Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, như thường lệ, vẫn luôn thẳng thắn trong những nhận định về hiện trạng đất nước. Ông nói: “Phải chăng, do chủ quan mà chúng ta để vỡ ổn định vĩ mô?".
>> Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi?
Những ý kiến thẳng thắn của các nhà chính trị và khoa học hàng đầu đất nước tại một hội thảo khoa học tổ chức vào ngày hôm qua đã cho thấy, đang thiếu vắng những hành động cụ thể để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Hãy cùng nhìn lại các khuyến nghị đã đưa ra để thấy kinh tế nước nhà sau nửa thập kỷ đang đứng ở đâu.Khách quan hay chủ quan?
Nửa thập kỷ vừa qua chính là quãng thời gian Việt Nam trải qua khủng hoảng, do tác động của kinh tế thế giới. Vậy nên, đánh giá của các chuyên gia và những người có trách nhiệm với đất nước chính là để giúp ta có được một cái nhìn toàn cảnh về hiện tình trước mắt, để tìm đối sách phù hợp cho giai đoạn sắp tới.
Bởi vậy, tại cuộc hội thảo ngày hôm qua, Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, như thường lệ, vẫn luôn thẳng thắn trong những nhận định về hiện trạng đất nước. Ông nói: “Phải chăng, do chủ quan mà chúng ta để vỡ ổn định vĩ mô. Suốt từ 2007 đến nay bất ổn vĩ mô bộc lộ ở mức gay gắt”. Như để làm dịu đi nhận xét thẳng thắn của mình, ông nói thêm: “Tôi nhận thức thế không biết trúng hay không?”.
Nhận xét của ông đưa ra sau khi nhiều ý kiến của các lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đưa ra trước đó đổ lỗi tình trạng hiện nay cho tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn nội tại của kinh tế trong nước.
Đáng chú ý, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một vị lãnh đạo cao cấp nhất của nhà nước, khi dự cuộc hội thảo khoa học nói trên cũng đã lý giải về nguyên nhân kinh tế hiện nay là do “hơn 2 năm qua, tình hình thế giới diễn biến khá phức tạp, khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai ở nhiều khu vực; khủng hoảng nợ công ở Châu Âu dai dẳng và vẫn chưa kết thúc; kinh tế thế giới phục hồi chậm,… đã tác động tiêu cực – trực tiếp hoặc gián tiếp – đối với kinh tế nước ta - một nền kinh tế có độ mở lớn, nhất là trên các mặt thương mại, đầu tư”.
Ảnh minh họa |
Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế được tích tụ từ nhiều năm cùng với những mặt trái của gói kích thích kinh tế đã cộng hưởng tạo ra hiệu ứng lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô kéo dài hơn dự kiến, thị trường bất động sản suy giảm mạnh, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, dừng hoạt động, thị trường thu hẹp, hàng tồn kho lớn.
Lý giải của Phó thủ tướng được Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ đồng tình khi đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, tình hình thế giới trong những năm qua tác động theo chiều hướng xấu hơn đến thị trường xuất khẩu các hàng hóa chủ lực của ta, đến lượng khách du lịch, đến xuất khẩu lao động và đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Không ít vấn đề lớn và yếu kém của nền kinh tế tồn tại từ nhiều năm, đến nay dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới càng bộc lộ rõ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, ông Vũ Khoan nghĩ khác: “Tôi không tin là nguyên nhân chủ yếu của khó khăn hiện nay là do kinh tế thế giới. Nhiều người bị ảnh hưởng chứ không phải mình ta”. Bởi lẽ, những lĩnh vực liên quan đến kinh tế thế giới như xuất khẩu, thu hút FDI, du lịch lại đang phát triển rất tốt.
Bên cạnh đó, những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tồn tại mấy chục năm chứ không phải gần đây mới bộc lộ.
Ông Khoan đặt câu hỏi, như để tổng kết những nhận xét trên: “Phải chăng, do chủ quan mà chúng ta để vỡ ổn định vĩ mô”.
Vẫn là tư duy duy ý chí
Ông Khoan nhận xét, Đại hội XI đã đưa ra hai nhóm chủ trương lớn rất quan trọng về thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, ông nhận xét, có những chủ trương lại bị làm ngược lại trên thực tế.
Ông nêu các ví dụ chủ trương về thị trường tài chính vững chắc, vận hành an toàn, được quản lý, giám sát hiệu quả; chủ trương phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, tập trung hoàn thiện thể chế quyền sử dụng đất; hay chủ trương xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, rồi khái quát tóm lại, nhìn lại những chủ trương thì bức tranh rất lổn nhổn, phần lớn không đi vào cuộc sống được. Vì sao nên nông nỗi như vậy?
Nguyên Phó thủ tướng lý giải, có thể những chủ trương này được đưa ra do tư duy chủ quan duy ý chí, hay không được thực hiện, thậm chí là làm ngược lại.
Đồng tình quan điểm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nói: “Chúng ta có nhiều hội nghị, rất nhiều đề xuất trúng nhưng không được thực hiện vào thực tế chả mấy. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay mà cách giải quyết gần như cũ, thậm chí có cái trở lại hành chính bao cấp.
Ông nói tiếp: “Các báo cáo đều đưa ra nguyên nhân, nhưng không sửa được khi thực hiện. Đây là nguyên nhân làm kinh tế ngày càng khó khăn, doanh nghiệp ngày càng co lại”.
Tình trạng đất nước, như ông Kiêm nói, được Giáo sư Tiến sỹ Trần Thọ Đạt, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng tình. Ông cho rằng, có nhiều vụ việc “nghiêm trọng” đã xảy ra trong suốt những năm qua nhưng không có ai chịu trách nhiệm vụ thể, và chính sách nhiều nhưng hiệu quả ít.
Trong khi tăng trưởng các nước ASEAN 5 đều khởi sắc hơn kể từ giai đoạn cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì tốc tộ tăng trưởng của Việt Nam bắt đầu xu thế giảm nhanh và liên tục từ 2007, và đến 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000.
Những phân tích tại Hội thảo cho thấy, trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang ngày một cách xa. Nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 có khả năng không thực hiện được, ngay trong năm 2013, đã có tới 7/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (như tốc độ tăng trưởng GDP, giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng, giải quyết việc làm, …). Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều. Những cảnh báo về một nền kinh tế chứa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực.
Con đường đi tới
Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng”, Tiến sỹ Trần Thọ Đạt đề nghị các khuyến nghị bao bồm giảm các loại thuế phí và cắt giảm chi tiêu công; đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN; tăng cường cạnh tranh và tự do thương mại; tăng cường đầu tư phát triển công nghệ, giáo dục, đào tạo; và cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Đạt cũng đề nghị cần điều chỉnh lại một số chỉ tiêu kế hoạch, cũng như chú trọng đến tổng cung để giải quyết ách tắc kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, đề xuất trên lại không được ông Vũ Khoan đồng tình. Ông nói: “Điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu dễ lắm, nhưng chả đem lại cái gì vì nó có thay đổi tình hình đâu”.
Liên quan đề lựa chọn chính sách trọng cung của Tiến sỹ Đạt, ông Khoan nói đầy băn khoăn: “Cầu yếu thế này, mà cung ra thì lại cho vào kho à”.
Trong khi đó, chuyên gia Lưu Bích Hồ tỏ vẻ hoài nghi: “Chúng ta đã bàn nhiều rồi, nhưng tôi rút ra là nói nhiều nhưng không làm được. Giờ tôi không tin làm được, nên hôm nay có nói cũng không làm được”.
Ông Cao Sỹ Kiêm tỏ vẻ thực tế hơn: “Có hội thảo như thế này của 3 cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc quốc hội đều có gợi ý trúng, các doanh nghiệp thấy rất mừng. Nhưng rồi họ lại thấy khả năng giải quyết rất hạn chế”.
Ông đặt câu hỏi hoài nghi, chúng ta có làm không, có làm được không? Phải có địa chỉ cụ thể ai làm, làm như thế nào, bao giờ xong chứ?
Câu trả lời có lẽ sẽ đến từ chính thực tế.
Vũ Minh