- “Nhiều khả năng trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ không đưa ngoại cảm trở thành một phương pháp bổ trợ trong việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH Lê Hồng Sơn cho biết.

TIN LIÊN QUAN


Ông Lê Hồng Sơn
Mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi hội thảo Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây thực sự là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội và được dư luận đặc biệt quan tâm bởi lâu nay hoạt động ngoại cảm trong việc tìm mộ diễn ra khá lộn xộn, nhiều “điểm mờ” mà chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý.

Xung quanh việc xem xét có nên đưa ngoại cảm trở thành một phương pháp bổ trợ trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Người có công Lê Hồng Sơn:

Tìm mộ bằng ngoại cảm có độ chính xác dưới 10%

- Thưa ông, hiện có rất nhiều người dân đã đổ công sức, tiền của vào việc tìm hài cốt người thân vì tin theo lời nhà ngoại cảm. Nhưng thực tế những bộ hài cốt này có đúng là người thân của họ hay không thì rất ít được kiểm chứng bằng các phương pháp khoa học. Theo ông đã đến lúc cần phải có những biện pháp hay cơ chế quản lý rõ ràng đối với loại hoạt động này chưa?

Thân nhân liệt sĩ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ qua các nhà ngoại cảm xuất phát từ lòng mong mỏi, tâm nguyện muốn người thân của mình được an nghỉ tại quê nhà. Chính vì vậy không ít gia đình liệt sĩ đã tốn kém tiền của, công sức đi cất bốc hài cốt theo sự chỉ dẫn của cơ sở ngoại cảm. Nhưng thực tế có đúng là hài cốt của người thân họ hay không thì cũng chưa đủ căn cứ kết luận. Do đó tìm kiếm hài cốt liệt sĩ qua phương pháp ngoại cảm cần phải kết hợp với phương pháp khoa học để có kết luận chính xác về danh tính liệt sĩ.

Về các biện pháp và cơ chế quản lý đối với các cơ sở ngoại cảm tự phát, UBND tỉnh cần có chỉ đạo, giải thích để nhân dân không kỳ vọng vào các cơ sở tự phát cung cấp thông tin bằng phương pháp tâm linh. Đồng thời các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, chấn chỉnh xử lý hành chính đối với những cơ sở lợi dụng danh nghĩa này để cung cấp thông tin sai lệch, thu lợi bất chính.

Thượng úy Vũ Anh Tuấn – Khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc phòng:
Bắt đầu từ năm 2004, Viện chính thức sử dụng ứng dụng công nghệ sinh học trong nhận diện hài cốt liệt sĩ. Tính đến nay số các trường hợp xét nghiệm tại Viện khoảng 170 trường hợp. Trong số đó chủ yếu là hài cốt do các cơ quan, đơn vị quân đội gửi đến, còn người dân thì rất ít.
Theo số liệu thống kê, số các ngôi mộ do nhà ngoại cảm tìm được khi đối chiếu với kết quả xét nghiệm ADN cho tỉ lệ rất rất thấp, thấp không thể ngờ tới, và chưa khi nào vượt qua 2 con số.

- Nhiều nhà ngoại cảm tự nhận mình đã tìm được hàng ngàn hài cốt… Ý kiến ông của về vấn đề này?

Nếu đúng như vậy thì thật đáng khen ngợi nhưng như đã nói, kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm chưa đủ căn cứ để kết luận có chính xác hay không. Vì có không ít các trường hợp nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ nhưng lại chỉ nhầm mộ mới chết, có trường hợp bốc không có hài cốt mà chỉ có rễ cây… Vì lương tâm và trách nhiệm đối với những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, nhất thiết phải có sự kết hợp giữa ngoại cảm với các phương pháp khác như thông qua di vật của liệt sĩ, sơ đồ mộ chí, giám định ADN…

- Thưa Phó Cục trưởng, từ trước đến nay các trung tâm giám định gene trên cả nước đã từng tiến hành đối chứng kết quả các trường hợp tìm mộ bằng ngoại cảm với phương pháp xác định ADN chưa? Tỉ lệ chính xác như thế nào?

Nhiều năm nay các trung tâm giám định gene trong cả nước đã từng tiến hành xác định quan hệ huyết thống qua phương pháp giám định ADN, một số ít trong đó có xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Đối chứng các trường hợp tìm bằng ngoại cảm với một số tư liệu thực chứng khác thì kết quả cho tỷ lệ đúng rất thấp, dưới 10% (Theo số liệu Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện KN&CN Việt Nam).

- Trên thực tế tại mỗi tỉnh đều có ban quy tập mộ liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để tìm kiếm và cung cấp cho thân nhân liệt sĩ những cứ liệu về liệt sĩ. Tuy nhiên phần lớn người dân vẫn tin gặp các nhà ngoại cảm để tìm mộ? Ông giải thích gì về vấn đề này?

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm có ý nghĩa to lớn, thể hiện truyền thống nhân văn tốt đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là nội dung quan trọng trong chính sách giải quyết tồn đọng sau chiến tranh. Trách nhiệm đó là của Đảng, Nhà nước và toàn bộ xã hội. Đó cũng là vấn đề lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vì vậy Chính phủ đã có Ban công tác đặc biệt về tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, tại nhiều địa phương có Ban quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng.

Nhà nước khuyến khích người dân cung cấp thông tin cần thiết về mộ liệt sĩ cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiến hành công việc này. Trường hợp nhà ngoại cảm nếu nắm bắt được các thông tin về hài cốt liệt sĩ nên cung cấp cho các cơ quan quân sự địa phương hay chính quyền sở tại nơi có hài cốt để tổ chức cất bốc.

Bỏ ngoại cảm, ADN vẫn gặp khó

- Bắt đầu từ tháng 8 tới, Bộ sẽ phối hợp với sở, ban ngành tổ chức thí điểm xác định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trong đó có các trường hợp tìm được bằng phương pháp ngoại cảm. Những trường hợp nào sẽ được chọn thí điểm? Trong trường hợp phát hiện có sự vênh nhau về kết quả thì biện pháp xử lý sẽ như thế nào?

Sắp tới cơ quan LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Viện KH&CN Việt Nam và các trung tâm giám định gene để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào những phần mộ mới được quy tập, phần mộ đang có tranh chấp do thân nhân liệt sĩ đề nghị và những hài cốt tìm được bằng ngoại cảm. Phương pháp lựa chọn là ngẫu nhiên chứ không cố định tại một nghĩa trang liệt sĩ hay một khu vực nào cả.

PSG, TS. Lê Quang Huấn, Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học Việt Nam:
Viện Công nghệ sinh học là nơi đầu tiên triển khai phương pháp xét nghiệm ADN cho hài cốt liệt sĩ, bắt đầu từ 2002. Tuy nhiên số trường hợp tiến hành xét nghiệm đến nay mới chỉ khoảng 200 trường hợp, trong đó phần lớn là hài cốt do các cơ quan, đơn vị gửi đến.


Trong trường hợp thân nhân liệt sĩ thông qua nhà ngoại cảm và bốc được hài cốt về, nhưng do không tin tưởng nên tiếp tục giám định ADN và kết quả khẳng định ngược lại thì cần phải xử lý theo 2 trường hợp:

Thứ nhất, nếu hài cốt ban đầu nằm ở nghĩa trang, thì sau khi bốc về vẫn phải để ở nghĩa trang liệt sĩ gần nhất và bia mộ vẫn sẽ ghi là liệt sĩ vô danh.

Thứ hai, nếu hài cốt được bốc ở các khu vực ngoài nghĩa trang, cần phải căn cứ vào thông tin do địa phương cung cấp, các vật chứng có tại hiện trường để xác định đó có phải là hài cốt liệt sĩ hay không. Nếu không phải, sẽ tùy theo cách xử lý của mỗi gia đình vì đây thuộc vấn đề về trách nhiệm và tâm linh.

- Như vậy nếu các gia đình liệt sĩ phát hiện hài cốt mình tìm được bằng ngoại cảm không chính xác thì có thể khởi kiện không thưa ông?

Các gia đình liệt sĩ hoàn toàn có thể khởi kiện khi có đủ các chứng cứ chứng minh hài cốt tìm được không phải là thân nhân của gia đình và “nhà ngoại cảm” sẽ bị khởi tố trước pháp luật.

- Thời gian tới Nhà nước có phương án hỗ trợ kinh phí cho các gia đình liệt sĩ muốn xác định ADN cho hài cốt tìm được hay không thưa ông vì hiện tại giá thành cho mỗi lần xét nghiệm không hề rẻ?

Nhà nước sẽ hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho các trường hợp hài cốt liệt sĩ làm xét nghiệm ADN. Mức giá tham khảo tại các trung tâm giám định gene hiện nay dao động trong khoảng từ 7,5 – 9 triệu đồng.

- Rõ ràng công tác giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cần độ chính xác cao. Do đó những trung tâm giám định được lựa chọn sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu nào thưa ông?

Sắp tới Bộ sẽ phối hợp với các sở, ban ngành để có một buổi họp thống nhất các tiêu chí. Trước mắt sẽ hợp tác với khoảng 4-5 trung tâm giám định, trong đó yêu cầu bắt buộc là những trung tâm này phải do Nhà nước quản lý.

- Theo dự kiến, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin sẽ được triển khai đến năm nào? Bước đầu đề án này gặp những khó khăn gì thưa ông?

Chúng tôi dự định triển khai dự án này đến năm 2020, mỗi năm sẽ áp dụng thí điểm khoảng 1.000 trường hợp. Tuy nhiên đề án này vẫn còn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chưa nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học. Vì vậy nhiều khả năng chúng tôi sẽ xem xét không coi ngoại cảm trở thành một phương pháp bổ trợ trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Hơn nữa để có thể thực hiện được đề án này, chúng tôi cũng cần sự góp sức rất lớn của thân nhân các liệt sĩ. Vì trên thực tế vẫn có không ít gia đình tìm được hài cốt, dù chưa biết đích xác đó có phải là thân nhân của mình hay không nhưng khi nghe các “nhà ngoại cảm” nói rằng không nên xét nghiệm ADN vì vong không cho nên họ cứ mặc nhiên an táng và chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi cần sự tự nguyện của người dân, vấn đề này không thể cưỡng ép, càng không thể tự ý lục tung các nghĩa trang để tìm liệt sĩ vô danh rồi tiến hành xét nghiệm.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (Thực hiện)