiều người nổi tiếng đã trở thành một “hiện tượng mạng” trong thời gian vừa qua.

Ông H., người đứng đầu một đơn vị thực thi pháp luật trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội nêu điểm tích cực mà nữ doanh nhân livestream “bóc phốt”, đó là đã chỉ ra được một số vấn đề thuộc mặt trái của xã hội.

Những thông tin đó có thể được coi là phản ánh của quần chúng, giống như một kênh thông tin.

Tuy nhiên, trong trường hợp người livestream công bố thông tin sai sự thật, họ phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Nếu nói mà không có bằng chứng, những người bị đề cập có thể khởi kiện với tư cách là nạn nhân, hành vi tới đâu xử lý tới đó. 

Về việc tham gia mạng xã hội nói chung, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh chia sẻ: Chúng ta dễ dàng xem, nghe, đọc được các video clip, các bài viết, câu bình luận có nội dung xâm phạm đến đời tư, đến lòng tự trọng của nhau. 

Việc này không chỉ xuất phát từ những người dân bình thường, mà còn từ cả những người có ảnh hưởng trong xã hội.

Điều này chứng tỏ, nhiều người đã không nhận thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân khi tham gia môi trường mạng.

{keywords}
Luật sư Giang Hồng Thanh
 

 

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm khi livestream vượt quá giới hạn đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để mọi người hiểu về trách nhiệm của mình thì còn chưa được triển khai đúng mức.

Trong vài năm trở lại đây, các Luật sư Hà Nội phối hợp với nhiều trường THPT, THCS trên địa bàn Hà Nội tổ chức các buổi phổ biến, trao đổi về Luật An ninh mạng, những việc được làm và không được làm khi sử dụng mạng xã hội, mạng internet… cho học sinh.

“Quá trình giao lưu với học sinh, chúng tôi nhận thấy đa số các em còn mù mờ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, chỉ nghĩ đơn giản rằng mình có thể nói năng tùy thích, hành động tùy nhu cầu, mà không cần quan tâm đến cảm xúc người khác. Như vậy ranh giới vi phạm pháp luật là rất mong manh”, lời ông Giang Hồng Thanh.

Luật nghiêm cấm xúc phạm danh sự, thông tin sai sự thật

Theo Luật An ninh mạng, một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia không gian mạng là xúc phạm nghiêm trọng hoặc đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, người vi phạm tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng.

Thậm chí, người vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hoặc để lại hậu quả lớn còn có thể bị xử lý hình sự về một số tội danh như “Làm nhục người khác”, “Vu khống”…

Bên cạnh việc bị xử phạt, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại nếu như người bị xúc phạm yêu cầu, khởi kiện.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, pháp luật vẫn còn kẽ hở khiến việc xử lý vi phạm gặp khó. Hiện luật chưa quy định cấm và xử phạt những hành vi thiếu văn minh, văn hóa, nhưng lại không nhằm trực tiếp vào một đối tượng cụ thể nào.

Chẳng hạn như có nhiều người chửi rủa, nói năng bằng những ngôn ngữ tục tĩu hoặc có hành động vô cùng phản cảm để công kích một cá nhân ngoài đời.

Tuy nhiên họ biết cách để tránh không đề cập trực tiếp đến tên người bị nhắm tới. Do vậy, không thể áp dụng chế tài đối với những người này, dù tác động xấu từ hành vi của họ đối với xã hội là không nhỏ.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Hoàng Minh Hiển, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, một trong những hành vi khá phổ biến trong ứng xử trên không gian mạng có thể liệt kê là vu khống, làm nhục người khác; đưa tin giả, xuyên tạc, gây mâu thuẫn xã hội, không hợp thuần phong mỹ tục.

Theo ông Hiển, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội là tình tiết định khung tại Điểm e khoản 2  Điều 155.

{keywords}
Luật sư Hoàng Minh Hiển

Tội làm nhục người khác có quy định phạt tù người phạm tội từ 3 tháng- 2 năm. Điểm e khoản 2 Điều 156 tội Vu khống có quy định bị phạt tù người phạm tội từ 1- 3 năm.

Để hoạt động trên không gian mạng mà không vô tình trở thành người vi phạm pháp luật, theo luật sư Hiển, mỗi cá nhân trước tiên phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về lưu trữ thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân;

Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhắc đến trường hợp nữ doanh nhân livestream “bóc phốt” nhiều người nổi tiếng, luật sư Hoàng Minh Hiển bày tỏ quan điểm: Cần đánh giá ở hai khía cạnh. Mặt tích cực, nhờ có việc “bóc phốt” này, việc làm sai trái của ai đó được phơi bày.

Những người nắm được các thông tin về việc làm sai trái của người khác tốt hơn nên trao đổi trực tiếp với người có hành vi sai trái, hoặc gửi đơn đến các cơ quan chức năng làm rõ. Và dù vạch trần sự thật theo hình thức nào đi chăng nữa, việc làm sai trái phải được làm rõ.

Ông Hiển cho rằng, ứng xử trên không gian mạng cần phù hợp với tập quán, pháp luật, có lý, có tình, thân thiện, tạo môi trường mạng lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng quyền riêng tư của nhau.

Rác mạng: Từ livestream chửi nhau đến đánh, bắn nhau ngoài đời

Rác mạng: Từ livestream chửi nhau đến đánh, bắn nhau ngoài đời

Những buổi livestream nghìn like với đủ bình luận kích động khiến không ít giang hồ mạng ảo tưởng, từ thỏa sức chửi rủa, nhục mạ người khác đến manh động hẹn nhau quyết chiến, thậm chí bắn nhau ngoài đời. 

T.Nhung