Thanh Tra Bộ VHTTDL vừa nhận được đơn kiến nghị của một số người dân phản ánh việc Phủ Vân Cát (Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) treo những tấm biển, bảng không đúng tên gọi di tích trong hồ sơ xếp hạng, gây hiểu lầm trong dư luận.

Theo đơn kiến nghị từ dòng họ Trần Lê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái phản ánh việc Phủ Vân Cát (quần thể di tích Phủ Dầy) đặt các biển, bảng, băng zôn có ghi: “Phủ Dầy - Phủ Chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh”. Việc ghi bảng biển như vậy gây hiểu lầm và hoang mang cho người đi lễ Mẫu bởi lịch sử ghi công nhận di tích lịch sử tại đây chỉ là Phủ Dầy - Phủ Vân Cát, không có chữ "chính" hay "phụ". 

Đơn kiến nghị của dòng họ Trần Lê cũng cho hay, hiện nay dòng họ đang lưu giữ nhiều cuốn gia phả, tư liệu Hán Nôm cổ và 7 đạo sắc phong từ đời vua Lê Chính Hòa (năm 1683) đến đời vua Khải Định (năm 1924); phủ chính Phủ Dầy thuộc thôn Tiên Hương còn lưu giữ 15 đạo sắc phong cho Mẫu và hai cụ thân sinh ra Mẫu (từ năm 1730 đời vua Lê Vĩnh Khánh đến năm 1924 đời vua Khải Định).

Tại Phủ Chính còn lưu giữ đạo sắc phong năm 1763 vua Lê Cảnh Hưng sắc phong cho Mẫu “được thờ phụng ở nơi Chính Phủ” và nhiều đồ thờ, hiện vật như bát nhang, chuông cổ, 4 bia đá cổ từ năm Thành Thái thứ 2 còn ghi là “Phủ Chính Linh Từ”. Ở Phủ Chính cũng còn lưu giữ một số tài liệu và biên bản ghi là “khu vực bất khả xâm phạm của Phủ Chính thuộc thôn Tiên Hương”, “Phủ Chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa”.

Đơn cũng phản ánh việc Phủ Vân Cát cho làm 18 đạo sắc phong mới không đúng với lịch sử và thần phả của các triều đại ban tặng cho Mẫu được lưu tại dòng họ Trần Lê.

{keywords}
Phủ Vân Cát treo biển nhận là Phủ Dày - Phủ Chính Vân Cát.  

Trong đơn dòng họ Trần Lê cũng cho biết thêm, hiện nay các phần mộ chí của dòng họ Trần Lê đều đặt tại thôn Tiên Hương. Ngày 22/7/2009, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác, đại diện là Bảo tàng Nam Định khảo sát những tư liệu Hán Nôm tại nhà thờ dòng họ Trần Lê thuộc thôn Tiên Hương. Đoàn công tác nhận xét: “Toàn bộ tư liệu Hán Nôm đang lưu giữ tại nhà thờ dòng họ Trần Lê gồm 16 tư liệu đều là những tư liệu cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Nội dung của những tư liệu này không chỉ đề cập đến các đời của dòng họ Trần Lê mà còn phản ánh về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Mẫu trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam”.

Ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL) cho biết, Thanh tra Bộ đã có công văn yêu cầu Sở VHTTDL Nam Định làm rõ những thông tin này.  “Sau khi xem xét nội dung đơn và căn cứ các quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ đã chuyển đơn đến Sở VHTTDL tỉnh Nam Định để xem xét, giải quyết”, ông Phạm Xuân Phúc cho hay.  

{keywords}
Tấm biển chỉ dẫn khiến khách thập phương không phân biệt được phủ nào là chính, là phụ ở quần thể di tích Phủ Dầy.

 

Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã cử đoàn kiểm tra, xác minh gồm Thanh tra Sở, BQL Di tích - Danh thắng tỉnh Nam Định và Phòng VHTT huyện Vụ Bản làm việc với thủ nhang Phủ Vân Cát về nội dung đơn phản ánh.

Căn cứ Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/2/1975 của Bộ Văn hóa xếp hạng khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan tại xã Kim Thái, Sở VHTTDL Nam Định yêu cầu Phủ Vân Cát tháo dỡ biển tên chỉ dẫn, băng rôn và các ấn phẩm quảng cáo chưa đúng theo Quyết định 09.

Sở cũng đề nghị UBND huyện Vụ Bản chỉ đạo Phòng VHTT huyện, UBND xã Kim Thái kiểm tra các di tích thuộc Khu Di tích Phủ Dầy và yêu cầu các di tích ghi biển tên theo Quyết định công nhận xếp hạng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện theo Kế hoạch số 400/KH- SVHTTDL ngày 23/5/2018 của Sở về khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy để có báo cáo thống nhất tên gọi cho di tích.

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên VietNamNet, hiện Phủ Vân Cát vẫn treo biển “Phủ Dầy - Phủ Chính Vân Cát, nơi Thánh Mẫu giáng sinh”. Liên hệ với thủ nhang Phủ Vân Cát, ông Trần Văn Cường trả lời cho hay: “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông hạ biển ghi Phủ Dầy là Phủ Chính nhưng ông chưa thực hiện...”. Vì rất nhiều lý do, ông Cường cho hay, chưa có cơ sở nào thẩm định, chưa có nhà khoa học thẩm định sắc phong của của Phủ Vân Cát là thật hay giả nên chưa thể có kết luận gì ở đây. Khi nào có kết luận rõ ràng, ông sẽ thượng tôn pháp luật.

Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết sẽ sớm có văn bản thể hiện quan điểm và chỉ đạo chính thức sau buổi làm việc tiếp theo với Phủ Vân Cát. 

Khu di tích Phủ Dầy (còn ghi là Phủ Dày, Phủ Giày, Phủ Giầy) thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng có giá trị cao về mặt nghệ thuật, gắn liền với việc thờ phụng bà Chúa Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” được dân gian kính cẩn suy tôn.

Quần thể di tích Phủ Dầy còn được xem như “cái nôi”, và là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, gồm: Thiên phủ (miền trời) - Nhạc phủ (miền rừng núi) - Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) cai quản bầu trời, Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) trông coi miền rừng núi, và Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam) trông coi miền sông nước.

Với những giá trị đặc biệt, Phủ Dầy đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  

 

Tình Lê