Nếu có thể, nên để hàng triệu bộ bàn ghế trong các nhà trường trong cả nước, thành thứ công cụ tốt nhất, gần nhất và sẵn có nhất cho dạy và học sáng tạo.

Ba mươi tuổi tôi mới đi học nước ngoài, vẫn học thạc sĩ dù đã có một bằng thạc sĩ được bảo vệ (có thể nói là nghiêm túc) ở trong nước. Thế mới biết, cái sự học không bao giờ ngừng lại.

Càng học, tôi càng thấy có những vấn đề về đổi mới giáo dục cần quan tâm. Nhưng có một thứ tưởng như nho nhỏ, song thực ra lại phản ánh nhiều điều trong tư duy, làm tôi rất băn khoăn khi nghĩ về giáo dục “ở nhà mình” – đó là chuyện cái ghế trong lớp học.

Từ Tiểu học tới THCS rồi PTTH, tôi ngồi học trên các ghế dạng băng và bàn dài, thường chia làm ba ngăn, nhưng thế nào bàn cũng gồm tới bốn học trò hoặc hơn. Tuổi thơ của chúng tôi là những lúc chia bàn tranh ghế, dùng phấn viết, bảng cá nhân, thước kẻ hoặc bất kỳ thứ gì có được làm “ranh giới”.

Khi gặp lại bạn bè, chúng tôi thường nhắc lại những lúc “chia bàn, phân ngăn” đó với đầy những nụ cười. Ngăn bàn khi chúng tôi mười lăm còn là “hòm thư” bất đắc dĩ cho những cô cậu dậy thì. Đầu giờ học, có thể thấy trong đó thư tay, một bông hồng hay cành phượng vĩ.

Đó là cái nhìn bằng lăng kính ký ức lãng mạn. Còn nhìn một cách thực tế, những lớp học kiểu chỉ có hai dãy bàn, 6 cái mỗi bên mà phải chứa tới 70 em học sinh là điều kiện chúng tôi thường có khi còn là học trò.

Hình thức tổ chức lớp học “cơ bản” với bục giảng thường cao hơn nền lớp học, vị trí ngồi của học trò thấp hơn vị trí đứng của giáo viên. Từ trên bục giảng giáo viên có thể quan sát được cả lớp. Từ dưới nhìn lên, học trò chăm chú nghe giảng. Thày cô giáo nói không ngừng. Phản biện thày cô là một việc dường như vẫn còn hiếm hoi. Theo tìm hiểu của tôi, mô hình bố trí lớp học như thế đã dần “vắng bóng” ở châu Âu và Mỹ từ nhiều thập kỷ trước.

{keywords}

Lớp học ở Ediburg (Anh) năm 1920

{keywords}

Lớp học ở Mỹ năm 1930

{keywords}

Lớp học ở trường Amsterdam Hà Nội 2015

Tới nay, hình thức lớp học ở các nền giáo dục Hoa Kỳ và châu Âu đã được tổ chức lại, trong đó có một số dạng sau đây:

Mô hình thứ nhất: Bàn giáo viên và bàn ghế học sinh cùng nằm trên một mặt phẳng. Các bộ bàn ghế học sinh được thiết kế riêng biệt cho từng em. Mỗi em ngồi riêng ghế, có mặt bàn gắn liền. Có thể gấp gọn bàn ghế lại hoặc tự do di chuyển chỗ ngồi. Điều này rất thuận tiện cho học sinh mỗi khi phải làm việc hay thảo luận theo nhóm.

{keywords}

Lớp học với bàn ghế cá nhân

Mô hình thứ hai: Bàn giáo viên đặt ở vị trí thấp nhất, bàn học sinh được đặt trên các bậc “giật cấp”, đảm bảo hàng ghế sau luôn cao hơn hàng ghế trước. Tất cả học sinh với chiều cao khác nhau có cơ hội đồng đều để nhìn bảng và nghe giáo viên. Một số phòng học còn thiết kế bàn ghế dạng vòng cung, khiến cho buổi học có không khí tập trung hơn nhiều.

{keywords}

Lớp học với bàn ghế hình vòng cung

Người viết bài này cũng đã từng giảng dạy ở các lớp của một trường đại học tại Việt Nam. Phòng học có sức chứa lên tới 150 sinh viên. Dù nền phòng học được “giật cấp” từ thấp lên cao, nhưng bàn ghế vẫn được tổ chức theo kiểu cũ. Thậm chí bốn dãy bàn được kê liền lại thành hai dãy. Có nghĩa là có khoảng sáu tới bảy sinh viên cùng ngồi trên một băng ghế. Đơn cử, một sinh viên ngồi trong cùng muốn đứng dậy… đi vệ sinh thì cả 5 sinh viên ngồi ngoài phải đồng loạt đứng dậy, nhường chỗ cho em đó đi ra. Lúc vào thì các sinh viên thường… nhường bạn đó ngồi ngoài cùng.

Cũng khó có thể đòi hỏi việc tổ chức thảo luận nhóm, chơi các trò trí tuệ hoặc bất cứ một hình thức học tập sáng tạo nào khác trong một mô hình lớp học “khóa kín” như vậy. Giảng viên trong trường hợp này cũng không biết làm gì hơn là… cố gắng nói nhiều hơn. Quan sát kỹ hơn, cho tới tiết học thứ tư, nhiều em sinh viên chưa từng đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình, ngay cả vào giờ giải lao.

{keywords}

Một lớp học “cơ động” tại đại học Ataneo, Manila, Philippines

Có rất nhiều thứ cần phải thay đổi để đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, những buổi học 5-6 tiết “bê bết” - không đứng lên lần nào - trong quãng đời học sinh của tôi nên được dừng lại ở kỷ niệm của thế hệ chúng tôi. Quy định gần đây nhất của Bộ Giáo dục Đào tạo về bàn ghế cho học sinh là không được quá hai em một bàn cũng thể hiện một tư duy mới mẻ hơn[1]. Nhưng nếu có thể, chỉ một lần thay đổi, nên để hàng triệu bộ bàn ghế trong các nhà trường trong cả nước, thành thứ công cụ tốt nhất, gần nhất và sẵn có nhất cho dạy và học sáng tạo.

Nhung Nguyễn

---

[1] Lần đầu tiên có quy định về bàn ghế cho học sinh , Vietnamplus, 27/06/11.

Bài cùng tác giả:

Cấp độ tàn độc mới của IS và những câu hỏi

Hơn một tỉ người đạo Hồi và cả nhân loại vẫn cần nhận thức một cách toàn diện hơn nữa về nhau.

Táo ngoại nhiễm khuẩn và ‘ăng-ten sợ hãi’

Có lẽ do rào cản ngôn ngữ hoặc có lẽ do thói quen “rút tít” của báo chí, mà táo nhiễm khuẩn là sự cố của chỉ 4 công ty đã bị gán cho danh từ chung “Táo Mỹ” ở Việt Nam.