Tại sao sau một thập kỷ, người Pháp lại quyết định đứng về phía Mỹ trong một cuộc tấn công quân sự vào Trung Đông?

Trong tuần qua, tình hình thế giới đang nóng lên  từng giờ với những diễn biến xung quanh Syria và động thái của Mỹ xung quanh vấn đề này. Người ta đang tự đặt câu hỏi là liệu Mỹ có tấn công Syria hay không và nếu có thì sẽ tấn công như thế nào. Nhưng có một điểm khác gây chú ý không kém cả là việc đồng minh thân cận của Mỹ là Anh lại tuyên bố sẽ không cùng Mỹ thực hiện một kế hoạch tấn công Syria sau khi Quốc hội Anh bác yêu cầu của Đảng Bảo thủ- một việc làm vô tiền khoáng hậu tron hơn 150 năm qua.

Tuy nhiên ngay sau đó Mỹ lại có được sự ủng hộ của Pháp. Đích thân Tổng thống Francois Hollande tuyên bố liên minh cùng Mỹ để trừng phạt Syria. Động thái này của Paris có thể coi là khá bất ngờ vì nếu nhìn lại cách đây 10 năm, Pháp đã không ủng hộ và chỉ trích Mỹ trong việc đánh Iraq. Vậy tại sao sau một thập kỷ, người Pháp lại quyết định đứng về phía Mỹ trong một cuộc tấn công quân sự vào Trung Đông?

Có thể  nói, việc đưa ra quyết định ủng hộ Mỹ  trừng phạt Syria đã tạo cơ hội để Pháp tăng cường lòng tin chiến lược của Mỹ. Từ lâu, Mỹ luôn coi trọng vai trò của Anh như là đồng minh chiến lược trong các chính sách đối ngoại của mình, trong khi đó, mặc dù cũng là đồng minh của Mỹ, nhưng vai trò của Pháp ít khi được Washington đánh giá cao.

{keywords}

Sự ủng hộ của Tổng thống Pháp đã khiến ông Obama hài lòng?

Việc tuyên bố ủng hộ Mỹ không đầy 24 giờ sau khi Anh tuyên bố rút lui không tiến hành tấn công Syria như là một lời nhắn của Tổng thống Hollande đến Tổng thống Obama rằng: Đã đến lúc Washington nên đặt niềm tin vào Paris như là một đồng minh thân thiết trong việc giải quyết các xung đột quốc tế. Và điều này đã ít nhiều phát huy tác dụng với Pháp khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rằng “Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ (chứ không phải Anh)” trong một bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/8 vừa qua.

Rõ ràng, sự lùi bước của người Anh trong vấn đề Syria lại là cơ hội để Pháp cải thiện vị thế của mình; đồng thời nó cũng cho thấy nỗ lực trong việc thể hiện vai trò của nước lớn của Pháp trong EU, mặc dù hành động của ông Hollande là hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống của Pháp khi muốn mọi việc đều phải được thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thực ra, sau cuộc chiến tại Iraq, Pháp đã cùng với Mỹ tấn công Libya năm 2011 và thực hiện kế hoạch tiêu diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mali hồi đầu năm 2013. Tuy nhiên, trong vấn đề Libya, Pháp không được Mỹ đánh giá cao do thái độ chần chừ ban đầu và chỉ ủng hộ Mỹ khi có quyết định của HĐBA thông qua. Việc Pháp đi đầu trong việc can thiệp vào Mali là một bước ngoặt tạo uy tín cho Paris vì nó cho thấy khả năng của Pháp trong việc chỉ huy thành công một kế hoạch quân sự đầy phức tạp ở một khu vực xa xôi. Việc ủng hộ Mỹ trong kế hoạch tấn công Syria được Paris coi là cơ hội tốt để Pháp chứng tỏ khả năng của họ trong các kế hoạch quân sự lớn của phương Tây, đồng thời củng cố lòng tin của Mỹ vào một đồng minh mới

Bên cạnh đó, việc giúp đỡ Mỹ trừng phạt Syria sẽ giúp Tổng thống Francois Hollande cải thiện hình ảnh của mình trong con mắt của chính người dân Pháp. Từ khi lên nhậm chức hồi tháng 5/2012, sự tín nhiệm của phần lớn người dân với ông Hollande là rất thấp khi ông bị đánh giá là một nhà lãnh đạo “mềm yếu, thiếu cứng rắn và thiếu quyết đoán”, chủ yếu là qua các chính sách đối nội. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là công chúng Pháp đánh giá lãnh đạo của họ dựa trên khả năng đưa ra những quyết định đầy khó khăn, bao gồm cả việc tham chiến ở nước ngoài.

Việc chính phủ Pháp quyết định can thiệp quân sự vào Mali hay tham gia giải cứu con tin ở Somalia hồi đầu năm 2013 đã cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của ông Hollande- quyết đoán hơn và cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế. Quyết định của ông Hollande trong hai vấn đề trên đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân Pháp và của cả các nước khác như Mỹ, Anh; và ngay lập tức làm thay đổi hình ảnh của Tổng thống Hollande trong công chúng Pháp. Việc quyết định ủng hộ Mỹ trừng phạt Syria sẽ giúp cho ông Hollande một lần nữa thể hiện khả năng quyết định dứt khoát đến những vấn đề liên quan đến “chiến tranh và hòa bình”.

Tuy nhiên, theo thăm dò mới đây của tờ Le Parisien, 64% người được hỏi không ủng hộ việc Pháp tham gia can thiệp quân sự vào Syria và 58% không tin vào việc Tổng thống Hollande sẽ tiến hành bất cứ hành động nào. Phần lớn đều cho rằng những hành động trừng phạt chính quyền Assad sẽ làm tồi tệ hơn tình hình nội chiến ở Syria, thậm chí còn khiến các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công phương Tây mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia của cơ quan phân tích công chúng BVA Celine Bracq, Tổng thống Hollande không cần quá lo lắng vì thái độ của người dân sẽ thay đổi khi Pháp chính thức cùng Mỹ tham gia vào một hành động quân sự chống Syria.

Người Pháp tuy không ủng hộ chiến tranh, nhưng một khi kế hoạch tấn công Syria được “kích hoạt”, họ sẽ ủng hộ tổng thống của mình. Hơn nữa, ông Hollande cũng tự tin vào quyết định của mình vì có thể ông đoán trước được rằng khó có khả năng Mỹ sẽ đưa quân vào Syria, mà sẽ cùng Pháp tiến hành một cuộc tấn công hạn chế bằng tên lửa. Phương án này sẽ ít rủi ro hơn và thiệt hại cho Pháp cũng sẽ ít. Không như ở Anh, Tổng thống Pháp có toàn quyền quyết định trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và quân sự, ngoại trừ việc tuyên bố chiến tranh với một quốc gia khác.

Hiện tại dư luận thế giới vẫn đang dõi theo những động tĩnh mới ở trong vấn đề Syria và chờ đợi xem liệu Mỹ có tiến hành những hành động trừng phạt Syria không. Có một điều chắc chắn là sự ủng hộ của Pháp với Mỹ trong vấn đề Syria sẽ tiếp thêm động lực cho Mỹ khi mà các đồng minh lớn như Anh, Đức hay NATO đều không ủng hộ họ.

Đối với Pháp, ủng hộ Mỹ trừng phạt Syria sẽ làm nâng cao vị thế của Pháp trong con mắt người Mỹ; Paris sẵn sàng trở thành đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Đây cũng được xem là một nước cờ khôn ngoan của Tổng thống Francois Hollande khi ông đã một lần nữa thể hiện sự dứt khoát của mình trong việc đưa ra quyết định lớn, tạo hình ảnh tích cực hơn trong công chúng Pháp, giảm bớt những áp lực ở trong nước đối với những chính sách đối nội do chính ông đề ra.

Bùi Lê Quý