Đây là thông điệp được lãnh đạo các Bộ TT&TT, Y Tế và Công an thống nhất tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, quán triệt một số nội dung về công tác tiêm chủng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư chiều nay (16/10).

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì.

Ba nền tảng công nghệ liên thông kết nối từ 20/10

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa nêu rõ ý kiến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc sử dụng các nền tảng công nghệ phòng chống dịch. Theo đó, PC-Covid sẽ là nền tảng duy nhất phòng chống, dịch. Sau khi dịch bệnh kết thúc, nền tảng này sẽ được xem xét duy trì hoặc chuyển đổi. Song song với PC-Covid, ứng dụng VNEID (do Bộ công an chủ trì) và Sổ Sức khỏe điện tử (do Bộ Y tế chủ trì) sẽ được sử dụng lâu dài phục vụ cho người dân.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, tiêm chủng hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, do đó, cần giải được bài toán quản lý tiêm chủng để không còn những tồn tại như trong thời gian qua.

“Hiện chúng ta đã tiêm được 61 triệu mũi tiêm chủng Covid-19. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là phải định danh, xác thực, thông tin đã chính xác. Mục tiêu là làm sao có thể xác thực được các thông tin của người tiêm chủng để phục vụ cho phòng chống dịch bệnh, đi lại, lưu thông hay tham gia các hoạt động”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh với các địa phương, trách nhiệm xác thực thông tin thuộc về cấp cơ sở, bởi chỉ cấp cơ sở mới có thể đảm bảo độ chính xác dữ liệu tiêm chủng của người dân.

Theo dự kiến, đến 20/10, 3 nền tảng này sẽ được kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với nhau. Chia sẻ cụ thể về kế hoạch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: Ba Bộ Y tế, TT&TT, Công an đã thống nhất từ ngày 20/10, các cơ sở tiêm đều phải thực hiện trên nền tảng từ khâu lập kế hoạch – tiêm – in và cấp chứng chỉ tiêm, để đảm bảo dữ liệu được chính xác. Đối với các dữ liệu đã có trước đây, khi chưa đối soát thì người dân có thể phản ánh các thông tin sai, chưa chính xác trên Cổng tiêm chủng quốc gia trước ngày 25/10. Sau 25/10 nếu có sai sót, người dân có thể phản ánh với cơ sở mà mình đã tiêm.

Liên thông dữ liệu cho phòng chống dịch: “Khó mấy cũng phải làm”

Theo kế hoạch được liên bộ xây dựng, mục tiêu là phục vụ xác thực thông tin cá nhân của người được tiêm vắc xin Covid-19 thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về tiêm chủng với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương cần thực hiện gồm: Xác minh các thông tin cá nhân còn thiếu, không đúng với thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xác thực và cập nhật thông tin cá nhân đã (được xác minh) trên nền tảng; Xác nhận giá trị pháp lý của dữ liệu kết quả tiêm chủng (đã được xác minh thông tin); Đồng thời tuyên truyền để các cá nhân, cán bộ y tế nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện.

Tại các địa phương, Y tế và Công an sẽ là hai lực lượng chịu trách nhiệm phối hợp để đối chiếu, xác thực thông tin công dân đã tiêm vắc xin và tiến hành cập nhật trên hệ thống.

Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện ba Bộ thống nhất lấy căn cước công dân sử dụng chip điện tử có gắn mã QR Code để thống nhất dữ liệu căn cước công dân với dữ liệu tiêm chủng và F0 khỏi bệnh, để đảm bảo cuộc sống mới cho người dân.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc

Ông Ngọc cũng đề nghị lực lượng công an tại các địa phương tiếp tục thu thập dữ liệu của cư dân đảm bảo đúng, đủ, sạch. Đảm bảo danh sách những người đã tiêm vắc xin, F0 khỏi bệnh theo danh sách trưởng trạm y tế nhận về, để phân công cho cảnh sát khu vực rà soát lại để đảm bảo độ chính xác.

Trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn còn dịch bệnh, làn sóng dân cư di chuyển, xảy ra thiên tai, đây là việc vô cùng khó khăn vất vả. “Lực lượng công an từ cấp Bộ đến cấp xã sẽ chấp hành vô điều kiện; Thực hiện một cách nhanh nhất, bảo đảm kết quả nhất. Tinh thần là làm đến đâu gọn đến đó, đúng đến đó và hoàn thành nhanh nhất”, ông Ngọc nói.

Đại diện nhiều địa phương chia sẻ, trong quá trình tiêm chủng vẫn có tình trạng dữ liệu các mũi tiêm thấp hơn trong thực tế, do ở nhiều nơi chưa triển khai trên nền tảng, nên có độ trễ trong việc nhập liệu. Một khó khăn khác là thiếu trang thiết bị để thực hiện nhập liệu, hay biến động dân cư lớn cũng ảnh hưởng đến việc địa phương hoàn thành dữ liệu tiêm chủng.

{keywords}
Hội nghị trực tuyến đến nhiều điểm cầu

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm, các địa phương cần gấp rút triển khai ngay, không chờ kế hoạch của Trung ương, vì Sổ sức khỏe điện tử đã được sử dụng ở tất cả các địa bàn. “Các cơ sở phải sử dụng bắt buộc từ ngày hôm nay để cập nhật vào hệ thống. Phải rà soát, xác thực ngay thông tin ở cơ sở và phải làm hàng ngày”, ông Long nói.

“Dùng công nghệ trong chống dịch không thể nửa vời”

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dùng phần mềm là thay đổi một thói quen, mà thay đổi thói quen thì không dễ. Người sử dụng là các cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng chắc chắn sẽ bỡ ngỡ, sẽ muốn làm bằng giấy như cũ, nhưng chỉ sau một vài ngày là sẽ quen, sẽ thấy tiện lợi. Do đó, sự hỗ trợ triển khai của Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an, các Sở Y tế, TT&TT, Công an và của Công ty phát triển phần mềm là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

“Người dân sẽ là người thấy được tiện ích lớn nhất, từ đăng ký tiêm, đến trả kết quả, đến dùng kết quả tiêm để đi lại theo qui định của Bộ Y tế. Và đây mới là mục tiêu cuối cùng của chúng ta”, Bộ trưởng nói.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, người sử dụng quyết định tới 80% thành công của nền tảng số. Bởi vì, các công nghệ hiện nay đã sẵn sàng để đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người sử dụng. Chỉ cần người sử dụng đặt rõ bài toán. Bởi vậy quyết tâm sử dụng công nghệ của ngành Y tế vẫn là quan trọng nhất, mang tính quyết định.

Trong sử dụng nền tảng số toàn quốc thì điều tối kỵ là, lúc dùng trong hệ thống lúc dùng ngoài hệ thống. Bộ trưởng cho rằng đây là thói quen từ thời CNTT và nó hoàn toàn không hợp với thời công nghệ số. "Đây là điều tôi rất và rất muốn nhấn mạnh với anh Long Bộ Y tế và với ngành Y tế. Nếu muốn hiệu quả thì phải dùng bắt buộc, 100% phải được dùng trong hệ thống, không cập nhật lên hệ thống thì kết quả không được chấp nhận, không được sử dụng cho các mục đích khác. Không thể nửa vời được! Nửa vời thì không hiệu quả, người dân không được hưởng lợi từ ứng dụng công nghệ mà sẽ vô cùng tốn kém tiền của, công sức của các doanh nghiệp, cán bộ y tế và người dân. Nửa vời thì tốt nhất là không làm ngay từ đầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

"Từ giờ đến 20/10/2021, nền tảng có thể bị chậm, vì chúng ta phải đánh giá, kiện toàn tăng cường về an toàn, an ninh mạng. Nhưng sau đó, ngành Y tế sẽ dùng bắt buộc 100%, in 100% chứng nhận tiêm chủng từ nền tảng, 100% sử dụng số liệu của nền tảng thay cho số liệu thống kê thủ công theo cách truyền thống. Chỉ có như vậy, chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề sai, vấn đề thiếu dữ liệu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài: Duy Vũ

Ảnh: Minh Đức