Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền Thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về Hội nhập quốc tế và UNESCO, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm cập nhật các vấn đề mới, các thông tin chuyên sâu, các nội dung trọng tâm, tác động liên quan và định hướng của hoạt động hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới cho phóng viên của các cơ quan Thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Hội nghị. 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: "Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về công tác thông tin tuyên truyền nhiều mảng, trong đó có hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO. Hiện nay Bộ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền, quảng bá ASEAN và là cơ quan chủ trì Tiểu ban Thông tin thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO. Theo đó, Bộ đã bước đầu xây dựng mạng lưới các phóng viên chuyên trách về các chủ đề trên với mục đích kết nối nhóm phóng viên này với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, để cung cấp thông tin chuyên sâu, truyền tải đến công chúng cả nước”. 

“Theo chương trình, các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động về hội nhập, ASEAN và UNESCO. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chưa được làm thường xuyên, đầy đủ" - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết thêm.

Phát biểu về định hướng công tác tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoan 2019-2020, Tiến sĩ Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2019, các cơ quan chức năng bám sát vào các hoạt động theo chủ đề nước Chủ tịch ASEAN năm 2019 (Thái Lan) đưa ra là: "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” và chủ đề của Việt Nam sẽ đưa ra năm 2020". 

Theo đó, cách thức thực hiện là: Tạo mạch tuyên truyền xuyên suốt, thường xuyên, liên tục tới các địa phương, ưu tiên tuyên truyền về các vấn đề cụ thể, thực chất, có lợi ích thiết thực cho người dân; đưa ra các sáng kiến truyền thông đi vào khu vực chuẩn bị cho năm Chủ tịch 2020.

Mục tiêu tuyên truyền nhằm tập trung mạnh mẽ, thể hiện dòng chảy chính của công tác hội nhập ASEAN, góp phần nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận, niềm tin của xã hội và sự ủng hộ của người dân, dư luận cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. 

Tiến sĩ Phan Thảo Nguyên cũng cho biết: “Mức độ tuyên truyền cần được ưu tiên trong năm 2019, 2020, đặc biệt là trong tháng ASEAN (tháng 8) và Tuần ASEAN (28/7 - 8/8). Đối tượng ưu tiên tuyên truyền là các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề xuất khẩu tại các địa phương và giới trẻ. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan báo chí là đẩy mạnh tuyên truyền về ASEAN trên tất cả các loại hình; chia sẻ tin, bài, ảnh, tài liệu, video, audio... lên cơ sở dữ liệu chung và khai thác tuyên truyền ASEAN thường xuyên, liên tục”. 

Theo Tiến sĩ Phan Thảo Nguyên, công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 của Việt Nam cũng đang được thực hiện. Đây là cơ hội để Việt Nam được đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu lợi ích chung. Đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN 2020 chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực, đáp ứng sự tin tưởng của các nước thành viên và đối tác.

Tại hội nghị, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí cũng được lắng nghe các thông tin về “cập nhật tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định tự do của Việt Nam”; “một số hoạt động trọng tâm của UBQG UNESCO Việt Nam trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới”; “các hoạt động chính của Tiểu ban Giáo dục – UBQG UNESCO giai đoạn 2019 – 2020”; “hoạt động mạng lưới công viên địa chất của Việt Nam trong tình hình hiện nay”.

Ông Mai Phan Dũng, Quyền Vụ trưởng, Vụ ngoại giao văn hoá và UNESCO - Bộ ngoại giao đưa ra những phương hướng trọng tâm của UBQG UNESCO trong năm 2019 như: 

Về giáo dục: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ chỉ số giáo dục Việt Nam; Phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kết nối giáo dục Việt Nam với hệ thống giáo dục thế giới;  Lập kế hoạch hành động triển khai và giám sát việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 4 về giáo dục đến năm 2030, trong đó thực hiện một hội thảo tham vấn quốc gia để phân tích các chỉ tiêu; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức của Liên hợp quốc nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong các công tác nâng cao chất lượng cuộc sống cho nữ giáo viên, nâng cao tầm vóc, thể lực cho học sinh góp phần phát triển giáo dục toàn diện, khắc phục hạn chế bạo lực học đường, nâng cao quản lý giáo dục ở mọi cấp và trình độ đào tạo từ mầm non đến đại học.

Về khoa học tự nhiên: Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, phối hợp với IOC UNESCO tổ chức thành công Hội nghị mạng lưới IOC lần thứ 2 Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các hội nghị tập huấn về Quản trị Biển, quy hoạch không gian Biển; tranh thủ thúc đẩy quan hệ Việt Nam và IOC nhằm nâng cao năng lực cho Viện Hải Dương học Việt Nam... Quan tâm triển khai việc xây dựng và phát triển mạng lưới quốc gia Công viên địa chất toàn cầu, tranh thủ chuyên gia quốc tế hình thành kế hoạch phát huy giá trị của các CVĐCTC tại Việt Nam; tích cực vận động UNESCO công nhận hồ sơ CVĐCTC Đắk Nông và triển khai xây dựng một số hồ sơ mới như CVĐCTC Lý Sơn. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế của hai Trung tâm khoa học dạng 2 của Việt Nam.

Về Khoa học xã hội: tổ chức hoạt động quản lý biến đổi xã hội trong phạm vi nhà trường trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình QLBĐXH 2018. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phối hợp xây dựng hồ sơ về các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tư liệu của Việt nam.

Về văn hóa: Tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động của UNESCO, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình danh hiệu, di sản UNESCO, các mô hình phát triển của UNESCO tại địa phương;  Phối hợp, hỗ trợ với các địa phương trong công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận di sản, bảo tồn và quản lý di sản; tập trung vận động hồ sơ “Then: Tày, Nùng, Thái” để UNESCO công nhận là di sqản phi vật thể đại diện nhân loại; chuẩn bị xây dựng và nộp hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” và hồ sơ Xòe Thái; thúc đẩy phát triển Du lịch bền vững;  Tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý di sản thế giới tại Việt Nam (luật, nghị định, quy hoạch di sản, kế hoạch quản lý di sản…); Tiếp tục làm quyết liệt hơn trong công tác xử lý các sai phạm trong quản lý tại các Di sản đặc biệt trong việc chuẩn bị các giải trình về Phong Nha Kẻ Bàng, Tràng An khi UNESCO nhìn nhận vẫn chưa đủ đảm bảo việc bảo tồn các giá trị OUVs.

Về thông tin truyền thông: Tăng cường quảng bá về UNESCO trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chú trọng nâng cao năng lực cho phóng viên đưa tin về công tác, chương trình của UNESCO; hình thành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các Tiểu ban, Ban thư ký với Tiểu ban thông tin. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ, thư viện nghiên cứu về các di sản tư liệu của Việt Nam để xem xét về việc xây dựng hồ sơ.

Tình Lê